Ngập nặng trên đường Tô Ngọc Vân (Quận Thủ Đức) sau trận mưa lớn ngày 13/6. Ảnh: TTXVN
Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ thông báo đợt mưa lớn này kéo dài ít nhất 4 ngày. Nguyên nhân do hoạt động mạnh gió Tây Nam khống chế khu vực Nam Bộ hoạt động mạnh dần, cùng đồng thời, hội tụ gió trên cao cũng hoạt động.
Theo đánh giá, đây là hiện tượng bình thường đối với khu vực Nam Bộ. Tuy nhiên, mức độ rủi ro và sự thay đổi thời tiết sẽ diễn ra liên tục. Vì vậy, người dân cần nắm bắt thông tin sớm để chủ động ứng phó.
Sau hàng chục năm nỗ lực, đến nay, TP.HCM đã giảm ngập cả về khu vực, mức độ và thời gian. Tuy vậy, vẫn còn 22 tuyến đường lớn bị ngập khi mưa cường độ cao.
Người dân di chuyển khó khăn vì nước ngập sâu trên đường Nguyễn Duy Trinh (Quận 2). Ảnh: TTXVN.
Người dân di chuyển khó khăn vì nước ngập trên đường Nguyễn Duy Trinh (Quận 2). Ảnh: TTXVN.
Nước ngập thành sông ở khu vực đường Kha Vạn Cân (Quận Thủ Đức). Ảnh: TTXVN.
Người dân gặp khó khăn khi di chuyển giữa là nước ngập trên đường Phan Anh (Quận 2). Ảnh: TTXVN.
Đó là các tuyến đường: Nguyễn Văn Khối, Quốc lộ 50, Đào Sư Tích, Lê Văn Lương, Hồ Học Lãm, Song hành Quốc lộ 22, Phan Văn Hớn, Nguyễn Văn Hưởng, Nguyễn Hữu Cảnh, Điện Biên Phủ, Phan Huy Ích, Ung Văn Khiêm, Quốc Hương, Phạm Văn Chiêu, Bình Lợi, Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng, Tô Ngọc Vân, Kha Vạn Cân, Dương Văn Cam, Đặng Thị Rành, Nguyễn Văn Quá.
Trong các trận mưa lớn vừa qua, các tuyến đường này ngập từ 10-30cm. Thời gian ngập sau mưa kéo dài từ 10-40 phút. Việc đánh giá được xem xét lúc mưa vừa kết thúc, nước vẫn còn ở mặt đường. Chiều sâu được đo tại vị trí 1/4 chiều rộng mặt đường.
Nước ngập hơn nửa bánh xe trên đường Nguyễn Duy Trinh (Quận 2). Ảnh: TTXVN.
Ngập sâu trên đường Phan Anh (Quận 2) khiến người dân phải xuống xe dắt bộ. Ảnh: TTXVN.
Một nghiên cứu từ Công ty tư vấn quản lý toàn cầu của Mỹ mới đây cho biết, TP.HCM - đô thị lớn nhất của Việt Nam, sẽ phải đối mặt với thảm họa lũ lụt ngày càng tăng. Nguy cơ xảy ra thảm họa này có thể tăng gấp 5 - 10 lần vào năm 2050, dẫn đến thiệt hại về kinh tế và cơ sở hạ tầng lên tới hàng tỷ USD. Phân tích trên dựa trên các mô phỏng thủy văn, bản đồ sử dụng đất, cơ sở dữ liệu cơ sở hạ tầng và các đường cong thiệt hại.
Để ứng phó với nước biển dâng, sụt lún đất, TP.HCM đang đầu tư hàng loạt công trình chống ngập theo hướng bền vững như "rốn ngập" Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh, sau một thời gian thuê máy bơm chống ngập, hiện đang được nâng đường, cải tạo hệ thống thoát nước. Dự án giải quyết ngập do triều có xét yếu tố biến đổi khí hậu đang bước vào giai đoạn nước rút trước khi vận hành vào tháng 10/2020. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả không chỉ trông chờ vào mỗi công trình này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!