Chè shan tuyết là kế mưu sinh nhiều đời nay của đồng bào dân tộc Dao ở Hoàng Su Phì.
Để đi hái chè, những dụng cụ không thể thiếu là gùi. Thời gian sáng sớm rất thích hợp để hái chè bởi khi đó, búp chè có vị đậm nhất và phải bẻ cong xuống hoặc trèo lên cây mới hái được vì cây rất cao. Do khí hậu mát, sương mù quanh năm nên cây càng to.
Những cây chè shan tuyết cổ thụ rất cao. Ảnh: Báo Hà Giang.
Búp chè có lớp lông phủ trắng như tuyết nên chè có tên là Shan Tuyết (tuyết trên núi). Những búp chè mọc thành chùm trên những cây chè shan tuyết cổ thụ, mọc trên đỉnh núi hàng trăm năm nay.
Ở Hoàng Su Phì, có những cây chè cổ thụ mọc trên đỉnh núi cả 10 đời người. Đó là nguồn thu chủ yếu của các đồng bào dân tộc. Lá chè tươi ngon vừa thu hoạch sẽ được người dân tộc chế biến và bảo quản một cách độc đáo.
Chè shan tuyết là loại chè cổ thụ tồn tại lâu đời nhất ở Việt Nam. Lên đỉnh núi hái chè là công việc sáng sớm của những gia đình dân tộc Dao ở đây. Lá chè tươi vừa thu hoạch xong sẽ phải được sao ngay để giữ được độ tươi ngon của búp chè trong sương sớm.
Bà con hái chè trên cây chè shan tuyết cổ thụ.
Hiện tại đang là vụ cuối thu hoạch chè trong năm ở Hoàng Su Phì, trước khi mùa đông lạnh giá đến. Ở Hà Giang, có những mô hình sản xuất chè shan tuyết giúp cho những người yêu chè ở khắp các vùng miền và có thể thưởng thức loại chè đặc sản này đúng kiểu truyền thống của đồng bào dân tộc.
Tại đây, có những mô hình chế biến chè hiệu quả giúp quảng bá đặc sản chè shan tuyết cổ thụ ra khắp các vùng miền cả thế giới. Nhờ đó, những búp chè cổ thụ mọc trên đỉnh núi quanh năm sương phủ suốt hàng trăm năm đã trở thành sinh kế của nhiều hộ gia đình dân tộc ở đây.
Từ những búp chè vừa mới hái trên núi đến những búp chè vừa sao khô và toàn bộ quá trình sản xuất, cho đến lúc ra thành phẩm, chè shan tuyết cổ thụ là chè hữu cơ tuyệt đối, đạt tiêu chuẩn châu Âu. Đó là cơ sở vững chắc để chè shan tuyết cổ thụ của Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang được vươn ra với thế giới.
Cả tỉnh Hà Giang có 25 cơ sở chế biến chè, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc. Có đầu ra, thu nhập bền vững, người dân địa phương sẽ có ý thức hơn trong việc bảo tồn, bảo vệ những bộ gen quý của cây chè shan tuyết cổ thụ để từ đó phát triển cây chè di sản.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!