Chỉ với vài chiếc chai và một hòn đá là có thể tạo nên một điểm bán xăng. Những chai xăng vô chủ xưa nay vốn là hình ảnh quen thuộc trên đường phố, chỉ khi người mua có nhu cầu thì người bán mới xuất hiện.
Từ 11/10, Nghị định 99 cũng đã tăng mức xử phạt hành chính lên nhiều lần khi bán xăng dầu qua thùng, can, chai đặc biệt với những cá nhân, hộ kinh doanh xăng dầu không đủ điều kiện. Nhưng đến thời điểm này, tình hình vẫn dậm chân tại chỗ, trên nhiều tuyến phố Hà Nội xăng dạo vẫn bán công khai.
Xung quanh trạm xăng dầu đang xây dựng lại tại số 257 - 259 đường Giải Phóng - Hà Nội, chỉ trong khoảng 50m có đến hơn 10 điểm tự phát bán xăng với giá gấp 2, gấp 3 lần giá niêm yết thế nhưng vẫn nhộn nhịp người bán, kẻ mua.
Xăng A95 có màu vàng, trong khi xăng A92 là màu xanh lá cây nhưng nếu quan sát kỹ xăng bày bán vỉa hè không khó nhận ra các loại xăng dạo thường có màu nhợt nhạt hơn màu gốc cho dù người bán luôn cam kết "đong đủ và hàng chất lượng".
Một trong những nguyên nhân khiến xăng vỉa hè bị cơ quan QLTT cấm bán là chất lượng xăng không đảm bảo. Người bán hàng có thể mua thêm dung môi hóa chất giá rẻ như methanol, thậm chí dùng nước pha vào xăng để kiếm lời. Hầu hết các đối tượng bán hàng lưu động, phương tiện hành nghề đơn giản nên khi lực lượng chức năng kiểm tra thường bỏ của chạy lấy người, để lại "vườn không nhà trống".
Với những hình thức buôn bán diễn ra công khai hàng ngày, việc phát hiện hoạt động kinh doanh xăng dạo không phải là điều quá khó bởi tất cả đều như bày ra trước mắt. Tuy nhiên, để hiện thực hóa chủ trương siết chặt hoạt động kinh doanh xăng dầu ngoài luồng vẫn là điều chẳng hề dễ dàng. Khi kiểm tra, những chiếc chai lại hóa vô chủ mà "thời" đến mới có thể gặp nhau.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!