Trâu chọi – “ngọc đen” Hải Lựu

Minh Toàn-Thứ sáu, ngày 27/01/2023 16:33 GMT+7

VTV.vn - Sau 2 năm tạm dừng do dịch bệnh, năm nay, Lễ hội chọi trâu Hải Lựu, huyện Sông Lô sẽ được tổ chức trở lại.

Hội "đấu ngưu" truyền thống

Hàng năm cứ sau rằm tháng Giêng âm lịch, người dân Hải Lựu lại rộn ràng tổ chức lễ hội "đấu ngưu" truyền thống cầu cho mưa thuận gió hòa, vụ mùa bội thu.

Có nhiều câu chuyện lý giải nguồn gốc của lễ hội chọi trâu truyền thống ở Bạch Lưu, Hải Lựu, Sông Lô. Tương truyền, lễ hội chọi trâu đã có từ thế kỷ II trước Công nguyên, khi nhà Hán xâm lược nước Nam Việt của con cháu Triệu Đà khiến triều đình nhà Triệu bị tan tác. Lúc ấy thừa tướng nước Triệu là Lữ Gia đã lui binh về vùng núi Hải Lựu sông Lô để tổ chức kháng chiến. Điều đáng ghi nhận là cứ sau mỗi trận thắng, ông lại cho tổ chức chọi trâu để động viên quân sĩ, và trâu sau khi chọi đều được đem mổ thịt để khao quân. Khi Lữ Gia mất, dân làng Hải Lựu đã tôn ông làm thành hoàng làng và hội chọi trâu vẫn được duy trì như một hình thức tiếp nối truyền thống anh hùng của các bậc tiên nhân.

Trâu chọi – “ngọc đen” Hải Lựu - Ảnh 1.

Những chủ trâu rất vất vả để có thể tìm và vận chuyện những "ông Cầu" ưng ý về địa phương (Ảnh: NVCC).

Lại có một truyền thuyết khác cho rằng: một buổi sớm mai, bên bến sông Lô thuộc xã Hải Lựu huyện Sông Lô ngày nay, có người đã trông thấy hai con trâu trắng đánh nhau túi bụi rồi cùng nhảy xuống dòng sông biến mất. Từ đó dân làng gọi bến sông này là bến Ảnh, làng cũng được gọi là làng Bạch Ngưu (trâu trắng) và lễ hội chọi trâu cũng bắt đầu từ đó.

Ở xã Hải Lựu, những trâu tham gia lễ hội chọi trâu sẽ được gọi là "ông Cầu". Lý giải về cái tên này, những người dân Hải Lựu cho hay: "Cầu ở đây là cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, cầu cho quốc thái dân an…" Đó là lý do tại sao những "ông Cầu" này phải được tuyển chọn rất kỹ từ nhiều địa phương trong nước, thậm chí nhiều chủ trâu phải di chuyển sang những nước lân cận để có thể tìm được ông trâu ưng ý. Ngoài ra, thì những "ông Trâu" này cũng cần đáp ứng đủ những yêu cầu từ việc chọn sừng, chọn khoáy đến màu da, móng chân, lông, mắt… đều phải hết sức tỉ mỉ để có thể tham gia chọi.

Trâu chọi – “ngọc đen” Hải Lựu - Ảnh 2.

Những "ông Cầu" được mua về được trình thành hoàng làng ở đền thờ thừa tướng Lữ Gia. (Ảnh: Minh Toàn).

Những "ông Cầu" này thường được một nhóm người chăm sóc và cử ra một đại diện để huấn luyện, chăm sóc…Những chủ trâu đại diện này cũng cần đáp ứng những tiêu chí khắt khe được truyền lại từ xa xưa. Trâu mua về còn được cả cộng đồng bình xét gắt gao và giao cho một gia đình tiêu biểu nuôi dưỡng, thường là gia đình đạt chuẩn văn hóa, có đủ ông bà, cha mẹ, con cháu sống thuận thảo hòa hiếu và có điều kiện kinh tế khá giả.

Trước kia lễ hội vẫn diễn ra vào ngày 17 tháng Giêng âm lịch nhưng từ năm 1947, do nhiều nguyên nhân trong đó có cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp đã bắt đầu khốc liệt, lễ hội chọi trâu bị gián đoạn trong một thời gian dài, mãi tới năm 2002 mới được khôi phục. Do sức hấp dẫn của lễ hội đã thu hút ngày càng đông khách thập phương nên từ năm 2004, Ban tổ chức đã cho kéo dài lễ hội trong hai ngày 16 và 17 tháng Giêng âm lịch hàng năm.

Chăm trâu chọi – nghề siêu khó

Ông Nguyễn Văn Hưng đồng chủ trâu số 16 chia sẻ: "Để tìm được một "ông Cầu" ưng ý, những chủ trâu có thể phải đi rất nhiều ngày, thậm chí khi tìm được trâu còn phải dắt bộ về các nơi thuận tiện thì mới có thể vận chuyển "ông Cầu" về làng…" Những chủ trâu thường phải di chuyển nhiều và liên tục giữa nhiều tình thành thậm chí cả những nước lân cận để có thể tìm được trâu phù hợp với những tiêu chí đã được đề ra.

Chủ trâu Nguyễn Văn Thành (48 tuổi, Hải Lựu) là một trong số những chủ trâu dạn dày kinh nghiệm trong khu vực cho biết: "Nuôi trâu chọi về cơ bản là tương đối khác so với trâu thường. Khác từ chế độ ăn, nghỉ ngơi, chăm sóc và huấn luyện…". Thật vậy, vì là một "ông Cầu" mang trong mình những mong ước của chủ trâu nên những viên "ngọc đen" này được chăm sóc rất cẩn thận. "Cỏ cho ăn phải là cỏ non, cỏ sữa. Ngày thì chăn, tối về cho ăn ngọn mía hay hòa mật mía để trâu ‘vào thịt’…" – Ông Thành nói thêm.

Trâu chọi – “ngọc đen” Hải Lựu - Ảnh 3.

Ngoài cỏ sữa, rơm… thì chế độ ăn của trâu chọi thường được bổ sung thêm mật mía, vitamin B1 và chất tinh như ngô để "vào thịt" (Ảnh: Minh Toàn).

Ngoài ra, những chú trâu chọi còn có chế độ luyện tập, huấn luyện rất đặc biệt. Những "ông Cầu" này thường được đưa ra những bờ ruộng, những vũng để tập húc. Hoặc được thả dây để chạy quanh các bờ ruộng nhằm rèn thể lực. Khi đưa trâu ra những bãi tập cũng cần chú ý, bởi nếu trên bãi tập có trâu khác thì rất có thể sẽ dẫn đến việc chọi trâu trước hội, điều này rất dễ gây ra những chấn thương ngoài mong muốn. Thậm chí, việc cho trâu chọi trước lễ hội còn được các chủ trâu coi là không may mắn.

Ông Hà Văn Khánh, chủ trâu số 16 chia sẻ: "khoảng thời gian 3 tháng mùa đông là khoảng thời gian khó khăn nhất khi chăm sóc ‘ông Cầu’ vì thời gian này rất rét, trâu dễ nhiễm bệnh và phải đốt lửa để sưởi ấm trâu…". Mùa đông nhiệt độ xuống thấp, kết hợp với độ ẩm không khí cao làm cơ thể trâu tốn nhiều năng lượng để chống lạnh, sức đề kháng giảm; tạo cơ hội cho vi sinh vật gây bệnh xâm nhập. Mà thời gian này lại là khoảng thời gian nước rút để huấn luyện những miếng đánh cho trâu.

Mỗi "ông Cầu" khi ra sới có giá trị khoảng 180 – 200 triệu. Điều này vượt xa giá trị ban đầu của "ông Cầu" khi được mua về. Ông Cầu sẽ được mua về chăm sóc khoảng 8 – 10 tháng trước khi ra sới thậm chí hơn. Giá trị cao là vậy, tuy nhiên, chỉ có trâu về nhất và về nhì thì mới có giải thưởng. Giá trị kinh tế của trâu chọi không nằm ở giải thưởng mà của trâu về nhất và về nhì sẽ được mổ thịt và bán với giá 800–3 triệu đồng/kg. Điều này đồng nghĩa với việc, những "ông Cầu" thua trận thì chủ trâu sẽ đứng trước nguy cơ "lỗ nặng".

Trâu chọi – “ngọc đen” Hải Lựu - Ảnh 4.

Trâu được huấn luyện húc vào bờ để luyện tập các miếng đánh trước thềm lễ hội (Ảnh: Minh Toàn).

Khả năng "lỗ nặng" cao, tuy nhiên rất nhiều hộ gia đình, rất nhiều chủ trâu vẫn duy trì việc chăm sóc "ông Cầu". Bởi, mong muốn của các chủ trâu khi chăm sóc "ông Cầu" không phải là "lợi nhuận" mà là những giá trị tâm linh, những mong ước được gửi gắm vào các chủ trâu. Vì lẽ đó, nhiều chủ trâu nói đùa rằng: "Lỗ vẫn nuôi, nuôi vì đam mê là chính…".

Ông Đào Tiến Chung (chủ tịch UBND xã Hải Lựu) cho biết: "Công tác chuẩn bị cho tổ chức lễ hội trâu chọi năm 2023, thì tiết giảm quy mô tổ chức lễ hội và số lượng trâu hiện nay là 20 trâu tức là 10 cặp đấu thay vì 32 trâu (16 cặp) như trước đây, lễ hội không bán vé thu tiền vào xem lễ hội, về cơ sở vật chất thì vận dụng và sử dụng những cơ sở vật chất hiện có và mua sắm bổ sung thêm một số những cơ sở vật chất khác để đảm bảo cho công tác tổ chức lễ hội, sân bãi thì đến nay đã cải tạo, sửa chữa và tu sửa các vật chất như: trống, chiêng, kiệu lọng…"

Lễ hội chọi trâu như một cách để quảng bá nét đẹp văn hóa của Hải Lựu đến với du khách thập phương, từ đó mở rộng quan hệ giao lưu với các địa phương lân cận để phát triển kinh tế xã hội và từ lễ hội thì tinh thần đoàn kết gắn bó trong cộng đồng dân cư cũng được nâng cao. Qua mỗi mùa lễ hội thì càng siết chặt thêm tình hàng xóm cũng như tính đoàn kết. Đời sống của người dân xã Hải Lựu cũng có sự đổi thay rõ rệt khi mỗi năm có hơn 100 căn hộ được xây dựng, đời sống vật chất và tinh thần cũng được cải thiện… - ông Chung cho biết thêm.

Xuân Quý Mão 2023 đã qua, những công tác chuẩn bị cho lễ hội chọi trâu Hải Lựu ngày càng gấp rút. Sới chọi đã được tu sửa, nâng cấp để đáp ứng được mong muốn xem trâu chọi của du khách thập phương. Sau 3 năm bị tạm dừng bởi đại dịch COVID-19, lễ hội chọi trâu năm 2023 được rất nhiều người mong chờ và hứa hẹn sẽ là một mùa hội thành công nữa của các chủ trâu nói riêng và người dân nói chung.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước