Xuất hiện các triệu chứng tê cứng nửa người bên trái, tay chân tê mỏi từ tối hôm trước, bệnh nhân không nghĩ mình bị đột quỵ vì mới 37 tuổi. Phải đến sáng hôm sau, ngủ dậy thấy không đỡ, gia đình mới đưa đi bệnh viện.
"Lúc đấy nghĩ cũng chỉ nghĩ mình lao động mệt mỏi nên nó tê còn không nghĩ tuổi của mình lại bị bệnh tai biến của người già" - bệnh nhân cho biết.
Bác sĩ Phùng Đình Thọ, Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: "Do đột ngột lạnh, nhiều bệnh nhân không thích nghi kịp, làm tăng huyết áp dễ dẫn đến đột quỵ".
1 tháng trở lại đây, trung bình mỗi ngày, Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận từ 30 - 40 bệnh nhân bị đột quỵ. Đáng nói, đã xuất hiện các bệnh nhân trẻ từ 18-40 tuổi, chiếm khoảng 10%, gia tăng đột biến so với các năm trước.
Theo thống kê của Bộ Y tế, tỉ lệ người trẻ đột quỵ tăng khoảng 2% mỗi năm, trong đó nam giới cao gấp 4 lần nữ giới. Do chủ quan, phần lớn người bệnh thường đến cơ sơ y tế muộn vì vậy thường để lại di chứng nặng, thậm chí tử vong.
Theo các bác sĩ, giai đoạn vàng để cấp cứu bệnh nhân đột quỵ là từ 3 - 4,5 giờ đầu tiên. Khi người bệnh xuất hiện các dấu hiệu: nói khó, khóe miệng xệ xuống, tay buông thõng không thể điều khiển thì cần đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!