Trung thu là tết thiếu nhi
Cớ sao người lớn lại đi là nhiều
Đi nhiều rồi mới làm liều
Làm liều thì có nhiều điều không hay
Một đoạn thơ có tính chất châm biếm khi Trung thu giờ đã trở thành một dịp để người lớn ngoại giao, quà cáp, tăng cường các mối quan hệ và món quà chắc chắn không thể thiếu dịp này đó chính là bánh Trung thu.
Có cầu ắt có cung, một cuộc chạy đua về chất lượng, mẫu mã thậm chí giá cả trên trời cho những hộp bánh Trung thu đang ngày càng khốc liệt. Từ những hộp bánh rất đẹp được bày bán đại trà trên vỉa hè với giá chỉ vài trăm nghìn cho tới những hộp bánh rất cao cấp chỉ được bày bán trong các khách sạn sang trọng.
- Lúc nào bọn em cũng có khách mua nhiều.
- Thường khách mua họ mua bao nhiêu?
- Cả 500 hộp ấy chứ.
- 500 hộp?
- Vâng.
- 4,8 triệu, 3,8 triệu đều có hết ạ. 10 triệu bọn em cũng bán được.
- Cao nhất ở đây là bao nhiêu?
- 25 triệu ạ.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hộp bánh trung thu có giá 25 triệu đồng theo lời giới thiệu của nhân viên khách sạn thì riêng tiền chai rượu vang đã được báo giá bán lẻ ngoài các shop rượu với giá thậm chí còn hơn 27 triệu đồng.
Theo nhà văn Hoàng Anh Tú, dịp Trung thu những năm gần đây là dịp làn sóng quà tặng mạnh mẽ đến mức chỉ sau dịp Tết cổ truyền của Việt Nam. Phú quý sinh lễ nghĩa, cuộc sống vật chất đi lên thì các món quà tặng cũng cầu kỳ, bắt mắt và đắt tiền hơn.
"Đôi khi cái giá của cái hộp còn lớn hơn rất rất nhiều so với cái giá của cái bánh. Thậm chí là như các quảng cáo của các khách sạn đó là một chiếc hộp tinh tế, thể hiện một tác phẩm nghệ thuật, nhưng cuối cùng cái nghệ thuật đó lại đi vào thùng rác thì quả thật rất là lãng phí" - Nhà văn hoàng Anh Tú cho hay.
Vậy ra, những chiếc bánh trung thu chỉ là cái cớ, giá trị hộp bánh lại nằm ở chai rượu và đôi khi là cả thương hiệu được đính lên hộp bánh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!