Trường Nguyễn và những hành trình kết nối niềm tin

Hoàng Hường/ảnh: Nhân vật cung cấp-Thứ ba, ngày 30/04/2024 12:14 GMT+7

VTV.vn - Với Nguyễn Quang Trường (Trường Nguyễn), điều hạnh phúc là nhận được sự tin tưởng của bà con Việt kiều để thực hiện công việc kết nối với quê hương

Sinh ra trong gia đình Công giáo, di cư vào miền Nam năm 1954, cha là sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng Hòa, năm 1988, Nguyễn Quang Trường (Trường Nguyễn) vượt biên tới Mỹ. Cùng với một số người bạn, Trường Nguyễn lập một tờ tuần báo mang tên Viet Weekly để làm kênh thông tin dành cho cộng đồng người Việt tại Mỹ. Năm 2013, khi trở về Việt Nam sinh sống và làm việc, ông đã cộng tác với các cơ quan báo chí và giành được nhiều giải thưởng với loạt bài phản ánh tinh thần hòa hợp, hòa giải dân tộc. Có thể kể ra giải A báo Nhân dân năm 2019 và năm 2020, giải Khuyến khích của Hội đồng giải thưởng Toàn quốc về thông tin đối ngoại năm 2015 và năm 2020…

Những ký ức, câu chuyện về ngày 30/4 cho tới giờ còn gợi lại nhiều kỷ niệm đáng nhớ đối với ông hay không?

Với tôi, đây luôn là dịp đặc biệt khi một lần nữa nhìn lại quá khứ, về những ngày tháng cả gia đình từng sống trong thời khắc đầy hoài nghi, lo âu. Cá nhân tôi đã trải qua không ít sóng gió, những ký ức buồn, những vết gợn trong tư tưởng trước khi có nhận thức rõ ràng hơn về những thay đổi của chính bản thân về câu chuyện hòa hợp, hòa giải dân tộc.

Cha là sĩ quan trong chế độ cũ, điều đó có tác động như thế nào đối với việc ông lựa chọn theo đuổi con đường làm báo, tiếp đó là trở lại Việt Nam và dấn thân vào những công việc kết nối những nhịp cầu hữu nghị, hàn gắn, hóa giải những hiểu lầm, định kiến của một bộ phận cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài?

Trường Nguyễn và những hành trình kết nối niềm tin - Ảnh 1.

Ông Trường Nguyễn trong một cuộc trả lời phỏng vấn

Cha tôn trọng sự lựa chọn nghề nghiệp của tôi cũng như tôn trọng tôn chỉ, mục đích mà tôi cùng với một số đồng nghiệp theo đuổi khi lập ra tờ Viet Weekly. Lời khuyên của ông với tôi là hãy đi tìm sự thật và tìm kiếm sự công bằng để mọi người đều có thể chia sẻ tiếng nói của mình.

Với sự ủng hộ ấy, cha tôi cũng vấp phải sự tẩy chay từ một số người có tư tưởng cực đoan ở cộng đồng người Việt tại Little Saigon. Bản thân tôi, những ngày đầu hoạt động truyền thông, báo chí tại hải ngoại, trong tôi vẫn có nhiều suy nghĩ mặc cảm, thiếu thiện chí nhưng yêu cầu công việc thôi thúc cần có nhận thức riêng, cái nhìn độc lập, thôi thúc những chuyến đi để mắt thấy tai nghe về những điều đã trở thành định kiến. Có những câu hỏi cần lời giải bằng chính những trải nghiệm thực tế, khách quan để tìm ra sự thật và tôi quyết định trở lại Việt Nam.

Dấu mốc năm 2006, với hoạt động tác nghiệp tại Hội nghị Cấp cao APEC thường được ông nhắc đến như một bước ngoặt trong hành trình trở về?

Tôi trở lại Việt Nam năm 2006 với tư cách là một phóng viên hải ngoại đưa tin về sự kiện Hội nghị Cấp cao APEC tại Hà Nội, tiếp sau đó là những chuyến đi tới Trường Sa, tới hàng loạt những địa danh lịch sử, gặp gỡ biết bao con người, bao nhân chứng…

Tôi vốn nghĩ rằng, đó trước hết là vì mình, cho công việc viết báo của mình. Không ngờ rằng, đó cũng là sự khởi đầu cho hành trình thay đổi lớn lao về suy nghĩ, tầm nhìn và sau đó là sự truyền cảm hứng trở lại tới cộng đồng người Việt tại nước ngoài.

Trường Nguyễn

Tuy nhiên, cá nhân tôi lựa chọn lần đầu tiên tới Trường Sa năm 2012 là chuyến đi breakthrough (đột phá), làm thông thoáng về tư tưởng, là bước ngoặt cho cuộc đời. Trước đó, kể cả sự kiện APEC hay những chuyến đi tiếp theo, gặp gỡ nhiều nhân chứng lịch sử, vinh dự được phỏng vấn cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt… tôi vẫn còn phần nào đó chưa thực sự hiểu, chưa "chạm" được tới những gì mà mình đặt ra. Trước thời điểm tới Trường Sa năm 2012, tôi vẫn chỉ ở bước khởi đầu trong hành trình trở về.

Điều gì khiến những hải trình tới Trường Sa trở nên đặc biệt với ông như vậy?

Tôi đã có 6 lần tới Trường Sa theo lời mời của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài. Từ lần đầu tiên đặt chân tới Trường Sa năm 2012, tôi đã thực hiện nhiều phóng sự, video clip ghi nhận cuộc sống, công việc của quân dân trên đảo, để truyền tải những thông điệp mạnh mẽ về sức sống nơi đây cũng như ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền. Là một người làm báo và cũng là họa sĩ, tôi yêu thích và dành nhiều thời gian thực hiện các bước tranh ký họa về Trường Sa để lưu giữ kỷ niệm về các chiến sĩ, về những điểm đến, những sự kiện mà mình tận mắt chứng kiến.

Trường Nguyễn và những hành trình kết nối niềm tin - Ảnh 3.
Trường Nguyễn và những hành trình kết nối niềm tin - Ảnh 4.
Trường Nguyễn và những hành trình kết nối niềm tin - Ảnh 5.

Ông Trường Nguyễn thực hiện nhiều bức ký họa chiến sĩ trong các chuyến đi tới Trường Sa

Phải nói rằng, chuyến đi đầu tiên ấy, với tôi cũng như một số kiều bào đi cùng đó là cả sự dấn thân và dũng cảm. Chúng tôi biết, điều chờ đợi khi trở về nước Mỹ không chỉ có lời thăm hỏi tích cực, những sự bày tỏ thiết tha được một lần tới với Trường Sa của bà con mà có cả sự tẩy chay, chống phá quyết liệt.

Những lần tiếp theo tới Trường Sa, ông có cảm nhận gì?

Trường Nguyễn và những hành trình kết nối niềm tin - Ảnh 6.

Những chuyến đi tới Trường Sa để lại ấn tượng đặc biệt, sâu sắc đối với ông Trường Nguyễn

Những chuyến đi làm cho tôi không chỉ có những trải nghiệm trực tiếp ở vùng biển đảo thiêng liêng, mà trên những hải trình ấy, tôi được đồng hành với những con người cùng chung tâm thế hướng về quê hương đất nước. Các chuyến đi tới Trường Sa, còn có ý nghĩa nhân văn sâu sắc hơn khi tiếp cận cả một bộ phận, tôi nghĩ vẫn còn giữ không ít những suy nghĩ chưa cởi mở. Tuy nhiên sau đó, hẳn họ đã có nhiều thay đổi tích cực trong nhận thức. Tôi cũng tin rằng, những câu chuyện, hình ảnh chân thực mà mình ghi nhận, phản ánh bằng nghiệp vụ và cả trái tim, nhiệt huyết đã phần nào làm rõ những điều còn mơ hồ của những người còn bất đồng chính kiến về chủ quyền biển đảo, về lòng yêu nước.

Với cộng đồng người Việt ở Mỹ, họ đón nhận ra sao với những nỗ lực truyền thông, quảng bá về Việt Nam của ông, về vai trò cầu nối gắn kết mà ông dành rất nhiều tâm huyết?

Năm 2024 đánh dấu 20 năm Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài đồng thời cũng là hơn 10 năm những chuyến đi đi về giữa hai đất nước của tôi. Trong thời đại mà chỉ cần một cú click đã có thể mở ra cả thế giới thông tin thì truyền thông, báo chí là con đường hiệu quả để đưa những câu chuyện, hình ảnh, thông tin, thành tựu chân thực về Việt Nam tới với bà con hải ngoại, đập tan những luận điệu xuyên tạc, chống phá từ các thế lực thù địch. "Tôi đã có một niềm tin mạnh mẽ chân thành" là tựa đề bài viết mang về cho tôi Giải A Báo Nhân dân năm 2020 và cũng là điều tôi mong muốn lan tỏa đến cộng đồng người Việt ở Mỹ.

Trường Nguyễn và những hành trình kết nối niềm tin - Ảnh 7.

Một số giải thưởng báo chí của ông Trường Nguyễn

Lần gần đây nhất trở về thăm gia đình tại Mỹ hồi tháng 9 năm 2023, tôi thấy sự chuyển biến trong tâm tư, tình cảm của những người mà mình gặp gỡ, trao đổi. Họ muốn được về nước, được tìm hiểu cuộc sống ở Việt Nam sau nhiều năm xa cách. Nhưng vẫn còn đó sự e ngại, lo lắng với vấn đề hòa nhập. Có những lằn ranh, có những rào cản trong tâm lý, trong nhận thức không dễ vượt qua ngay cả khi khát khao được trở về đã rất lớn. Định kiến không dễ thay đổi ngày một, ngày hai.

Bản thân tôi từng mang mặc cảm, là thành phần có nhiều vấn đề nhưng khi dấn thân, trải nghiệm với thiện chí và cái nhìn cởi mở, tôi nghĩ mình đã được chào đón nồng hậu ở ngôi nhà Việt Nam đổi thay nhanh chóng từng ngày.

Trường Nguyễn

Trường Nguyễn và những hành trình kết nối niềm tin - Ảnh 9.

Trường Nguyễn tác nghiệp trong chuyến tới Trường Sa

Với một bộ phận những người làm truyền thông, báo chí ở Mỹ, thông tin đến với họ vẫn có độ "nhiễu" nhất định, không chính xác. Vì vậy những hành trình của tôi phần nào tạo cảm hứng, khiến người ta tò mò, cũng muốn thực hiện những chuyến đi như vậy để có lời giải đáp chân thực cho câu hỏi của riêng mình.

Điều rất hạnh phúc với tôi đó là nhận được sự tin tưởng của bà con Việt kiều để thực hiện công việc kết nối với quê hương như tham gia các hoạt động thiện nguyện hỗ trợ miền Trung mùa lũ, đóng góp nhu yếu phẩm, vật tư y tế trong đại dịch COVID – 19, làm đường, xây lớp học, kết nối khám chữa bệnh, gây quỹ khuyến học cho một địa phương vùng cao như Yên Bái…

Gần đây, cùng với vợ, ông có mở Trường Sa Studio – một điểm đến đang dần được yêu thích ở Yên Bái với không gian nghỉ dưỡng, thưởng lãm tranh, giới thiệu các tác phẩm báo chí và đặc biệt là nơi trưng bày nhiều kỷ vật về Trường Sa. Ông có thể chia sẻ thêm về tâm huyết này?

Trường Nguyễn và những hành trình kết nối niềm tin - Ảnh 10.

Trường Sa Studio

Sau lần thứ 5 tới Trường Sa, tôi đã ấp ủ việc mở một điểm đến, trước hết để lưu giữ, giới thiệu những bức tranh ký họa, những bài báo về Trường Sa, những vật kỷ niệm mà tôi rất trân quý từ những trái bàng vuông, san hô, ốc… Sau nữa, tôi mong muốn có không gian để vẽ tranh, để người dân, nhất là các em nhỏ có điểm đến thú vị, mới mẻ để vừa nghỉ ngơi, thư giãn, vừa có thêm dịp tìm hiểu các thông tin về chủ quyền biển đảo. Điểm nhấn trong studio là mô hình thu nhỏ Cột mốc chủ quyền biển đảo Trường Sa. Trên các bức tường của studio, tên gọi, vị trí của các đảo cũng được minh họa sinh động với nhiều màu sắc bắt mắt.

Tôi hy vọng studio của mình sẽ được lựa chọn như một địa chỉ văn hóa, một "lớp học nhỏ" không hề khô khan mà đầy ắp những trải nghiệm hấp dẫn để cùng để lan tỏa thông tin, kiến thức, tình yêu với biển và hải đảo.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Hòa hợp dân tộc và những câu chuyện lịch sử chưa từng được kể Hòa hợp dân tộc và những câu chuyện lịch sử chưa từng được kể

VTV.vn - Chương trình "Góc nhìn" của kênh VTV4 lần đầu tiên đưa đến khán giả những câu chuyện kể của các nhân vật làm công tác hòa hợp dân tộc.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước