Chương trình tư vấn trực tuyến "Tầm soát đột quỵ để không hối tiếc - Công nghệ cao "truy tìm" mọi nguy cơ"
Thông tin trên được các chuyên gia, bác sĩ đưa ra trong chương trình tư vấn trực tuyến "Tầm soát đột quỵ để không hối tiếc - Công nghệ cao ‘truy tìm’ nguy cơ nhỏ nhất" diễn ra vào tối 7/7 do Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh và Đài Truyền hình Việt Nam (Báo Điện tử VTV.vn) tổ chức. Chương trình thu hút hơn 40.000 lượt xem trực tiếp, xem lại trên các nền tảng cùng hàng trăm câu hỏi gửi về.
TTƯT.PGS.TS.BS Nguyễn Văn Liệu - Trưởng khoa Thần kinh - Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, đột quỵ là bệnh lý gây tử vong đứng thứ 3 chỉ xếp sau ung thư và bệnh tim mạch. Tỷ lệ mắc đột quỵ đang gia tăng trên toàn cầu, trong đó có cả Việt Nam. Đột quỵ nếu không được cấp cứu kịp thời có nguy cơ tử vong cao hoặc để lại các biến chứng nghiêm trọng như yếu liệt, mất chức năng ngôn ngữ, sống thực vật...
Khán giả Lê Phú Quý đặt câu hỏi: "Khi người bệnh muốn tầm soát sớm đột quỵ thì sẽ được thăm khám hay thực hiện các chỉ định chụp chiếu gì?", TTƯT.TS.BS Nguyễn Thị Minh Đức - Trưởng khoa Nội Thần kinh, Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh, cho biết, tùy từng trường hợp bác sĩ sẽ thăm khám, tư vấn gói tầm soát cho người bệnh phù hợp. Cụ thể gồm có các gói cơ bản, nâng cao và chuyên sâu. Gói cơ bản dành cho tất cả mọi người chưa có triệu chứng gì hoặc gặp dấu hiệu nghi ngờ đột quỵ. Người bệnh sẽ được làm xét nghiệm máu để kiểm tra mỡ máu, đường máu, đánh giá chức năng gan, thận, siêu âm động mạch cảnh, siêu âm tim, đo điện tâm đồ, chụp cộng hưởng từ mạch máu não...
Gói nâng cao phù hợp với người bệnh có thêm các yếu tố nguy cơ như loạn nhịp tim, nghi ngờ mắc bệnh mạch vành. Lúc này, người bệnh sẽ được kiểm tra về tim chuyên sâu hơn, ví dụ như đo điện tâm đồ 24 giờ. Ngoài ra, người bệnh có thể được thực hiện phương pháp khác để hỗ trợ bác sĩ đánh giá tình trạng của mạch máu ngoại vi tại những vị trí như động mạch thận, các chi... Trong khi đó, gói chuyên sâu có thể áp dụng với người có tiền sử mắc bệnh về mạch máu não, tim mạch. Người bệnh có thể được siêu âm tim qua đường đặc biệt như thực quản và thực hiện thêm các kỹ thuật thăm dò chuyên sâu khác.
PGS.TS.BS Nguyễn Văn Liệu cho biết, tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, các máy móc hiện đại như máy MRI 1,5-3 Tesla, CT 768 lát cắt, máy chụp mạch máu số hóa xóa nền DSA cao cấp... hỗ trợ đánh giá, khảo sát toàn bộ cấu trúc, chức năng, nhu mô não và mạch máu não. Các thiết bị này có thể phát hiện được những bất thường rất nhỏ có thể gây đột quỵ, ngay cả khi chưa hoặc không có triệu chứng.
Hệ thống các máy siêu âm tổng quát Acuson Sequoia, X-quang kỹ thuật số treo trần và các kỹ thuật siêu âm Doppler giúp khảo sát toàn bộ cơ thể, tập trung vào những vùng có thể chứa các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ như ngực, bụng, các chi, mạch máu... Các máy xét nghiệm máu chuyên biệt, kỹ thuật khảo sát gene đánh giá nguy cơ xơ vữa mạch đa vị trí, nguy cơ tăng đông... cũng hỗ trợ nhiều cho việc tầm soát đột quỵ từ sớm.
Giải đáp câu hỏi: "Độ tuổi nào thì nên tầm soát đột quỵ?" của khán giả Thái Trân, PGS.TS.BS Nguyễn Văn Liệu cho biết thêm, bất kỳ ai trong độ tuổi nào cũng cần tầm soát đột quỵ, đặc biệt là ở những người có yếu tố nguy cơ như mắc bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì, mỡ máu cao, dị dạng, phình mạch máu não, người hay hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia... Người trên 55 tuổi có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn bình thường. Tuy vậy, theo nghiên cứu vào năm 2021, tỷ lệ đột quỵ ở người từ 18 - 55 tuổi chiếm khoảng 10 - 15%. Đột quỵ thậm chí có thể xảy ra ở trẻ nhỏ từ 6 - 8 tuổi.
Khán giả Tuấn Huỳnh gửi về câu hỏi: "Người đã từng bị đột quỵ có cần tầm soát không? Các loại thuốc được quảng cáo phòng ngừa đột quỵ liệu có hiệu quả?", TS.BS Minh Đức giải đáp, người bệnh từng bị đột quỵ càng phải chủ động theo dõi, tầm soát, ngăn ngừa nguy cơ đột quỵ tái phát. Thông qua thể bệnh hay nguyên nhân gây đột quỵ từng bị, bác sĩ có thể định hướng cho người bệnh cách tầm soát, chữa trị dự phòng hợp lý.
Để phòng ngừa đột quỵ một cách tối ưu thì phải giải quyết tốt tất cả những yếu tố nguy cơ, tác nhân có thể gây bệnh. Không có loại thuốc nào có thể ngừa được mọi yếu tố này. Người bệnh cần đến bệnh viện tầm soát, qua đó bác sĩ có thể xác định yếu tố nguy cơ ở từng cá nhân và đề ra phương án dự phòng hữu hiệu.
Với thắc mắc: "Dấu hiệu nhận biết sớm đột quỵ là gì?", PGS.TS.BS Nguyễn Văn Liệu cho biết, cơn đột quỵ có thể gây ra các biểu hiện như bất ngờ bị méo miệng sang một bên, cánh tay hay nửa người yếu liệt, nói ngập ngừng, thậm chí không nói được, đau đầu, mờ mắt... Lúc này, người bệnh phải được đưa đến cơ sở y tế thăm khám, cấp cứu ngay. Mỗi người nên chủ động đi tầm soát đột quỵ từ sớm nếu thấy bản thân thường bị đau đầu, mắt không nhìn rõ, mất thăng bằng...
Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh, y lệnh khẩn "Code stroke" sẽ được kích hoạt khi có người bệnh cấp cứu đột quỵ. Các liên chuyên khoa cấp cứu, chẩn đoán hình ảnh, thần kinh... sẽ nhanh chóng kết nối, mở lối đi riêng. Người bệnh sẽ được bác sĩ kiểm tra, đánh giá dưới sự hỗ trợ của các máy móc di động và chụp CT/MRI theo luồng ưu tiên. Bác sĩ sẽ đọc kết quả hiện trên màn hình, hội chẩn, can thiệp khẩn cấp bằng thuốc tiêu sợi huyết ngay tại phòng chụp.
"Tiêu chuẩn kim cương" trong cấp cứu đột quỵ cấp từ lúc người bệnh nhập viện đến khi được can thiệp bằng thuốc tiêu sợi huyết (gọi là cửa sổ cửa kim) của Tổ chức WSO Angels Awards (Mỹ) là dưới 45 phút. Với quy trình "Code stroke", Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh can thiệp thành công nhiều ca đột quỵ chỉ trong 30 phút, thậm chí 20 phút. Tùy từng trường hợp, người bệnh cũng có thể được cấp cứu đột quỵ bằng kỹ thuật hiện đại như can thiệp nội mạch lấy cục máu đông hoặc bít tắc mạch máu đang bị vỡ với máy DSA, phẫu thuật não lấy máu tụ bằng robot mổ não hiện đại bậc nhất Modus V Synaptive...
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!