Hà Giang là tỉnh có 7 huyện biên giới chính vì thế việc đưa thông tin chính thống từ Trung ương về tới địa phương, đặc biệt là đối với người dân, đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới có ý nghĩa hết sức quan trọng. Với gia đình chị Giàng Thị Chấu, các thông tin này có thể nghe ngay khi làm việc nhà.
"Ngày trước phát thanh không có tiếng dân tộc mình, nhiều người không hiểu được. Giờ phát thanh có tiếng H'Mông rồi, bố mẹ mình cũng nắm được các tin tức thời sự và chính sách của nhà nước", chị Giàng Thị Chấu, xã Tả Ván, huyện Quản Bạ, Hà Giang cho biết.
Truyền thanh bằng tiếng địa phương với hệ thống Internet là giải pháp mới mẻ được đánh giá là hiệu quả. Đường truyền sử dụng qua Internet, qua cáp quang, qua sim 3G, 4G, các loa đều được quản lý trên một hệ thống đồng bộ, liên thông, phân quyền quản lý theo từng cấp. Cán bộ văn hóa thông tin có thể chủ động biên tập, viết bài, đăng tài trên hệ thống loa truyền thanh, kiểm soát khung giờ phát và vận hành rất đơn giản trên máy tính.
Ông Đỗ Thái Hòa, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hà Giang cho biết: "Trước đây, Hà Giang áp dụng các hệ thống truyền thanh cũ nhưng từ khi chuyển sang hệ thống thông minh, hiệu quả đạt được rất rõ ràng. Chúng tôi cũng đề xuất để áp dụng trong xây dựng công trình nông thôn mới. Thay vì trước kia truyền thanh lấy nguồn từ Trung ương, của tỉnh với một khoảng cách nhất định thì nay, kỹ thuật viên có thể lựa chọn nội dung khác nhau cho cùng một khung chương trình phát cùng một giờ ở những điểm khác nhau sao cho phù hợp với từng thôn, xã''.
Tại một buổi tập huấn về áp dụng công nghệ thông tin tại xã vùng cao Tả Ván, Quản Bạ, cán bộ tỉnh về từng thôn bản để hướng dẫn công nghệ mới. Chính vì vậy, việc ứng dụng chuyển đổi số trong giảm nghèo về thông tin đã có những đột phá, tạo chuyển biến lớn không chỉ trong các cơ quan, đơn vị mà còn nâng cao giá trị đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!