Không phân loại rác sinh hoạt bị phạt lên đến 1 triệu đồng
Đây là một trong những nội dung hoàn toàn mới được ghi nhận tại Nghị định số 45/2022/NĐ-CP, áp dụng từ ngày 25/8/2022. Cụ thể, khoản 1 Điều 26 Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định:
Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định. Như vậy, nếu không phân loại chất thải rắn trong sinh hoạt, cá nhân, hộ gia đình có thể bị phạt từ 500.000 - 1 triệu đồng.
Phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn sẽ góp phần bảo vệ môi trường (Ảnh: Hà Nội mới)
Ngoài ra, Nghị định 45 cũng bổ sung thêm rất nhiều hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường sẽ bị phạt trong thời gian sắp tới như:
- Hành vi đốt ngoài trời phụ phẩm từ cây trồng cạnh khu vực dân cư, sân bay, các tuyến giao thông chính bị phạt từ 2,5 - 3 triệu đồng (theo khoản 1 Điều 40 Nghị định 45/2022/NĐ-CP).
- Hành vi thải chất gây mùi khó chịu, hôi thối vào môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải dưới 1,1 lần trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm hành chính nhiều lần bị phạt từ 1 - 3 triệu đồng (điểm b khoản 1 Điều 20 Nghị định 45/2022/NĐ-CP).
- Hành vi rò rỉ, thải hóa chất độc vào môi trường đất, nước trái quy định về bảo vệ môi trường bị phạt từ 40 - 50 triệu đồng (theo khoản 1 Điều 24 Nghị định 45/2022/NĐ-CP)…
Bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đối với một số công chức, viên chức
Tháng 8/2022 còn đánh dấu thời điểm chính thức hiệu lực của rất nhiều Thông tư mới, điều chỉnh về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của một số công chức, viên chức. Cụ thể, những công chức, viên chức được bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ gồm:
Viên chức chuyên ngành thư viện; Viên chức chuyên ngành công nghệ thông tin, an toàn thông tin; Viên chức âm thanh viên, phát thanh viên, kỹ thuật dựng phim, quay phim thuộc chuyên ngành Thông tin và Truyền thông; Viên chức chuyên ngành văn hóa cơ sở.
Thay vì phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, các Thông tư mới chỉ yêu cầu những đối tượng công chức, viên chức nêu trên cần có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản, sử dụng được ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số theo yêu cầu của vị trí việc làm.
Hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo xây nhà
Đây là nội dung tại Thông tư số 01/2022/TT-BXD hướng dẫn thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, có hiệu lực từ ngày 15/8/2022.
Đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo sau đây được hỗ trợ xây nhà mới 40 triệu đồng/hộ; sửa chữa nhà 20 triệu đồng/hộ:
Hộ nghèo, hộ cận nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025) trong danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo do UBND cấp xã quản lý, đang cư trú trên địa bàn huyện nghèo và là hộ độc lập có thời gian tách hộ đến khi Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 có hiệu lực thi hành tối thiểu 3 năm.
Đối tượng thụ hưởng hỗ trợ nhà ở không bao gồm các hộ đã được hỗ trợ nhà ở thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và các chương trình, đề án, chính sách khác.
Rút một phần tiền tiết kiệm gửi trước hạn vẫn được hưởng lãi cao
Có hiệu lực từ ngày 1/8/2022, Thông tư 04/2022/TT-NHNN đã điều chỉnh nhiều quy định liên quan đến việc áp dụng lãi suất rút trước hạn tiền gửi tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài so với trước đây nhằm đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền.
Theo đó, Thông tư mới đã làm rõ khái niệm rút trước hạn tiền gửi là trường hợp khách hàng rút một phần hoặc toàn bộ tiền gửi trước ngày đến hạn, ngày chi trả hoặc ngày thanh toán của khoản tiền gửi.
Nếu rút tiền gửi trước hạn, khách hàng sẽ nhận được mức lãi suất như sau:
Rút trước hạn toàn bộ tiền gửi: Áp dụng lãi suất tối đa bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của tổ chức tín dụng theo đối tượng khách hàng và theo loại đồng tiền đã gửi.
Rút trước hạn một phần tiền gửi: Phần tiền gửi rút trước hạn: Áp dụng mức lãi suất tối đa bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của tổ chức tín dụng theo đối tượng khách hàng và theo loại đồng tiền đã gửi.
Phần tiền gửi còn lại: Áp dụng mức lãi suất đang áp dụng đối với khoản tiền gửi mà khách hàng rút trước hạn một phần.
Như vậy, nếu khách hàng rút trước hạn một phần tiền gửi có kỳ hạn thì chỉ phần rút trước hạn này chịu lãi suất không kỳ hạn thấp nhất, còn phần tiền gửi còn lại vẫn được ngân hàng giữ nguyên mức lãi suất đang áp dụng.
Trong khi đó, theo quy định hiện hành, khách hàng không được rút một phần tiền gửi mà phải rút toàn bộ sổ tiết kiệm. Một khi đã rút toàn bộ tiền gửi thì khách hàng sẽ chỉ được thanh toán mức lãi suất tối đa bằng mức lãi suất không kỳ hạn thấp nhất tại ngân hàng đó. Có thể thấy, so với quy định cũ, cách tính lãi khi rút một phần tiền gửi trước hạn đã giúp người gửi tiết kiệm đỡ thiệt hơn rất nhiều.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!