Vì sao càng ngày vùng cao như Đà Lạt lại càng dễ ngập úng?
2 người thiệt mạng, 2 người bị thương. 3 ngôi nhà cao tầng bị hư hỏng nặng. Đây là hậu quả của vụ sạt lở nghiêm trọng nhất trong những ngày gần đây ở thành phố Đà Lạt, một thành phố trên cao nguyên vốn được coi là đẹp nhất Việt Nam. Một đoạn bờ ta luy dài khoảng 20m ở con hẻm đường Hoàng Hoa Thám đã sạt trượt xuống độ sâu khoảng 30m. Đến hôm nay những nỗ lực khắc phục hậu quả vụ sạt lở đang được tiếp tục triển khai.
Đất đá vẫn còn ngổn ngang trong nhà người dân Đà Lạt
Gia đình ông Đào Viết Hùng (Phường 3, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) đã huy động đến 4 xe múc để vận chuyển đất đá ra khỏi nhà. Công việc này được ông tiến hành gần 2 ngày rồi, nhưng mọi thứ vẫn còn ngổn ngang.
Đêm 29/6 vừa qua, lúc gia đình ông cùng những người thân, hơn 10 người đang chuẩn bị ăn cơm tối thì nghe một tiếng nổ lớn, sau đó bùn đất tràn vào nhà...
Mưa lớn đã làm cho nhiều tuyến đường ở TP Đà Lạt ngập sâu và sạt lở nghiêm trọng. Trong ngày hôm nay, nhiều địa phương ở thành phố Đà Lạt đã triển khai lực lượng để khắc phục, gia cố các điểm sạt lở. Nhiều cây thông xiêu vẹo, có nguy cơ gãy đổ cũng được cưa hạ để đảm bảo an toàn.
Nhiều cây thông xiêu vẹo, có nguy cơ gãy đổ tại nhiều tuyến đường ở TP Đà Lạt
Mùa mưa lũ ở tỉnh Lâm Đồng chỉ mới bắt đầu nhưng đã gây ra hậu quả rất nặng nề. Nhiều bờ kè, dưới chân nhà cao tầng đã úng nước có nguy cơ bị sạt trượt tiếp. Do vậy, người dân ở những vùng xung yếu, cần phải chủ động di dời để đảm bảo an toàn.
Mưa lớn gây ngập lụt, sạt lở đó là điều khó tránh khỏi. Nhưng mưa gây ngập úng ở Đà Lạt, rồi ở vùng cao như TP Hà Giang, Sa Pa (Lào Cai), thậm chí là nhiều nơi ở thành phố biển đảo Phú Quốc (Kiên Giang) cũng bị ngập sau mưa lớn. Vì sao, càng ngày Đà Lạt lại càng dễ ngập úng?
Có hai lý giải được nhiều chuyên gia nhắc đến. Một là hệ số thấm nước ở nội ô đã giảm trầm trọng do bê tông hóa đô thị cũng như mật độ nhà kính, nhà màng để canh tác nông nghiệp ngày càng nhiều lên. Và nguyên nhân thứ hai là những đường thoát nước tự nhiên - chính là những con suối trong lòng phố đã bị biến dạng, còn hệ thống cống thoát nước chưa được đầu tư xây dựng tương ứng với sự gia tăng dân số và nhà cửa ở thành phố cao nguyên này.
Những năm qua, nhiều con suối ở Đà Lạt bị lấn chiếm bởi các công trình xây dựng
Trên địa bàn thành phố Đà Lạt có trên 20 dòng suối có chiều dài hơn 4 km, toàn bộ đều là suối đầu nguồn thuộc lưu vực sông Đồng Nai.
Những con suối trong lòng Đà Lạt là đường thoát nước tự nhiên cho phố núi. Vậy mà rất nhiều con suối, rất nhiều đoạn suối, hiện tại đã thu hẹp đến mức, nhìn vào ai cũng hiểu vì sao, nước lại thoát rất chậm.
Vì sao suối bị biến dạng? Không khó để trả lời khi những năm qua, nhiều con suối ở Đà Lạt bị lấn chiếm bởi các công trình xây dựng. Bên cạnh đó, hầu như con suối nào cũng hứng chịu lượng lớn rác thải nông nghiệp lẫn rác thải sinh hoạt. Cộng thêm cỏ mọc lâu này không được phát quang nên dễ làm nghẽn dòng suối.
Các chuyên gia cho rằng, phải có cách ứng xử đúng mực đối với những con suối ở Đà Lạt, bằng mọi giá phải trả lại sự trong lành, thông thoáng. Bởi với Đà Lạt, không gian sống phải hòa hợp với thiên nhiên mà thiên nhiên ở đây, cùng với rừng chính là những con suối.
Phát triển đô thị bền vững trên thế giới
Quy hoạch đô thị bền vững đang trở thành xu hướng của nhiều quốc gia trên thế giới nhằm tạo ra đô thị đáng sống, ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo đó, các quốc gia này làm tốt công tác quản lý, đảm bảo an toàn với không gian sống vẫn có thể lồng ghép hài hòa giữa cũ và mới theo hướng tích cực trong phát triển đô thị.
Singapore liên tục được các chuyên gia hàng đầu thế giới xếp hạng là đô thị đáng sống, phát triển bền vững và sống tốt trên toàn cầu. Thành công đó là nhờ quy hoạch đô thị sáng tạo, thiết kế thông minh và phát triển bền vững.
Một góc của Singapore. Ảnh: Reuters
Quy hoạch tổng thể Singapore có phân ra từng khu nhà cao tầng (trên 10 tầng), cao trung bình (3 - 10 tầng) và thấp tầng (1 - 2 tầng) và có tính đến bảo tồn kiến trúc cổ cũng như bản sắc văn hóa của 4 tộc người (bản địa, người Hoa, Malaysia và Ấn Độ).
Bên cạnh đó, với mục tiêu quy hoạch "xanh sạch đẹp ở bất kỳ nơi đâu", diện tích cây xanh đã chiếm 50% diện tích toàn Singapore - điều mà chưa một quốc gia nào đạt được.
Hệ thống giao thông đại chúng tốc độ cao (MRT) có 134 ga với chiều dài 231 km là hệ thống giao thông trọng yếu của Singapore, phục vụ 2 triệu lượt khách/ngày.
Phương tiện giao thông công cộng thuận tiện giúp người dân giảm bớt sự phụ thuộc vào phương tiện di chuyển cá nhân. Nhờ đó áp lực hạ tầng giao thông sẽ giảm bớt, đồng thời chất lượng môi trường cũng sẽ được cải thiện.
Stockholm là trung tâm văn hóa, truyền thông, chính trị và kinh tế của Thụy Điển. Đã từ lâu, đây được coi là thành phố sinh thái bền vững ở châu Âu.
Stockholm phát triển đô thị bền vững xuất phát từ việc phát triển quận sinh thái. Các quận này được coi như một tế bào để hình thành một đô thị bền vững.
Stockholm được coi là thành phố sinh thái bền vững ở châu Âu
Bằng cách mua lại đất để phát triển đô thị trong tương lai từ những năm 1904, kết quả là khoảng 70% tổng diện tích đất đô thị đã thuộc sở hữu của thành phố.
Nhờ đó, thành phố đã ngăn chặn được tình trạng đầu cơ đất đai của các nhà đầu tư và tạo cho thành phố một thế mạnh trong quy hoạch và thực hiện phát triển. Ngoài ra, công viên và diện tích cây xanh, hệ sinh thái tự nhiên chiếm tới 40% diện tích đất của Stockholm.
Sau vụ sạt lở vừa rồi, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu toàn bộ công trình tại khu vực sạt lở, có độ dốc lớn... dừng thi công để rà soát, đánh giá, quan trắc độ an toàn. Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng được giao kiểm tra, đánh giá cấp phép, hồ sơ thiết kế, kết cấu công trình ở khu vực xảy ra sạt lở, giám sát thi công. Những hành động này của UBND tỉnh Lâm Đồng khá nhanh ngay sau tai nạn và để khắc phục tai nạn.
Hy vọng đây sẽ là lời cảnh báo để có thể tránh những vụ việc đáng tiếc. Nếu không, cứ mỗi khi mưa, cảnh tượng nơm nớp lo sợ sạt lở lại cứ tiếp diễn ngay ở địa điểm du lịch, thành phố trên cao nguyên từng nổi tiếng của cả nước.
Cùng trao đổi về chủ đề này trong chương trình Vấn đề hôm nay là TS. Đinh Quốc Dân, Phó Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ xây dựng, Bộ Xây dựng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!