11h và 16h là thời điểm nổ mìn, bụi từ trong núi bay ra bủa vây xóm làng, bao trùm những ngôi nhà của các hộ dân. Nằm ngay dưới chân núi, trần bếp, tường tầng hai trong căn nhà của ông Nguyễn Quang Thùy (xã An Sơn, huyện Thủy Nguyên) xuất hiện những vết nứt. Lo sợ không đảm bảo an toàn, ông Thùy và gia đình phải dọn khỏi đây.
"Ở đây vào chỗ khai thác không đến 100m. Mỗi lần nổ mìn, bụi đá trùm vào nhà. Nước không dám nấu ăn. Đóng cửa nhưng bụi vẫn vào rất nhiều. Đá đất bay nhiều" - ông Thùy cho hay.
Con đường gần nơi nổ mìn mới xuất hiện hiện tượng sụt hố lớn, chính quyền địa phương cho biết chưa rõ nguyên nhân. Nhiều diện tích nông nghiệp của người dân gần đó giờ không thể canh tác.
Chùa Kim Liên nằm trong cụm di tích Trại Sơn cũng chung tình cảnh. Những viên gạch từ trên mái ngói chùa rơi xuống và sau mỗi đợt nổ mìn lại xuất hiện những vết nứt mới. Trên dãy núi Trại Sơn còn cụm di tích lịch sử: hang Huyện ủy, hang Đốc Tít, hang Công an..., người dân lo sợ cũng bị ảnh hưởng. Đã có nhiều lá đơn của người dân được gửi đi.
Sau mỗi đợt nổ mìn lại xuất hiện những vết nứt mới trong cụm di tích Trại Sơn.
Ông Vũ Văn Triển, Trưởng 3 thôn, xã An Sơn cho biết: "Khối lượng mìn bắn trong một lần quá lớn, rung mới càng nứt to. Tôi đại diện cho dân làng đề nghị cơ quan chức năng giúp cho dân chúng tôi kiểm tra thủ tục khai thác và làm gì thì làm cũng phải tính đến yếu tố tâm linh".
"Cán bộ địa chính chỉ có một, công việc của địa phương rất nhiều, lực lượng mỏng nên không theo sát được hoạt động của công ty. Khi khai thác khoáng sản, khói bụi sẽ làm ảnh hưởng đến người dân, khuếch tán lan tỏa" - ông Cao Văn Chí, Chủ tịch UBND xã An Sơn nói.
Có nhiều căn phòng, gian bếp ở địa phương đã không còn được sử dụng. Khi những vết nứt trên tường càng lớn, sự bất an của người dân cũng càng lớn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!