Ngày 4/11, Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổ chức Hội thảo quốc tế "An toàn giao thông xe máy: Những thách thức và bài học kinh nghiệm". Hội thảo nhằm mang đến những giải pháp tổng thể cho an toàn giao thông xe máy ở Việt Nam và góp phần chia sẻ với các quốc gia khác trên thế giới.
Tại Việt Nam, xe máy chiếm 93% tổng số phương tiện giao thông đường bộ, mỗi năm tăng thêm trung bình từ 10 đến 15%, là một trong những quốc gia sử dụng xe máy nhiều nhất trên thế giới. Tỷ lệ tai nạn giao thông liên quan đến xe máy chiếm khoảng 60% tổng số vụ tai nạn giao thông đường bộ. Điều này đòi hỏi chúng ta phải có những giải pháp quyết liệt và toàn diện hơn để bảo vệ người đi xe máy, giảm thiểu thương vong và hậu quả từ các vụ tai nạn.
“Dự báo xe máy tiếp tục gia tăng, nhiều gia đình có ô tô vẫn giữ xe máy” là nhận định của ông Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia.
Theo bà Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam (WHO) tại Việt Nam, xe máy có vai trò quan trọng trong di chuyển của người dân tại Việt Nam, đây là phương tiện phổ biến, tiện lợi, ít chi phí, dễ dàng di chuyển đến mọi nơi trong khu vực, có thể sử dụng để đi học, đi làm, di chuyển trong thành phố.
Việt Nam cũng đã có nhiều cải thiện thay đổi chính sách nâng cao nhận thức, cải thiện hạ tầng, làm giảm thương tật và tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông giảm hơn 40% trong giai đoạn từ năm 2010 – 2021. Tuy nhiên, Việt Nam và các nước trên thế giới vẫn cần thêm nhiều nỗ lực để tăng cường ATGT dành cho xe máy, qua đó giúp giảm tỷ lệ tử vong liên quan đến phương tiện này.
Chính sách bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi lái xe máy được triển khai trong những năm qua đã giúp giảm đáng kể thiệt hại của các vụ tai nạn do xe máy gây ra.
Ông Greig Craft, Chủ tịch Quỹ phòng chống thương vong Châu Á tại Việt Nam cho rằng: ''Việc sử dụng mũ bảo hiểm kém chất lượng, mũ giả thì hãy xem nó như việc chúng ta có chấp nhận sử dụng sữa giả, hay là thuốc giả để chữa bệnh cho con em của chúng ta hay không? Nếu chúng ta không chấp nhận sữa giả hay thuốc giả thì chúng ta cũng phải đặt vấn đề là không sử dụng mũ bảo hiểm giả, khi chúng ta tiếp cận việc sử dụng mũ bảo hiểm kém chất lượng bằng cách so sánh như vậy thì tôi cho rằng tình hình sẽ được cải thiện''.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, để phòng ngừa xe máy gây tai nạn giao thông, lực lượng cảnh sát giao thông đã mở nhiều đợt cao điểm xử lý vi phạm quy định an toàn. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là cải thiện ý thức của người điều khiển xe máy.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!