Ứng xử hậu ly hôn, đừng để con cái gánh hậu quả

Hoài Thương, Dương Dũng, Đức Tiến-Chủ nhật, ngày 23/01/2022 20:49 GMT+7

VTV.vn - Cha mẹ cần ứng xử ra sao sau ly hôn, khi gia đình ly tán là nguyên nhân chung của một số vụ bạo hành trẻ em gần đây.

Thời gian qua, lý do dẫn tới những vụ việc bạo hành trẻ em đau lòng đều có một mẫu số chung là gia đình ly tán, bố hoặc mẹ cấm cản việc cùng chăm sóc con cái, để mẹ kế, cha dượng đánh đập đứa trẻ, dẫn đến hậu quả vô cùng nghiêm trọng.

Bước vào hôn nhân, cặp đôi nào cũng đều mong muốn đi cùng nhau đến hết cuộc đời. Nhưng nếu không may phải chia tay, chúng ta sẽ chọn cách ứng xử thế nào sau ly hôn?

Ứng xử hậu ly hôn, đừng để con cái gánh hậu quả - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Shutterstock

Chị Hải Bình rất quan tâm các thông tin liên quan đến bạo hành trẻ em. Bởi gia đình chị cũng trong cảnh vợ chồng phải ly hôn. Hiện hai cô con gái lớn ở với mẹ, con trai út ở với bố.

Con sống thế nào khi làm quen với mái ấm mới, là điều mà không phải bậc cha mẹ nào cũng quan tâm sau đỗ vỡ. Nguồn cơn của các vụ bạo hành trẻ em gần đây là do bố hoặc mẹ ứng xử kém văn minh sau khi đường ai nấy đi.

Nhà báo Hoàng Anh Tú cho rằng sau khi li dị, dường như những đứa con mất luôn cha hoặc mẹ, chứ không còn là nguyên tắc trong li dị là cho dù bố mẹ li dị thì con cái vẫn là con chung.

Ứng xử hậu ly hôn, đừng để con cái gánh hậu quả - Ảnh 2.

Ths. Lã Linh Nga, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học tâm lý giáo dục lý giải: "Đứa trẻ được coi như công cụ, phương tiện để trả đũa lại cho những thù hận bất cứ khó chịu nào khác nữa, bởi vì đứa trẻ là yếu thế nhất. Đấy cũng là lý do dẫn đến tâm lý muốn loại bỏ".

Theo quy định của pháp luật, sau ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền được cùng chăm sóc và giáo dục đứa trẻ. Hành vi ngăn cản việc thăm nom sẽ bị phạt hành chính từ 5-10 triệu đồng.

Theo Luật sư Đỗ Thị Ánh Tuyết, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, khi có hành vi ngăn cản việc thăm nom con sau ly hôn thì người không được trực tiếp nuôi con gửi đơn lên tòa án. Hành vi cấm cản đó là căn cứ để xem xét việc thay đổi việc trực tiếp nuôi con.

Để có được tiếng nói chung giữa hai người, chị Hải Bình đã phải mất vài năm đấu tranh như thế. Và giờ, cuối tuần, chị có thể đón con trai út về chơi cùng hai chị lớn.

Những đứa trẻ thật mong manh và chịu tổn thương khi bố mẹ chia tay. Đừng để các em phải gánh hậu quả vì sai lầm của người lớn, bởi đến khi xảy ra vụ việc đau lòng, cha mẹ có hối hận thì cũng đã muộn màng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước