Về quê ăn Tết: Người dân lo khó!

Báo chí toàn cảnh-Chủ nhật, ngày 07/02/2021 13:30 GMT+7

VTV.vn - Về quê ăn Tết, ai phải cách ly? Mối quan tâm chung của nhiều người đang có nhu cầu về quê ăn Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Nếu so sánh với những ngày đầu tuần qua, tính đến thời điểm này, mọi thứ đang tốt dần lên khi dịch bệnh cơ bản đã được khống chế. Ổ dịch ở Vân Đồn coi như đã dập xong. Ổ dịch ở Chí Linh, Hải Dương cơ bản được kiểm soát rất tốt. Thành phố Đông Triều, Quảng Ninh, tiếp giáp với thành phố Chí Linh đã xin chủ trương xét nghiệm diện rộng các đối tượng nguy cơ thì sẽ kiểm soát được. Gia Lai cơ bản đã khống chế được ổ dịch. Hà Nội đến giờ phút này cũng kiểm soát tốt.

Trong lúc Tết đến đang được đếm ngược từng ngày, Đại hội Đảng XIII đang diễn ra, một điều không ai mong muốn đã ập đến: COVID-19 xuất hiện trong cộng đồng. Suốt cả tuần ngày, tin tức về dịch bệnh tiếp tục nằm trong nhóm các vấn đề được người dân quan tâm nhất.

Về quê ăn Tết có phải cách ly?

Dịch bùng phát đúng thời khắc khó khăn và nguy hiểm nhất từ trước tới nay. Chưa bao giờ trong một ngày Việt Nam phát hiện số lượng ca dương tính nhiều như thế (83 ca). Khác với các đợt dịch trước, chúng ta đang cùng lúc phải đối diện với hàng loạt thử thách như chủng virus biến thể mới, tốc độ lây lan nhanh.

Nhưng theo quan sát của tờ Thanh niên, cuộc chạy đua khoanh vùng, truy vết, xét nghiệm, cách ly với một tinh thần "thần tốc chống dịch" của cả hệ thống chính trị, căng thẳng tính đến thời điểm này phần nào đã nhẹ bớt đi một chút.

Về quê ăn Tết: Người dân lo khó! - Ảnh 1.

Mọi thứ đang được kiểm soát tốt! Nhưng có một vấn đề là, hàng chục tỉnh, thành phố đã có quyết định kiểm soát người về từ vùng dịch COVID-19 với nhiều quy định "khá nghiêm ngặt". Nhiều tờ báo đồng loạt thông tin về việc các địa phương lại đưa ra những quy định khác nhau đối với những người đi từ nơi khác đến.

Chẳng hạn như Bắc Giang quy định cách ly 14 ngày đối với người dân đến từ Hải Dương và Quảng Ninh. Hải Phòng yêu cầu những người về từ vùng phụ cận phải cách ly tại nhà. Thành phố Buôn Ma Thuột, Đăk Lắk có văn bản yêu cầu các trường hợp về từ Hải Dương, Gia Lai, Bình Dương, Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hòa Bình, Bắc Giang, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng buộc phải cách ly tại nhà 21 ngày. Văn bản này sau đó được thu hồi theo phản ánh của tờ Người lao động.

Về quê ăn Tết: Người dân lo khó! - Ảnh 2.

Còn tại Hà Nội, theo phản ánh của tờ Tiền phong, hiện chưa có chuyện cấm, quan trọng là người dân đi như thế nào và thấy có cần thiết phải đi hay không. Chủ trương của thành phố về phong tỏa, cách ly các địa điểm có ca bệnh là "làm càng nhỏ càng tốt". Chủ tịch thành phố Chu Ngọc Anh yêu cầu hạn chế di chuyển, nhất là trong dịp Tết, yêu cầu thực hiện các biện pháp phòng chống dịch trong vận chuyển hành khách công cộng, trong đó yêu cầu lập danh sách hành khách đối với hoạt động vận chuyển hành khách liên tỉnh.

Về quê ăn Tết, ai phải cách ly? Câu hỏi trên Thanh niên xuất phát từ mối quan tâm chung của tất cả những ai đang có nhu cầu về quê ăn Tết.

Trong bối cảnh người dân bước vào đợt cao điểm đi lại dịp Tết Tân Sửu 2021 nên mỗi địa phương đều chủ động đưa ra những phương án kiểm soát, ứng phó nguy cơ lây nhiễm cộng đồng. Có địa phương quy định "siết hơn, chặt hơn" các địa phương khác khiến người dân sinh sống, làm việc ở các địa phương không có dịch bị ảnh hưởng và thêm phần lo lắng.

Quyết liệt hơn, thông báo của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên- Huế ghi rõ "sẽ cách ly tập trung 21 ngày và lấy mẫu xét nghiệp PCR đối với tất cả các công dân về từ Quảng Ninh, Hải Dương, các quận, huyện thuộc Hà Nội đã được công bố có dịch.

Nhiều tờ báo, trong đó có tờ Nông thôn ngày nay dẫn lời Phó Giáo sư, tiến sĩ Trần Đắc Phu, cố vấn cấp cao trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế) khẳng định: Các vùng cấm đi lại là các ổ dịch, vùng dịch có quyết định phong tỏa hoặc cách ly y tế, có các chốt chặt, rào chắn ngăn người qua lại.

Về quê ăn Tết: Người dân lo khó! - Ảnh 3.

Theo công bố của Bộ Y tế tính đến cuối tuần này, cả nước có 53 điểm được coi là vùng dịch. Danh sách này có thể thay đổi theo sự biến động của dịch. Các điểm được coi là vùng dịch đa số thuộc Hải Dương và Quảng Ninh. Như vậy, không phải cứ người Hà Nội đi về các địa phương là phải thực hiện cách ly y tế 21 ngày.

Trước việc còn nhiều cách hiểu chưa nhất quán về việc thế nào là người đi từ vùng dịch, hoặc đi qua vùng dịch hoặc những địa phương có ổ dịch, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, sẽ sớm có văn bản hướng dẫn và sẽ ban hành trong thời gian sớm nhất. Đặc biệt, ông Đỗ Xuân Tuyên lưu ý, không phải là người dân nào tại hơn 10 tỉnh thành có dịch COVID-19 cũng thuộc diện phải cách ly, không được phép di chuyển.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có ý kiến chỉ đạo các địa phương áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với mức nguy cơ của từng địa bàn, hạn chế tối đa các tác động bất lợi đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân và sản xuất kinh doanh. Thủ tướng yêu cầu các địa phương có biện pháp cụ thể tạo thuận lợi cho nhân dân tiêu thụ hàng hóa, nông sản, nhất là tại vùng có dịch, vùng bị phong tỏa.

Khai báo gian dối, bịa đặt thông tin - lối hành xử vô trách nhiệm

Dịch có thể vẫn còn kéo dài, khó nói trước được điều gì. Nhưng không thể "ngăn sông cấm chợ". Nhưng để chống dịch thành công thì ý thức người dân đóng vai trò quan trọng. Nội dung này không mới, nhưng nhắc lại vẫn không thừa bởi mới đây thôi, một trường hợp F1 khi đến bệnh viện tại Thành phố Hồ Chí Minh đã khai báo y tế gian dối, khiến cho 20 nhân viên y tế tại đây đã phải đi cách ly. Điều nguy hiểm là tình trạng trên hoàn toàn có thể tái diễn ở bất cứ bệnh viện nào, trên bất cứ tỉnh thành phố nào trên toàn quốc.

Về quê ăn Tết: Người dân lo khó! - Ảnh 4.

Nếu không có sự truy vết của địa phương đối tượng F1 này, có lẽ bệnh viện tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng chưa biết để đưa các nhân viên y tế đi cách ly và rất có thể sẽ phải đối mặt với những tình huống xấu hơn.

Hiện nay việc khai báo y tế tại các bệnh viện hoàn toàn phụ thuộc vào sự trung thực của người dân, chưa có bất cứ cơ chế nào để kiểm soát sự trung thực trong lời khai báo của họ. Bệnh viện, chốt chặn cuối cùng để ngăn ngừa đại dịch COVID-19, vậy mà bệnh viện lại trở thành ổ dịch thì rất là nguy - tờ Đại đoàn kết cảnh báo.

Nhiều người có lối suy nghĩ ích kỷ. Họ trốn tránh, không muốn khai báo y tế, hoặc khai báo gian dối vì sợ bị đưa đi cách ly sẽ "mất Tết". Lối hành xử vô trách nhiệm, chỉ nghĩ lợi cho mình này, rất có thể sẽ đẩy nhiều người khác vào kịch bản xấu hơn, nếu dịch bùng phát.

Về quê ăn Tết: Người dân lo khó! - Ảnh 5.

Và nữa, trong thời điểm quan trọng này, người dân cũng phải đối mặt với một nguy cơ khác có thể làm sai lệch hoặc làm thất bại các cố gắng chống dịch - Đó là thông tin sai sự thật, bịa đặt gây hoang mang trong dư luận.

Mới nhất, câu chuyện facebook cá nhân tung tin về bệnh nhân COVID-19 từng đi hát karaoke có tay vịn, hay là lợi dụng dịch bệnh để xuyên tạc đời tư cá nhân của người khác …. đều đã bị xử phạt nghiêm khắc. Nhưng hành động thiếu khôn ngoan vẫn diễn ra với mục đích chính là để cho vui, được người khác chú ý hay muốn được nổi tiếng.

Không về quê ăn Tết - an toàn cho bản thân, trách nhiệm với cộng đồng

Giữa những chuyện chưa vui ấy, không thiếu những câu chuyện đẹp được báo chí phản ánh lan tỏa những năng lực tích cực. Điển hình là câu chuyện hàng chục ngàn công nhân lao động tại thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương... đã quyết định ở lại, ăn Tết xa nhà để hưởng ứng lời kêu gọi của các địa phương và các cấp Công đoàn về việc hạn chế về quê đón Tết Tân Sửu.

Tờ Người lao động bình luận, những người quyết định trả vé tàu, xe, vé máy bay, không về quê nữa đấy chẳng phải là để tiết kiệm mà còn nhằm chung tay phòng ngừa dịch bệnh lây lan. Họ đã chọn một thái độ sống đúng, một lối sống đẹp.

Về quê ăn Tết: Người dân lo khó! - Ảnh 6.

Cùng quan điểm, tờ Lao động bình luận, công nhân tạm thời ăn cái Tết xa nhà để có sự bình yên cho gia đình và sự ổn định cho xã hội. Thử hình dung, nếu dịch bùng phát, công nhân về quê phải chịu giãn cách, hoặc có nhiều người mắc SARS-CoV-2 thì sản xuất sẽ bị đình trị. Thiệt hại cho nền kinh tế không thể lường hết được.

Ít xê dịch trong mùa Tết ảnh hưởng trực tiếp đến một số ngành nghề kinh doanh và dịch vụ. Nhưng phải chấp nhận, lùi một bước để tiến những bước dài hơn trong năm mới sắp đến.

Vì sự an toàn của bản thân, của người thân và của cộng đồng, lựa chọn không về quê ăn Tết là một lựa chọn rất có trách nhiệm trong lúc dịch giã đang diễn biến phức tạp. Người thân ở quê nhà cũng thấu hiểu nỗi lòng những đứa con xe quê. Thà hoãn một Tết còn hơn bị COVID-19 đe dọa hoặc tệ hơn là không bao giờ có Tết.

Về quê ăn Tết: Người dân lo khó! - Ảnh 7.

Tết năm nay, COVID-19 thực sự đã làm mọi thứ chậm lại. Những vườn hoa lay-ơn lớn nhất nước ở Lâm Đồng giá hạ tới tận cùng. Ở những địa phương khác, hoa và cây cảnh, tình hình không sáng sủa hơn là mấy. Người yếu thế đương nhiên chật vật. Từ Trung ương tới các địa phương đang cố gắng hết sức để có một cái Tết an vui. Tuy vậy, cao hơn hết, người dân lúc này cần tuân thủ quy định phòng, chống dịch.

Hãy nghĩ đến những đứa trẻ phải đi cách ly tập trung, đừng ai trốn cách ly và cố về quê đón Tết bằng mọi giá. Suy cho cùng, Tết đến, xuân về chỉ khi mọi người cùng chung âm hưởng nô nức. Nhưng trong diễn biến dịch phức tạp, đồng bào nhiều nơi phải cách ly, cán bộ - chiến sĩ còn trên tuyến đầu, chờ Tết sau hết dịch mới vui trọn vẹn.

Tết Tân Sửu sẽ là một cái Tết lịch sử

Tết Tân Sửu sẽ rất khác so với mọi năm. Câu chuyện chơi Tết vui vẻ đã được xếp xuống hàng thứ yếu nhường chỗ cho cái quan trọng nhất lúc này là sức khỏe và bình an.

Đoàn kết, đồng lòng chống dịch. Ngay cả những đứa trẻ ở bậc mầm non, tiểu học ở Kinh Môn, Hải Dương đã hiểu được trách nhiệm của mình.

Những chiến binh quả cảm trong cuộc chiến chống COVID-19

"Không có cháu nào khóc cả. Rất mong chính quyền thu xếp những điều kiện tốt nhất có thể để người dân và các cháu học sinh trong khu cách ly đón xuân trong ấm áp và bình an" - tường thuật từ trong khu cách ly học sinh tiểu học ở Hải Dương làm tan chảy trái tim người lớn theo dõi vụ việc này. Và đọc những bài viết như thế này khiến tôi thực sự xúc động. Câu chuyện trở thành một biểu trưng giàu ý nghĩa cho tinh thần vì cộng đồng trong thời điểm tình hình lây nhiễm COVID-19 đang cực kỳ phức tạp.

Tết này, nhiều người, trong đó có không ít các cháu học sinh tiểu học, mầm non ở Hải Dương, Hà Nội đã sẵn sàng tinh thần đón Tết trong khu cách ly để giữ bình an cho cộng đồng. Vậy liệu những người bên ngoài có biết tự nhắc mình nghiêm túc thực hành những quy định cần thiết để chung tay đẩy lùi dịch bệnh? Hay là, cứ mượn cớ vui xuân chơi Tết mà bất chấp quy định giãn cách xã hội, tụ tập ăn nhậu, tiệc tùng rồi lớn tiếng mắng người tự giác đi khai báo y tế là dại? Thậm chí nhờn mệnh lệnh giãn cách xã hội, không tuân thủ yêu cầu đóng cửa dịch vụ không cần thiết? … Hàng loạt câu hỏi mà báo Thanh niên đặt ra cũng là cách để mọi người nhắc nhau tuân thủ chỉ dẫn phòng chống dịch để cộng đồng không phải thêm một gánh nặng.

Cả nước đang dồn dập, thần tốc chống dịch với quyết tâm cao nhất. Đà Nẵng tháo dỡ Bệnh viện dã chiến Tiên Sơn chuyển ra chi viện cho Hải Dương. Những bóng áo trắng, áo xanh lại lên đường... Hình ảnh nữ cán bộ y tế ở Hải Dương ngất xỉu vì quá sức khi phải lấy mẫu thần tốc.

Về quê ăn Tết: Người dân lo khó! - Ảnh 9.

Nhiều địa phương chủ động ngừng bắn pháo hoa. Tại Hà Nội, chỉ còn lại 1 địa điểm bắn pháo hoa tầm cao đêm giao thừa để truyền hình trực tiếp phục vụ nhân dân thay vì kế hoạch bắn pháo hoa tại 30 quận huyện, thị xã như dự kiến.

Chỉ cần mỗi người có ý thức tuân thủ đúng theo các hướng dẫn của cơ quan chức năng thì hy vọng sớm thôi, chúng ta sẽ chiến thắng. Mỗi người hãy tìm "vặn nhỏ" những dự định, những mong muốn của mình trong giai đoạn khó khăn này. Mỗi hành động mang thông điệp yêu thương dù là nhỏ thôi nhưng tác động tích cực là rất lớn. Khó khăn rồi sẽ qua đi, đề chào đón bình yên sẽ tới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước