Về Thanh Hà, nhớ một mùa vải sớm…

Nguyễn Quân-Thứ tư, ngày 29/05/2024 06:00 GMT+7

Vải Thanh Hà luôn hấp dẫn bởi vị ngọt đậm sâu

VTV.vn - Vải sớm ở đây là Vải U trứng trắng, loại vải cho thu hoạch sớm nhất vùng đất vải Thanh Hà, cữ giữa tháng 3 cho đến tháng tư (âm lịch).

Cách đây hai năm, năm 2022, anh Trịnh Văn Thiện, lúc đó là Bí thư Huyện ủy Thanh Hà (Thời điểm này anh đang là Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hải Dương) nhắn nhủ tôi: "Về Hải Dương, nhớ ghé Thanh Hà, cảm nhận với đất và người nơi đây một mùa vải sớm".

Rồi việc này, việc khác, tôi lỡ hẹn để được cùng anh đón một mùa vải sớm bởi sau đó, anh Thiện lên tỉnh nhận nhiệm vụ mới ở Hội Nông dân. Nhưng vải sớm Thanh Hà thì không lỡ hẹn. Đầu tháng 5 năm 2024, tôi về Thanh Hà, đúng cữ vải sớm nơi đây vào vụ.

Tại Hải Dương, đất Thanh Hà trồng tới 5 loại vải. Người dân và thương lái vẫn quen gọi phân loại với những cái tên gần gũi như: vải Trứng trắng, vải Trứng gai, vải U hồng, vải Tàu lai, vải Thiều.

Về Thanh Hà, nhớ một mùa vải sớm… - Ảnh 1.

Nhiều năm nay, trồng vải đã trở thành hướng phát triển kinh tế của người dân huyện Thanh Hà

Trong đó, Vải U trứng trắng cho thu hoạch từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4 (âm lịch). Vải U trứng trắng (hay còn gọi tắt là Trứng trắng) là trà vải sớm nhất trong trà vải sớm ở Thanh Hà, chủ yếu được trồng ở một số xã như Thanh Cường, Thanh Bính, Thanh Quang...

Lại nhớ tới lời nguyên Bí thư Huyện ủy Thanh Hà Trịnh Văn Thiện nói với tôi cách đây mấy năm: "Năng suất trà vải U trứng trắng thường kém hơn vải U hồng, U gai và vải thiều nên nông dân trồng không nhiều. Vải U trứng trắng là một loại vải ngon, do thu hoạch sớm nên vải U trứng trắng thường bán được giá nhất. Vải cho thu hoạch trong khoảng thời gian hơn một tuần là hết". Cũng theo lời anh Thiện, vì là loại vải quý nên người dân cũng thường chỉ dành để đãi đằng khách quý. Đó cũng là lí do anh ước hẹn, nhớ về Thanh Hà đón một mùa vải sớm cùng anh là như vậy.

Tôi không đủ sự tinh tế để phân biệt được giữa vải Bắc Giang và vải Thanh Hà (Hải Dương) để biết đâu là loại vải ngon hơn nhưng gốc tích và xuất xứ của hai vùng đất này thì tôi có được biết. Chuyện là trong ghi chép "Nam Phương Thảo Mộc Trạng", năm 111 trước Công nguyên, Hán Vũ Đế (Trung Quốc) đã sai đem 100 cây vải từ Giao Chỉ (miền Bắc nước ta) về trồng. Song không cây nào còn sống sót, từ đó, vua Hán bắt Giao Chỉ hàng năm phải cống nạp vải (quả lệ chi).

Về Thanh Hà, nhớ một mùa vải sớm… - Ảnh 2.

Cây vải Tổ tại huyện Thanh Hà

Sách sử ghi chép lại nhiều nhất về bà Dương Quý Phi bên phương Bắc, thích ăn quả vải của đất Giao Chỉ. Mà bà này thì sống từ đời nhà Đường. Lúc này, vải nước ta đã phải cống nạp cho bên phương Bắc rồi. Vậy nên ít nhất Vải của Việt Nam đã có lịch sử từ những năm Bắc thuộc. Có nghĩa là có lịch sử hơn 1000 năm. Sau này, đến thời vua Mai Hắc Đế, cây vải được trồng tập trung về vùng đất nay là huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Nơi đây đất đai phì nhiêu, được phù sa bồi đắp bởi sông Hồng và sông Thái Bình. Và như vậy Hải Dương là vùng trồng vải tập trung lớn nhất, sớm nhất tại Việt Nam, từ thế kỷ thứ 8.

Năm 1442, cây vải còn gắn liền với án oan Lệ Chi Viên lớn nhất trong lịch sử của công thần lập quốc nhà Lê – quan hành khiển Nguyễn Trãi. Ông bị triều đình quy tội giết vua Lê Thái Tông trong vườn vải, bắt tội đến 3 họ. Đến năm 1464 – triều Lê Thánh Tông, Nguyễn Trãi mới được minh oan.

Đó là quả vải nói chung, còn vải thiều, cũng lại là một câu chuyện khác, cũng chất chứa muôn vàn những trầm tích lắng sâu.

Năm 1870 (theo triều đại phong kiến thì thời này là vua Tự Đức, triều Nguyễn), cụ Hoàng Văn Cơm (tên tự: Phúc Thành), làm phu ở bến cảng Hải Phòng. Bấy giờ cụ thu được hạt vải từ mấy thương nhân nói tiếng Thiều Châu ăn quả và bỏ hạt đi. (Vùng Hồ Nam, Quảng Tây, Quảng Đông nói giọng Thiều). Cụ trồng thành công 3 cây, sau đó nhân giống khắp vùng Thanh Hà thứ vải này. Do sẵn có giống vải bản địa rồi, nên ta đặt giống vải mới này là Vải Thiều (dựa vào kỷ niệm lấy hạt từ người nói giọng Thiều Châu). Đây chính là nguồn gốc tên gọi Vải Thiều.

Từ những ghi chép trên, ta chưa khẳng định được nguồn gốc giống vải thiều. Nhưng chắc chắn khẳng định được Vải Thiều được trồng đầu tiên là tại Thanh Hà – Hải Dương. Đến nay, 3 cây vải cụ Cơm trồng, còn sống 1 cây tại thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà. (Cây vải bước sang tuổi 151). Được tôn vinh là Cây Vải Tổ, đã được nhà nước chứng nhận.

Câu chuyện trên là minh chứng đẹp về một loại sản vật của vùng đất xứ Đông. Thậm chí, trồng vải, giờ đã thành một loại cây chủ lực để phát triển của người dân Thanh Hà.

Về Thanh Hà, nhớ một mùa vải sớm… - Ảnh 3.

Năm nay sản lượng không được như kỳ vọng nhưng vải chín sớm Thanh Hà cũng đã có mặt trên kệ siêu thị tại Australia

Năm nay, nhớ kỷ niệm cũ cùng với một người anh, người bạn, tôi lại về Thanh Hà dẫu chỉ có một mình nhưng vẫn được đón một mùa vải sớm. Vui buồn đan xen trên những khuôn mặt của những người trồng vải Thanh Hà vụ vải năm 2024.

Tôi về Thanh Quang, một xã có diện tích trồng vải vào loại lớn nhất huyện Thanh Hà thì được biết, vì nhiều lí do khách quan, mà chủ yếu bởi yếu tố thời tiết nên sản lượng năm nay chỉ bằng một nửa so với vụ vải sớm năm ngoái.

Nhưng trong buồn cũng có vui. Bà con nhân dân bảo, bởi cũng vì thời tiết ít mưa trong thời gian đậu quả cộng với nắng nóng kéo dài nên vải sớm năm nay ngọt hơn nhiều năm trước. Chính vì vậy mà giá vải được cao hơn mọi năm. Thời gian đầu mới thu hoạch, giá vải lên tới 80 - 90 nghìn đồng/kg.

Mùa vải sớm rồi cũng sẽ sớm qua đi khi người dân đang tất tả cho một mùa vải thiều chính vụ đang sắp đến. Đây mới là "sân chơi chính" của những người nông dân quê vải. Năm nay vải Thanh Hà sản lượng không cao. Nó giống với thực tế "vựa" vải Bắc Giang. Một mùa vải thiều năng suất không đạt được như kỳ vọng nhưng lại nhớ tới lời chị nông dân nói với tôi trên đất Thanh Quang rằng, các hộ dân trong thôn đều thực hiện trồng vải theo tiêu chuẩn VietGAP, những hộ không nằm trong vùng VietGAP theo quy định cũng đã áp dụng các tiêu chuẩn trồng và chăm sóc, phun thuốc theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, chính vì vậy mà vải ngày càng ngon về chất lượng, đẹp về mẫu mã, giá thành cũng cao hơn những năm trước đây. Hơn nữa, đầu ra cũng ngày càng được hoàn thiện khi có sự chung tay rất thiết thực của các cấp chính quyền, từ tìm đầu mối thu mua, xúc tiến thương mại, hỗ trợ áp dụng khoa học kỹ thuật… thì không có lí do gì để không chờ đợi những mùa quả ngọt sẽ đến.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước