Vì sao cần bình đẳng trong phân phối vaccine COVID-19?

Bích Ngọc (Ban Thời sự)-Chủ nhật, ngày 07/03/2021 19:11 GMT+7

VTV.vn - Chiến dịch công bằng vaccine nhằm mục tiêu mở rộng quy mô sản xuất, xóa bỏ chủ nghĩa dân tộc và xóa bỏ tư tưởng tiếp cận vaccine dựa trên thu nhập.

Tiến sĩ Kidong Park - Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho biết: "Vaccine hiệu quả và an toàn là công cụ quan trọng mới trong cuộc chiến chống COVID-19. Tuy nhiên, nó chỉ thực sự hiệu quả khi được phân phối tới tất cả quốc gia và được cung ứng cho nhóm có nguy cơ cao nhất.

Trong bối cảnh nguồn cung vaccine hạn chế hiện nay, chúng ta cần ưu tiên cho nhân viên y tế và lực lượng phòng chống dịch tuyến đầu vì đây là nhóm có nguy cơ mắc cao nhất. Ngoài ra, điều này giúp bảo vệ hệ thống y tế của quốc gia. Đối tượng được ưu tiên thứ 2 là nhóm người có nguy cơ bị bệnh nặng hoặc tử vong vì COVID-19.

Vì sao cần bình đẳng trong phân phối vaccine COVID-19? - Ảnh 1.

Yếu tố quan trọng để thực hiện thành công phân phối vaccine công bằng là gì?

Theo Tiến sĩ Kidong Park, kể từ mũi tiêm vaccine COVID-19 đầu tiên vào đầu tháng 12/2020, hơn 240 triệu liều vaccine đã được phân bổ và quản lý trên hơn 100 quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, WHO lo ngại về việc tiếp cận vaccine không công bằng. Hơn 80% số lượng vaccine đã được dùng chỉ tại 10 quốc gia. Trong khi đó, các chương trình tiêm chủng còn thậm chí chưa bắt đầu ở đa số các nước thu nhập thấp và thu nhập trung bình.

Nguồn cung vaccine hạn chế là nguyên nhân chính. Ngoài ra, chủ nghĩa dân tộc vaccine và tiếp cận vaccine dựa trên thu nhập làm cho tình hình càng xấu đi. Chúng ta phải hành động nhanh chóng kịp thời để đem lại công bằng.

Vì sao cần bình đẳng trong phân phối vaccine COVID-19? - Ảnh 2.

Việt Nam đang nỗ lực để sản xuất vaccine COVID-19.

Chúng ta sẽ làm được nếu tất cả mọi người ủng hộ chiến dịch công bằng vaccine, bao gồm:

- Mở rộng quy mô sản xuất.

- Bác bỏ chủ nghĩa dân tộc.

- Bác bỏ ý tưởng tiếp cận vaccine dựa trên thu nhập mọi lúc mọi nơi.

WHO sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam để việc tiêm vaccine COVID-19 được triển khai hiệu quả

Ở cấp độ toàn cầu, WHO cùng với UNICEF, GAVI và CEPI đã thiết lập COVAX Facility để phân bổ vaccine cho các quốc gia một cách công bằng. Ở cấp quốc gia, WHO đang hợp tác chặt chẽ với Bộ Y tế Việt Nam để xây dựng các đối tượng ưu tiên dựa trên khuyến nghị của WHO. Chúng tôi hoan nghênh nghị quyết về mua và sử dụng vaccine phòng COVID-19 của Chính phủ ngày 26/2 vừa qua.

Vì sao cần bình đẳng trong phân phối vaccine COVID-19? - Ảnh 3.

Lô vaccine COVID-19 đầu tiên của AstraZeneca đã về đến Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Ngoài ra, từ nay cho đến tháng 5/2021, COVAX Facility có thể phân bổ hơn 237 triệu liều đến các quốc gia và đến tháng 5 năm nay, Việt Nam sẽ nhận được khoảng 4,1 triệu liều, đủ để Việt Nam thực hiện tiêm phòng cho nhóm ưu tiên là nhân viên y tế và lực lượng phòng chống dịch tuyến đầu.

Ngày mai (8/3), những liều vaccine COVID-19 đầu tiên sẽ được tiêm cho người dân Việt Nam. Bộ Y tế đã có quyết định về việc phân bổ 117.600 liều vaccine phòng COVID-19 của Astra Zeneca cho các địa phương, cơ sở điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 để tiêm trong tháng 3 và tháng 4.

Các đợt tiêm vaccine phòng COVID-19 tiếp theo sẽ được triển khai theo tiến độ cung ứng vaccine thực tế. Bộ Y tế sẽ có hướng dẫn cụ thể từng đợt.

Chi tiết phân bổ vaccine COVID-19:

Bộ Y tế phân bổ đợt 1 Vaccine AstraZeneca cho 14 địa phương, đơn vị:

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, Hải Dương, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hòa Bình, Hưng Yên, Bắc Giang, Gia Lai, Hà Giang, Bình Dương, Điện Biên, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. Hải Dương là tỉnh được phân bổ nhiều nhất cả nước với 33.000 liều.

Cùng với đó, 21 bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 được cấp vaccine là:

1. Bệnh viện Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương

2. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương cơ sở 2

3. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2

4. Bệnh viện dã chiến 2 Quảng Ninh

5. Bệnh viện dã chiến Gia Lai

6. Bệnh viện dã chiến Củ Chi

7. Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh

8. Bệnh viện Đa khoa Bắc Ninh

9. Bệnh viện Hữu nghị Việt - Tiệp cơ sở 2

10. Trung tâm Y tế thành phố Điện Biên Phủ

11. Bệnh viện Đa khoa khu vực Đồng Tháp Mười

12. Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngự

13. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương

14. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Khánh Hòa

15. Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ninh

16. Bệnh viện Phổi Đà Nẵng

17. Trung tâm Y tế huyện Long Điền (Bà Rịa - Vũng Tàu)

18. Bệnh viện Đa khoa huyện Xín Mần (Hà Giang)

19. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh

20. Trung tâm Y tế thành phố Chí Linh

21. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh Hải Dương


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước