13 tỉnh thành đầu tiên sẽ được nhận bao nhiêu vaccine COVID-19 ở đợt 1?

Tạ Hiển-Chủ nhật, ngày 07/03/2021 06:01 GMT+7

Hình minh họa.

VTV.vn - 13 tỉnh thành phố hiện đang có dịch sẽ được triển khai tiêm vaccine COVID-19 với số lượng 117.000 liều vaccine của AstraZeneca bắt đầu từ tháng 3.

Ngày 6/3, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường đã ký Quyết định số 1469/QĐ-BYT về việc phân bổ vaccine phòng COVID-19. Ở đợt đầu tiên, 117.000 liều vaccine của AstraZeneca được phân bổ như sau:

Các địa phương, đơn vị:

1. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội: 8.000.

2. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hải Dương: 32.000.

3. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh: 8.000.

4. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh: 3.800.

5. Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Hải Phòng: 2.800.

6. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Ninh: 2.100.

7. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hòa Bình: 1.600.

8. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hưng Yên: 3.100.

9. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Giang: 3.100.

10. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai: 1.800.

11. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Giang: 1.700.

12. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương: 1.200.

13. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Điện Biên: 1.800.

14. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an: 30.000.

21 bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19:

1. Bệnh viện Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương: 300.

2. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương cơ sở 2: 500.

3. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2: 450.

4. Bệnh viện dã chiến 2 Quảng Ninh: 200.

5. Bệnh viện dã chiến Gia Lai: 100.

6. Bệnh viện dã chiến Củ Chi: 150.

7. Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh: 400.

8. Bệnh viện Đa khoa Bắc Ninh: 800.

9. Bệnh viện Hữu nghị Việt - Tiệp cơ sở 2: 200.

10. Trung tâm Y tế thành phố Điện Biên Phủ: 100.

11. Bệnh viện Đa khoa khu vực Đồng Tháp Mười: 150.

12. Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngự: 350.

13. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương: 500.

14. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Khánh Hòa: 100.

15. Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ninh: 100.

16. Bệnh viện Phổi Đà Nẵng: 100.

17. Trung tâm Y tế huyện Long Điền (Bà Rịa - Vũng Tàu): 200.

18. Bệnh viện Đa khoa huyện Xín Mần (Hà Giang): 100.

19. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh: 900.

20. Trung tâm Y tế thành phố Chí Linh: 100.

21. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh Hải Dương: 100.

Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia - Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Hà Nội) sẽ phụ trách việc tiếp nhận, vận chuyển vaccine tới các cơ sở tiêm chủng theo danh sách tại địa điểm được ưu tiên theo đúng quy định.

Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia có vai trò hướng dẫn các địa phương, đơn vị thực hiện bảo quản, phân phối và phối hợp với các cơ sở tiêm chủng khác để sử dụng vaccine phòng COVID-19 theo quyết định của Bộ Y tế và Nghị quyết số 21 của Chính phủ.

Hai đơn vị phân bố số lượng lớn vaccine phòng COVID-19 là Bộ Quốc phòng và Bộ Công an. Bộ Y tế cho biết, 2 đơn vị này chủ động tiếp nhận và triển khai tiêm chủng cho các đối tượng ưu tiên theo thẩm quyền quản lý; thực hiện quản lý, sử dụng vaccine hiệu quả, đúng đối tượng theo quy định và thông báo kết quả tiêm chủng về Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng) để tổng hợp.

Ngoài ra, 600 liều vaccine COVID-19 cũng được sử dụng để kiểm định chất lượng, lưu mẫu tại đơn vị nhập khẩu và Viện Kiểm định quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế theo quy định.

Triển khai tiêm vaccine COVID-19 trong tháng 3 và 4

13 tỉnh thành đầu tiên sẽ được nhận bao nhiêu vaccine COVID-19 ở đợt 1? - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì cuộc họp

Tại hội nghị tập huấn trực tuyến công tác tiêm chủng vaccine COVID-19 toàn quốc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, do số lượng vaccine lần này rất hạn chế và Bộ Y tế đang tích cực phối hợp và đề nghị COVAX chuyển sớm vaccine về Việt Nam. Bộ trưởng hy vọng tháng 3 lượng vaccine về dồi dào, hơn khoảng 1,3 triệu liều, đến tháng 4-5 nguồn cung sẽ tăng lên.

Do đó, Bộ Y tế không thể phân bổ vaccine cho cho 63 địa phương mà dành cho 13 tỉnh thành phố có dịch và ưu tiên cho Hải Dương - điểm nóng về phòng chống dịch. Ngày 8/3 sẽ tiêm mũi đầu tiên tại Hải Dương, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh.

13 tỉnh thành phố hiện đang có dịch sẽ được triển khai tiêm vaccine COVID-19, gồm: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hòa Bình, Gia Lai, Bình Dương, Điện Biên và Hà Giang. Thời gian triển khai là tháng 3 và 4/2021.

Các đợt tiêm chủng tiếp theo sẽ được triển khai căn cứ theo tiến độ cung ứng vaccine thực tế. Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể theo từng đợt.

Những đối tượng được tiêm đợt 1 gồm: Lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch, bao gồm:

- Nhân viên y tế đang điều trị bệnh nhân COVID-19

- Người tham gia phòng chống dịch (Thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, người làm việc ở khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, điều tra dịch tễ, tổ COVID-19 dựa vào cộng đồng, tình nguyện viên, phóng viên, cán bộ lấy mẫu xét nghiệm).

- Quân đội, Công an.

Kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 giai đoạn 2021-2022 được triển khai dựa trên nguyên tắc huy động tối đa các lực lượng tham gia tiêm chủng bao gồm các cơ sở y tế trên toàn quốc, cơ sở đào đạo về y tế để tổ chức chiến dịch tiêm chủng. Tổ chức triển khai tiêm chủng ngay sau khi tiếp nhận vaccine. Đảm bảo tỷ lệ bao phủ cao, an toàn tiêm chủng và tiếp cận công bằng cho người dân.

Để triển khai thực hiện tiêm chủng đảm bảo an toàn và hiệu quả, ngày 6/3, Bộ Y tế đã có công văn khẩn gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đề nghị Đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành xây dựng kế hoạch sử dụng vaccine COVID-19 tại địa phương.

Huy động tối đa các lực lượng tham gia tiêm chủng bao gồm các cơ sở y tế trên địa bàn, cơ sở đào tạo về y tế để tổ chức tiêm vaccine COVID-19 đảm bảo an toàn và hiệu quả cho các đối tượng theo đúng quy định tại Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ về mua và sử dụng vaccine phòng COVID-19; Theo dõi, xử trí sự cố bất lợi sau tiêm chủng.

Đồng thời bố trí đủ kinh phí, nhân lực để triển khai tiêm chủng vaccine COVID-19 theo Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ về mua và sử dụng vaccine phòng COVID-19.

Tổ chức thông tin, truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí, truyền thông cho người dân và cộng đồng về đối tượng tiêm chủng, loại vaccine phòng COVID-19, theo dõi phản ứng sau tiêm chủng.

Chỉ đạo tiếp tục triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 và Bộ Y tế.

Vaccine phòng COVID-19 không an toàn 100% Vaccine phòng COVID-19 không an toàn 100%

VTV.vn - Không có vaccine nào là an toàn 100%, vaccine ngừa COVID-19 cũng vậy. Vì vậy tất cả các điểm tiêm phải chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước