Giới trẻ cần gì ban đêm?
Thông thường, trong khuôn khổ cho phép, tìm kiếm những trải nghiệm mới lạ luôn là điều mà tuổi trẻ mong muốn hướng tới, như gặp những người bạn mới, đến những vùng đất mới, làm những điều mình chưa từng… Màn đêm chính là một trong những nơi có thể ẩn chứa những trải nghiệm hấp dẫn đó.
Thời gian qua, nhiều mô hình như chợ đêm, phố đi bộ ban đêm đã được hình thành ở nhiều địa phương. Những mô hình này thành công hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng cơ bản phải dựa trên sự giao nhau giữa một bên là nhu cầu của khách hàng và một bên là những dịch vụ mà con phố đêm có thể cung cấp.
Những người trẻ cần gì tại một con phố đêm giữa lòng Hà Nội?
Chị Trần Minh Phương (Hưng Yên) chia sẻ: "Mình thường đến đây từ 12h đêm đến 4h sáng. Ở nhà mình không học được, đêm học mới vào nên mình chọn đi ra ngoài để tập trung hơn ở nhà".
Anh Nguyễn Mạnh Đạt (TP Hà Nội) cho hay: "Ban ngày mình đi học, đi làm nên mình chỉ có thời gian ban đêm thôi. Ở nhà chán quá nên mình phải tự mua vui cho mình. Chơi đêm khiến mình thoải mái, mình thấy thích".
Chị Đỗ Thanh Lan (TP Hà Nội) nói: "Giới trẻ bọn mình hiện tại có xu hướng ban ngày ngủ, ban đêm đi chơi. Mình sẽ hoàn thành công việc lúc chiều, buổi tối mình đi chơi. Mình rất thích ban đêm vì nó yên tĩnh".
Nắm được nhu cầu đó của nhiều khách hàng trẻ, nhiều cửa hàng đã chuẩn bị sẵn sàng từ sớm để đón tiếp các bạn trẻ. Như một quán cà phê được trang trí đèn lung linh, ghế lười và lều trại trong một không gian đủ rộng để phục vụ cả nhóm bạn với vài chục người. Thích thú với trải nghiệm ngồi cà phê xuyên đêm, họ thường đến lúc 22h và ra về khi trời rạng sáng.
Các dịch vụ mở chui, phục vụ nhu cầu đêm của người trẻ
Chẳng cần hoạt động gì nhiều, có thể ăn, có thể uống, quan trọng là người trẻ cần một nơi để ngồi lại cùng nhau hoặc cần một khoảng không gian riêng cho chính mình. Đôi khi chỉ cần một chiếc ghế đá, một góc vỉa hè ven hồ hoặc vài bậc thềm của một cửa hàng tiện lợi 24/24, mùa này tại Hà Nội, các bạn trẻ chỉ cần mang thêm một chiếc áo ấm là đủ. Việc sống về đêm không có gì sai, nếu có sai thì là sai với sức khỏe của mình, nhưng người ta vẫn hay nói: "Tuổi trẻ mà, có gì ngoài sức khỏe".
Điều này cũng được chứng minh trong khảo sát được báo Thanh Niên thực hiện và đưa tin vào ngày 8/5 với dòng title "Báo động về tình trạng người trẻ thức khuya". Trong đó, mặc dù đều biết rất rõ các tác hại của việc thức khuya nhưng đa số người trẻ tham gia khảo sát vẫn có ý định tiếp tục tình trạng này do đã thành thói quen rồi. Với câu hỏi "Bạn thường đi ngủ lúc mấy giờ?", có tới 16,4% người khảo sát cho biết họ ngủ sau 1h sáng.
Nói đến nhu cầu tìm các dịch vụ, hoạt động ban đêm của người trẻ, có cầu có thì ắt có cung. Vài con phố đêm thì chưa thể thỏa mãn tất cả các nhu cầu. Đây là chính là kẽ hở để những dịch vụ mở chui kiếm tiền.
Quá 1h đêm nhưng một tòa nhà vẫn nhiều xe ra vào và có nhiều bạn trẻ ngồi ở bậc thềm tòa nhà. Bên trong tòa nhà, những người trẻ đang dành toàn bộ tâm trí cho thế giới ảo.
Tại một khu vực khác nằm khuất trên con phố tối đèn, quán bi-a hoạt động không cần biết ngày đêm. Để tăng thêm tính uy tín cho người chơi đêm, nhân viên quán còn khẳng định sẽ không bị lực lượng chức năng hỏi thăm trong khung giờ khuya này. Đi tới đâu có hướng dẫn tới đó, đảm bảo khách hàng có thể thoải mái chơi thâu đêm suốt sáng.
Từ quán net tới bi-a rồi cà phê tám chuyện đều được mở công khai suốt đêm bấy lâu nay nhưng phải đến khi phóng viên có điện thoại báo lên phường, lực lượng chức năng mới có mặt. Nhưng những cuộc vui này có thực sự chấm dứt hay không thì khó có thể nói trước bởi chính những khách quen tại quán có lẽ đã quá quen với những cảnh này.
Hệ quả của lịch sinh hoạt "ngày ngủ đêm thức"
Hàng quán được mở hay không, được mở đến mấy giờ đã được quy định rõ ràng cho từng khu vực. Nhưng cũng chẳng khác gì chuyện lấn chiếm vỉa hè hoặc bắt chó thả rông đã nhiều lần được Chuyển động 24h đề cập, việc những hàng quán mở đêm có tái diễn hay không phụ thuộc rất nhiều vào quyết tâm của lực lượng chức năng.
Còn với những người trẻ có thói quen thức đêm, đôi lúc thức đêm để vui hoặc để chạy cho kịp việc để sếp khỏi la mắng. Nhưng biến việc thức đêm thành thói quen thì không tốt bởi người ta vẫn nói "Đừng có chơi đùa với sức khỏe, bạn không thắng được đâu".
Minh Trí đang là sinh viên đại học, còn Huyền Trang đã ra trường và đi làm. Với lịch sinh hoạt rất khác biệt, hai bạn trẻ này thường xuyên gặp khó khăn trong việc tập trung học tập, làm việc vào ban ngày. Lý giải cho thói quen sinh hoạt của mình, ai cũng có lý do chính đáng.
Như một vòng luẩn quẩn, thức đêm, ngày khó tập trung, dùng chất kích thích để tỉnh táo hơn và rồi lại khó ngủ vào ban đêm nên dậy chơi hay làm việc, để rồi buổi sáng tiếp tục mệt mỏi… 18 tuổi, 21 tuổi, Minh Trí và Huyền Trang đủ kiến thức để hiểu việc duy trì thói quen thức đêm và lịch sinh hoạt bất thường sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của mình như thế nào. Nhưng rõ ràng, cách mà họ đang thay đổi lại là sai càng thêm sai.
Theo nghiên cứu, một người trưởng thành (từ 18 - 64 tuổi) cần ngủ 7 - 9 giờ/ngày. Sức khỏe của ai rồi cũng sẽ bị bào mòn dần nhưng tốc độ nhanh hay chậm là do thói quen sinh hoạt của mỗi người.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!