Ngập lụt đang là nỗi lo chung của người dân nhiều đô thị, kể cả những đô thị ven biển, nơi mà trước đây hiếm khi xảy ra ngập lụt.
Khu dân cư ở phường Ngọc Hiệp, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, đợt mưa cách đây nhiều ngày, nhưng đến hôm nay, khu đất quanh nhà vẫn còn ngập nước. Cả sân trường cũng vậy.
Người dân ở đây cho rằng, có khi nắng cả tuần, nước mới rút hẳn. Đó là bởi nước không có đường nào để thoát.
Chỉ mới đầu mùa mưa, chỉ là một trận mưa nhỏ, hiện tượng ngập úng đã xảy ra nên cũng dễ hiểu, cả khu dân cư với hàng trăm hộ dân, ai cũng lo cứ mưa là ngập lụt.
Vì sao cứ mưa là ngập, trong khi trước đây, điều đó hiếm khi xảy ra? Theo lý giải của người dân, cả khu đất này trước đây là ruộng và cũng là đường thoát nước tự nhiên cho cả khu dân cư. Nhưng hiện tại, ruộng đã được san lấp để hình thành khu tái định cư Ngọc Hiệp. Cốt nền khu tái định cư cao hơn hẳn các khu dân cư lâu nay, vậy nên nơi ở của người dân bỗng thành vùng trũng.
Nền nhà của ông Bình thấp gần 2m so với nền khu tái định cư. Ngôi nhà mà 5 người trong gia đình ông đang ở khó tránh khỏi bị biến thành hố nước khi mưa lụt.
Một thực tế chung hết sức nổi cộm tại Nha Trang trong thời gian qua là nhiều khu đất ruộng bị san nền, biến thành những khu dân cư mới. Trong khi đó, đây chính là không gian thở, là đường thoát nước tự nhiên vô cùng hữu ích giữa đô thị đang bị bê tông hóa. Nhưng trên những đường thoát nước tự nhiên này, giờ lại là những công trình xây dựng ngăn hướng thoát nước.
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu như ngay từ đầu, việc xây dựng đô thị có sự tính toán kỹ lưỡng, cân nhắc thận trọng thì đã không xảy ra tình trạng cứ khu dân cư này tôn cao nền, thoát được ngập lụt thì lại đẩy khu dân cư bên cạnh rơi vào cảnh ngập lụt liên miên.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!