Tại cuộc họp báo cung cấp thông tin về phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh ngày 24/3, lý giải việc thành phố chưa cho F0 đi làm lại như một số tỉnh, thành phố khác, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, các F0 vẫn là người bệnh và cần điều trị tại nhà hoặc bệnh viện. Thực tế thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh có số ca tử vong giảm ở mức thấp nhưng số ca nặng chưa giảm bền vững mà lên xuống liên tục. Do đó, nếu số ca mắc COVID-19 tăng, chắc chắn ca nặng, ca tử vong sẽ tăng, đó là kinh nghiệm TP rút ra từ các đợt dịch trước đây.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi họp báo (Ảnh: SGGP)
Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Sở Y tế chỉ tham mưu phương án ứng phó với dịch COVID-19, còn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh là cơ quan quyết định, nên sau khi đánh giá số ca mắc COVID-19 mới, số ca nặng, ca tử vong, Sở Y tế đã tham mưu UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho phép F1 đi làm nếu đáp ứng một số điều kiện.
"Bộ Y tế đề xuất cho F0 đi làm nhưng chỉ trong 2 tình huống và kèm theo một số điều kiện đặc biệt. Cụ thể, trên tinh thần tự nguyện, F0 có thể làm việc trực tuyến hoặc làm việc ở khu điều trị F0, thực hiện chặt chẽ các biện pháp phòng, chống lây nhiễm", ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) nói.
Bên cạnh đó, tại trường học, cơ sở giáo dục, các trường hợp F1 sẽ được xác định dựa trên hướng dẫn xác định F0, F1 của Bộ Y tế. Ngoài ra, các trường học, cơ sở y tế sẽ xác định F1 dựa trên chỗ ngồi trong lớp cùng các hoạt động khác trong quá trình học tập trực tiếp.
Sáng 24/3, UBND TP Hồ Chí Minh có văn bản hướng dẫn biện pháp y tế đối với người tiếp xúc gần (F1) được đi làm, học tập.
Theo đó, đối với trường hợp F1 đã được tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 hoặc đã từng mắc COVID-19 trong vòng 3 tháng được phép tiếp tục đi làm, đi học.
Tuy nhiên, với những trường hợp này, UBND yêu cầu F1 đồng thời phải chấp hành nghiêm các quy định như tự theo dõi sức khỏe ít nhất 10 ngày kể từ ngày tiếp xúc gần lần cuối với F0, thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ 5 và khi có triệu chứng nghi ngờ mắc COVID-19 (bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên, do bản thân hoặc người chăm sóc tự thực hiện hoặc do nhân viên y tế, cơ sở y tế thực hiện).
Trong thời gian này, F1 di chuyển từ nơi lưu trú đến nơi học tập, làm việc bằng phương tiện cá nhân; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch như thường xuyên đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, không dùng chung vật dụng cá nhân trong sinh hoạt, làm việc, học tập...
Về vấn đề Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt miễn dịch cộng đồng và coi COVID-19 là "bệnh lưu hành" được hay chưa, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho rằng, theo Nghị quyết của phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2022, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế rà soát, đánh giá các tiêu chí cấp độ dịch, quy định quản lý người nhiễm để đánh giá tình hình, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để xem COVID-19 là bệnh đặc hữu.
Đại diện Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết có 4 lý do để Việt Nam chưa nên xem COVID-19 là bệnh lưu hành. Đó là: Dịch bệnh đã xuất hiện trên khắp các địa phương của cả nước nên đây chỉ được xem là giai đoạn chuyển tiếp giữa đại dịch và bệnh lưu hành; Tỷ lệ mắc COVID-19 có sự khác biệt lớn giữa các địa phương; Số ca tử vong trong ngày vẫn ở mức cao so với các dịch bệnh có số tử vong hàng đầu trước đây và SARS-CoV-2 vẫn liên tục xuất hiện các biến thể, biến thể phụ mới nên khó xác định tỷ lệ mắc mới. Chính vì chưa xem là bệnh lưu hành nên chưa thể thay đổi biện pháp quản lý với F0.
“Các chuyên gia kết luận, trong thời gian này, Việt Nam chưa thể xem dịch COVID-19 là “bệnh lưu hành” và tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới cũng như các tổ chức quốc tế, quốc gia khác theo dõi tình hình dịch COVID-19, cập nhật sự biến đổi của virus SARS-CoV-2 để có thể xem bệnh COVID-19 là “bệnh lưu hành” vào thời điểm thích hợp”, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai thông tin.
Theo thông tin từ Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Hồi sức COVID-19 tại Cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu đã chính thức ngưng hoạt động 10 ngày qua. Công tác bàn giao đang được thực hiện và hoàn thành vào ngày 30/4/2022. Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 vẫn duy trì hoạt động khám chữa bệnh và chưa bao giờ ngưng tiếp nhận bệnh nhân. Mỗi ngày có khoảng 1.200 đến 1.300 bệnh nhân ngoại trú đến khám, tầm soát bệnh tại đây.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!