Vì sao vẫn xảy ra tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế?

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 01/11/2024 15:18 GMT+7

VTV.vn - Cần có giải pháp hiệu quả để nhanh chóng giải quyết tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.

Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế tại các cơ sở y tế công lập trở nên căng thẳng kể từ sau đại dịch COVID-19 và đã kéo dài trong khoảng gần hai năm. Đã có những lúc, bệnh nhân phải mua từng chiếc kim tiêm, dây truyền dịch ở bên ngoài bệnh viện, bệnh nhân được chỉ định mổ mà phải chờ tới vài tháng. Đến đầu năm 2024, với Luật Đấu thầu có hiệu lực, Nghị định hướng dẫn của Chính phủ và hàng loạt thông tư hướng dẫn của Bộ Y tế, tình trạng này đã dần được tháo gỡ. Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc thiếu thuốc, vật tư y tế vẫn diễn ra cục bộ, tùy thời điểm, tùy mặt hàng và vẫn tồn tại những khó khăn nhất định.

Vì sao vẫn xảy ra tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế? - Ảnh 1.

Dù đã triển khai nhiều hình thức trong đấu thầu nhưng một số thuốc của Bệnh viện Chợ Rẫy vẫn không thể mua được như vitamin C, thuốc kháng sinh cefazolin

"Trong thời gian qua, có thời điểm, việc cung ứng một số mặt hàng thuốc gặp gián đoạn, khiến các bệnh viện rơi vào tình trạng thiếu thuốc. Một số nguyên nhân chính có thể kể đến như tình hình chiến tranh, khan hiếm nguồn cung do chỉ có rất ít hoặc không có nhà cung cấp một số loại thuốc nhất định, cùng với việc giấy phép đăng ký điều hành hết hạn, dẫn đến tình trạng thiếu một số loại thuốc hiếm. Bên cạnh đó, việc áp dụng các quy định pháp luật mới về đấu thầu của một số chủ đầu tư và bệnh viện vẫn còn gặp khó khăn, dẫn đến một số gói thầu không lựa chọn được nhà thầu do các quy định chưa phù hợp trong hồ sơ mời thầu, buộc phải hủy thầu, gây chậm trễ trong việc mua thuốc và các thiết bị y tế", ông Hoàng Cương, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế cho biết.

Vì sao vẫn xảy ra tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế? - Ảnh 2.

Ông Hoàng Cương, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế cho biết nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu thuốc và các thiết bị y tế

Theo ông Hoàng Cương nhận định, một điểm đột phá trong Luật Đấu thầu và Nghị định 24 là cơ chế cho phép thu thập báo giá để xây dựng giá gói thầu. Khi thu thập được nhiều báo giá, chủ đầu tư có thể chọn báo giá cao nhất, miễn là phù hợp với yêu cầu chuyên môn và khả năng tài chính của bệnh viện. Tuy nhiên, khó khăn chính lại nằm ở khâu thực thi, do cán bộ trực tiếp làm công tác đấu thầu chưa nắm rõ các quy định mới, vẫn tuân theo quy định cũ như việc ưu tiên báo giá thấp nhất, dẫn đến tình trạng không có nhà thầu tham dự hoặc hàng hóa trúng thầu không đáp ứng yêu cầu sử dụng.

Việc đấu thầu thuốc, vật tư y tế hiện đang được tổ chức theo ba hình thức. Thứ nhất là đấu thầu tập trung quốc gia. Thứ hai là đấu thầu địa phương và thứ ba là các cơ sở y tế tự đấu thầu. Ngoài ra, với một số thuốc biệt dược, thuốc hiếm, Bộ Y tế sẽ thực hiện đàm phán giá. Tuy nhiên, điều mà lãnh đạo bệnh viện cũng như các cơ sở y tế lo ngại chính là việc xây dựng giá, kế hoạch và thẩm định giá trong quá trình đấu thầu mua sắm. Bởi nhiều khi rất khó để xác định được giá thật của các sản phẩm, đặc biệt là với các hóa chất cũng như là trang thiết bị chuyên sâu.

"Máy chụp CT hoặc máy MRI là các thiết bị y tế chuyên dụng sâu và giá rất đắt. Nếu không có các cơ chế báo giá rõ ràng và tiêu chí kỹ thuật tương thích với sản phẩm hiện có, bệnh viện khó có thể tiến hành đấu thầu", PGS.TS.BS Nguyễn Minh Anh, Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM chia sẻ.

Vì sao vẫn xảy ra tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế? - Ảnh 3.

PGS.TS.BS Nguyễn Minh Anh, Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM chia sẻ về những vướng mắc trong quá trình đấu thầu thiết bị y tế

"Khó khăn lớn nhất là ở khâu xây dựng các yêu cầu kỹ thuật thiết thực và cần thiết. Các đơn vị quản lý nhà nước cần ban hành các hướng dẫn và thông tư chi tiết để hỗ trợ cụ thể cho việc xây dựng yêu cầu kỹ thuật, giúp các đơn vị yên tâm chuẩn bị các gói thầu", bác sĩ Phạm Tấn Việt, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy bày tỏ.

Vì sao vẫn xảy ra tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế? - Ảnh 4.

Thiết bị y tế chuyên sâu có giá thành rất cao

"Hiện nay, toàn bộ kết quả lựa chọn nhà thầu của các chủ đầu tư trên cả nước đều được công khai rất chi tiết trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế đã phối hợp với Cục Quản lý Đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để đưa ra các hướng dẫn cụ thể, giúp chủ đầu tư dễ dàng truy cập hệ thống và sử dụng chức năng tìm kiếm thông minh để tra cứu thông tin về giá trúng thầu trên phạm vi toàn quốc. Đây là cơ sở để các chủ đầu tư và bệnh viện xây dựng giá gói thầu của mình", ông Hoàng Cương cho biết thêm.

Ông Hoàng Cương nhấn mạnh, việc quy định một cơ chế linh hoạt, hiệu quả để các bệnh viện mua thuốc phục vụ bán lẻ tại nhà thuốc bệnh viện nhằm phục vụ người bệnh là điều cần thiết, giúp bệnh viện chủ động trong cung ứng thuốc. Tuy nhiên, trong trường hợp này, bệnh viện cần nâng cao trách nhiệm và vai trò của mình trong việc mua sắm, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, minh bạch và đặc biệt là bảo vệ quyền lợi của người bệnh và người dân.

Không chỉ riêng các bệnh viện mà ở nhiều lĩnh vực khác, nếu có một bộ máy tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp, sẽ đạt được kết quả khả quan và đảm bảo tính chuẩn mực trong việc thực hiện quy trình, thủ tục. Nhờ đó, các bác sĩ có thể tập trung vào nhiệm vụ chuyên môn và đưa ra yêu cầu kỹ thuật đối với thuốc và thiết bị cần mua. Bộ phận mua sắm sẽ tổng hợp các nhu cầu này và thực hiện mua sắm đúng quy định, đáp ứng nhu cầu sử dụng của bệnh viện.

Vì sao vẫn xảy ra tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế? - Ảnh 5.

Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh đã thành lập đơn vị quản lý đấu thầu với 10 nhân viên, trong đó có tới năm người là cử nhân luật, số còn lại là kinh tế và tài chính

"Luật cũng đã quy định cơ chế cho phép các bệnh viện, nếu không đủ khả năng tự mua sắm, có thể đề nghị Sở Y tế tổ chức đấu thầu thay. Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang hoàn thiện một số tính năng và hình thức mua sắm mới, hiện đại trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia như: hình thức mua sắm trực tuyến và chào giá trực tuyến. Với chào giá trực tuyến, các bệnh viện có thể mua thuốc, vật tư và thiết bị y tế với giá trị lên đến 300 triệu đồng cho mỗi gói thầu, đáp ứng nhu cầu sử dụng của bệnh viện", ông Hoàng Cương cho biết thêm.

Hiện nay, Bộ Y tế đang triển khai xây dựng sổ tay hướng dẫn về quy trình và thủ tục thực hiện đấu thầu thuốc và thiết bị y tế, với mục tiêu cung cấp hướng dẫn chi tiết cho các bệnh viện. Sổ tay này sẽ giúp bệnh viện dễ dàng tham khảo và áp dụng, tháo gỡ triệt để tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế đã xảy ra trong thời gian qua.

Đến thời điểm hiện tại, có thể nói rằng là thời điểm khó khăn nhất với các bệnh viện đa khoa. Chính phủ đã giao cho Bộ Y tế tiếp tục rà soát, đề xuất, sửa đổi đối với những nội dung trong quá trình thực hiện còn vướng mắc hoặc chưa phù hợp với thực tế, với quan điểm đảm bảo 4 nguyên tắc công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình. Sự chỉ đạo quyết liệt cũng như đồng hành của cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể ở đây là Bộ Y tế với các bệnh viện là hết sức cần thiết. 

Bên cạnh đó, cũng còn cần nhiều giải pháp mang tính chất tổng thể hơn như phải hoàn thiện dự thảo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, Luật Dược sửa đổi để tạo ra sự đồng bộ trong hành lang pháp lý, có như vậy mới sớm giải quyết được triệt để tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế phục vụ tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước