Chiến dịch tiêm vaccine lớn nhất trong lịch sử của Việt Nam: Chi phí 25.000 tỷ đồng, 150 triệu liều vaccine

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 17/06/2021 19:55 GMT+7

VTV.vn - Nguồn kinh phí đã có sẵn, nguồn vaccine cũng đang được Bộ Y tế hết sức nỗ lực và cố gắng sớm chuyển về Việt Nam.

25.000 tỷ đồng để mua vaccine COVID-19 tiêm cho 75% dân số

Sau khi Bộ Chính trị có kết luận về "một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19phát triển kinh tế - xã hội", trong gần 1 tuần qua việc tìm kiếm nguồn cung vaccine phòng COVID-19 tiếp tục được đẩy mạnh. Trong đó, Thường trực Chính phủ đã xem xét cho phép tổ chức, cá nhân đủ điều kiện (theo quy định của Nhà nước) tham gia vào lĩnh vực mua, cung cấp vaccine ngừa COVID-19. Còn Bộ Y tế cũng đã bắt tay vào xây dựng chương trình tiêm vaccine lớn nhất trong lịch sử cho hơn 70 triệu người dân nhằm đạt miễn dịch cộng đồng.

Cần phải khẳng định, ngay từ rất sớm, Việt Nam đã chủ động trong chuẩn bị nguồn vaccine.

Chiến dịch tiêm vaccine lớn nhất trong lịch sử của Việt Nam: Chi phí 25.000 tỷ đồng, 150 triệu liều vaccine - Ảnh 1.

Vaccine AstraZeneca được Việt Nam đàm phán mua từ rất sớm

Tháng 5/2020, khi dịch bệnh mới xâm nhập vào Việt Nam, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm, chỉ đạo nghiên cứu và phát triển vaccine phòng COVID-19 trong nước. Ngay thời điểm đó, Chính phủ đã có quan điểm rõ ràng đây là biện pháp căn cơ lâu dài để bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân, cũng như để Việt Nam mở cửa trở lại, phát triển kinh tế, xã hội. Sau khi các đơn vị trong nước đạt được bước tiến trong nghiên cứu vaccine vào giữa năm ngoái,

Chính phủ quyết định chi 200 tỷ đồng để hỗ trợ các đơn vị nghiên cứu vaccine.

Từ tháng 9 năm ngoái, khi nhận định, quá trình nghiên cứu vaccine trong nước sẽ cần thời gian và có thể đến cuối năm nay, hoặc đầu năm 2022 mới đi vào sản xuất đại trà. Thường trực Chính phủ đã quyết định giao Bộ Y tế xây dựng Đề án nhập khẩu vaccine và tiến hành đàm phán với các nhà sản xuất vaccine phòng COVID-19 để bảo đảm đủ vaccine cho miễn dịch cộng đồng.

Cuối tháng 2, những lô vaccine đầu tiên đã về đến Việt Nam và đầu tháng 3 vừa qua, Việt Nam là một trong ít nước trên thế giới tiến hành tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân như các nước châu Âu và Mỹ.

Để bảo đảm, đủ kinh phí cho việc nhập khẩu vaccine, từ cuối năm 2020, Chính phủ đã dành hơn 12.000 tỷ đồng từ nguồn tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của ngân sách Trung ương năm để mua vaccine phòng COVID-19, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Trung tuần tháng 5 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kịp thời quyết định về vấn đề này. Khoản tiền này tương đương với gần một nửa trong tổng số hơn 25.000 tỷ đồng cần có để mua vaccine đủ tiêm cho 75% dân số, tạo miễn dịch cộng đồng.

Để chủ động nguồn kinh phí đảm bảo đủ vaccine phòng dịch cho người dân, đầu tháng 6 vừa qua, Thủ tướng đã quyết định thành lập Quỹ Vaccine phòng chống COVID-19 với sứ mệnh huy động tổng hợp nguồn lực đóng góp xã hội để chia sẻ với ngân sách nhà nước nhằm phục vụ cho hoạt động nhập khẩu vaccine, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước và tiến hành tiêm vaccine cho người dân. Quỹ hoạt động trên nguyên tắc đảm bảo sự tự nguyện đóng góp, công khai, minh bạch và đúng quy định của pháp luật.

150 triệu liều vaccine trong năm 2021

Chiến dịch tiêm vaccine lớn nhất trong lịch sử của Việt Nam: Chi phí 25.000 tỷ đồng, 150 triệu liều vaccine - Ảnh 2.

Pfizer/BioNTech sẽ cung cấp 31 triệu liều vaccine cho Việt Nam

Tháng 9 năm ngoái, chương trình COVAX phê duyệt tài trợ cho Việt Nam trong năm 2021 gần 40 triệu liều vaccine. Hơn 2,5 triệu liều vaccine qua cơ chế này đã được tiêm cho lực lượng tuyến đầu , công nhân ở Bắc Giang, Bắc Ninh. Việt Nam cũng đàm phán mua từ COVAX 10 triệu liều.

Từ tháng 10 năm ngoái, Bộ Y tế cũng đã xúc tiến đàm phán để mua 30 triệu liều vaccine của hãng AstraZeneca ngay từ khi vaccine này đang thử nghiệm lâm sàng. Hơn 400.000 liều từ hợp đồng này đã về Việt Nam và dự kiến trong các tháng tiếp theo sẽ có 3-4 triệu liều/tháng được cung cấp thông qua Hệ thống tiêm chủng VNVC.

Bộ Y tế cũng liên tục đàm phán, thương thảo với Pfizer/BioNTech, Moderna và Quỹ đầu tư Nga. Theo cam kết:

- Pfizer/BioNTech sẽ cung cấp 31 triệu liều, dự kiến chia đều cho quý 3 và quý 4 năm nay.

- Hãng Moderna đã ủy quyền cho Zuellig Pharma phân phối khoảng 5 triệu liều cho Việt Nam.

- Sau gần 1 năm liên tục làm việc, Bộ Y tế đã đạt được thỏa thuận mua 20 triệu liều vaccine Sputnik V của Nga trong năm nay và sẽ chuyển giao công nghệ sản xuất cho công ty vaccine Vabiotech trong tháng 6 này.

Hôm 16/6, Nhật Bản đã trao tặng Việt Nam gần 1 triệu liều vaccine phòng COVID-19 do AstraZeneca sản xuất. Ngay lập tức, hầu hết số vaccine này được chuyển vào TP Hồ Chí Minh để tiêm cho nhân dân.

Dự kiến 2 hôm nữa, Trung Quốc sẽ tặng Việt Nam khoảng 500.000 liều vaccine phòng COVID-19.

Để đáp ứng nhu cầu vaccine phòng COVID-19, Bộ Y tế đã đề xuất Tổ chức Y tế Thế giới chuyển giao cho Việt Nam công nghệ sản xuất vaccine phòng COVID-19 mRNA. Còn hôm 16/6, Bộ Y tế đã làm việc với Bộ Y tế Cuba để xem xét nếu phù hợp sẽ ký thỏa thuận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine Abdala.

Như vậy, đến thời điểm này Việt Nam đã tiếp nhận tổng cộng gần 4 triệu liều vaccine của AstraZeneca, hầu hết là từ các nguồn viện trợ. Dự kiến trong năm nay, Việt Nam sẽ có khoảng 150 triệu liều vaccine để tiêm cho người dân.

Ngoài việc Bộ Y tế nỗ lực tìm nguồn cung vaccine, trong tuần này, TP Hồ Chí Minh cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước được chủ động mua và sử dụng vaccine theo tinh thần Nghị quyết 21 của Chính phủ được ban hành vào đầu năm nay. Như vậy đến thời điểm này, việc tìm nguồn cung vaccine đã được thực hiện ở cả cấp Chính phủ, địa phương và doanh nghiệp theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước