Việt Nam có nguy cơ thiếu thuốc điều trị đến năm 2023

N.M (t/h)-Thứ bảy, ngày 10/09/2022 12:45 GMT+7

Ảnh minh họa

VTV.vn - Hơn 10.000 giấy đăng ký lưu hành thuốc sẽ hết hạn cuối năm nay và sang đầu năm 2023 tiếp tục có hơn 3.000 giấy hết hạn, điều này có thể dẫn tới nguy cơ thiếu thuốc.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cũng đã khẳng định thực trạng này sẽ dai dẳng nếu chúng ta không nhanh chóng sửa đổi Luật Dược.

Theo VNE, Thứ trưởng Tuyên cũng đồng tình là "Luật Dược năm 2016 đang có nhiều khoảng trống" và ngành y tế sẽ đề xuất Chính phủ, Quốc hội xây dựng luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Dược theo hướng rút gọn một số điều.

Bất cập nào trong Luật Dược?

Ông Chu Đăng Trung, Trưởng phòng Pháp chế - Thanh tra, Cục Quản lý Dược, cho biết một trong các nguyên nhân dẫn đến việc thiếu thuốc thời gian qua tại các bệnh viện là do chậm trễ trong cấp phép, gia hạn giấy phép đăng ký lưu hành thuốc dẫn đến số lượng hồ sơ đăng ký tồn đọng trong những năm qua. Trong các năm 2017-2019, không có giấy đăng ký lưu hành nào được gia hạn; năm 2020 là 10 và 2021 là 62 giấy được gia hạn.

Theo Luật Dược, thuốc muốn lưu thông hợp pháp trên thị trường phải được doanh nghiệp đăng ký lưu hành - đây là điều kiện bắt buộc. Giấy do Bộ Y tế cấp có thời hạn 5 năm. Khi giấy phép hết hạn, doanh nghiệp phải xin gia hạn, nếu không phải ngừng cung ứng loại thuốc đó. Hậu quả là nguồn cung cấp thuốc trong nước có thể bị ảnh hưởng, dẫn đến thiếu thuốc điều trị.

Theo quy định tại điều 56 Luật Dược, để được gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc, hồ sơ đề nghị phải được thẩm định, tư vấn bởi Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng lý lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc.

"Quy định thủ tục gia hạn, hồ sơ gia hạn phức tạp, thời gian thẩm định hồ sơ bị kéo dài dẫn tới gián đoạn sản xuất, nhập khẩu, lưu hành và cung ứng thuốc do thuốc hết hạn giấy đăng ký lưu hành", ông Trung nói.

Vì thế, ông Trung đề xuất sửa các quy định về gia hạn thuốc theo hướng không yêu cầu thẩm định, trình Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành, tiến tới gia hạn theo cơ chế tự động.

Để giải quyết ngay nguy cơ này, ngoài việc sửa đổi Luật Dược, các chuyên gia cũng đề xuất cần tiếp tục duy trì hiệu lực Nghị quyết 12 cho đến khi Luật Dược sửa đổi được ban hành và có hiệu lực.

Thời gian qua, tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế đã diễn ra nghiêm trọng trên toàn quốc. Ngoài nguyên nhân từ chậm gia hạn giấy đăng ký thuốc và ảnh hưởng từ đại dịch 2 năm qua, khó khăn trong quy trình đấu thầu mua sắm thuốc và vật tư y tế cũng đã tác động lớn đến nguồn cung thuốc.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước