Việt Nam hiện có dân số trên 100 triệu người, chiếm 1,24% dân số thế giới và đứng thứ 15 toàn cầu. Đây là nguồn lực quan trọng để xây dựng đất nước giàu đẹp. Tuy nhiên, tốc độ già hóa dân số nhanh chóng đang đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt là nguy cơ suy giảm và thiếu hụt nguồn nhân lực trong tương lai. Do đó, làm thế nào để tận dụng cơ hội của thời kỳ dân số vàng, dự kiến sẽ kết thúc sau 10 năm nữa, trở thành bài toán cấp thiết.
Dự báo dân số theo nhóm tuổi, 1990 - 2050 (theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình).
Trong tuần này, Bộ Chính trị đã chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Trung ương tham mưu sửa đổi các quy định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư liên quan đến việc xử lý vi phạm chính sách dân số. Đồng thời, Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ chủ động điều chỉnh hướng dẫn theo hướng không áp dụng kỷ luật đối với trường hợp sinh con thứ ba trở lên, đảm bảo sự đồng bộ với các quy định của pháp luật hiện hành và không hồi tố đối với các trường hợp đã bị xử lý kỷ luật trước đó.
Thạc sĩ Phạm Thị Lan, Trưởng phòng Dân số và Phát triển, Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam, cho biết, TP Hồ Chí Minh quyết định mức hỗ trợ 3.000.000 đồng cho mỗi phụ nữ sinh con trước 35 tuổi và đủ hai con, nhằm ứng phó với mức sinh thấp. Khuyến sinh là chính sách đã được nhiều quốc gia áp dụng, và hiện nay, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai cùng một số địa phương khác cũng đang cân nhắc triển khai.
Thạc sĩ Phạm Thị Lan, Trưởng phòng Dân số và Phát triển Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam chia sẻ về chính sách hỗ trợ sinh đẻ tại Việt Nam hiện nay.
“Chúng tôi ủng hộ sáng kiến này và mong rằng chính sách hỗ trợ không chỉ dừng lại ở một lần, mà nên duy trì lâu dài, ít nhất đến khi trẻ đủ 18 tuổi, cũng như có hình thức hỗ trợ thường xuyên hơn”, bà Lan chia sẻ.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2024, mức sinh của Việt Nam hiện nay chỉ còn 1,91 con/phụ nữ, thấp hơn mức sinh thay thế (trung bình mỗi phụ nữ có hai con). Mức sinh này đã liên tục giảm từ 2,11 (năm 2021) xuống 1,91 (năm 2024) và được dự báo sẽ tiếp tục giảm nếu không có các biện pháp can thiệp kịp thời.
Tiến sĩ Phạm Vũ Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Dân số, Bộ Y tế, cảnh báo: "Nếu mức sinh thấp kéo dài, sẽ tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội, chính trị và an ninh quốc phòng của đất nước".
Tiến sĩ Phạm Vũ Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Dân số, Bộ Y tế cho biết về mức sinh của Việt Nam thời gian gần đây.
Việt Nam bước vào thời kỳ dân số vàng từ năm 2007 và dự kiến kết thúc vào năm 2036. Đây là giai đoạn số người trong độ tuổi lao động gấp đôi số người phụ thuộc (trẻ em dưới 15 tuổi và người già trên 65 tuổi). Dự kiến, khoảng 11 năm nữa, Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn dân số già. Trong hai thập kỷ qua, mức sinh giảm thấp, đặc biệt ở các đô thị có nền kinh tế phát triển và tốc độ đô thị hóa cao. Đông Nam Bộ hiện có mức sinh thấp nhất cả nước, chỉ khoảng 1,48 con/phụ nữ. TP Hồ Chí Minh cũng là một trong những địa phương có mức sinh thấp nhất cả nước.
“Trên thực tế, mức sinh giảm không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà còn là xu hướng chung trên toàn cầu. Theo tính toán của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc, hiện nay có tới 2/3 số quốc gia trên thế giới đang có mức sinh giảm, kéo theo sự gia tăng số lượng người cao tuổi. Đây là hai mặt của cùng một vấn đề dân số, đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, cả ở Việt Nam và trên thế giới”, bà Lan cho biết.
Bộ Chính trị đã giao Đảng ủy Quốc hội và Đảng ủy Chính phủ phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo để đẩy nhanh tiến độ xây dựng và trình Quốc hội thông qua Luật Dân số trong năm nay, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
T.S Phạm Vũ Hoàng cho biết, Nghị quyết Đại hội XIII đã định hướng nâng cao chất lượng dân số, chuyển trọng tâm chính sách từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Quan điểm này cũng được thể hiện trong Nghị quyết 21 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII), nhằm giải quyết đồng bộ các vấn đề dân số, như duy trì mức sinh thay thế, cân bằng giới tính khi sinh, tận dụng cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số, phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số để phát triển bền vững.
Hiện nay, Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo Luật Dân số để thể chế hóa chủ trương này. Luật sẽ không điều chỉnh các nội dung đã được quy định trong các luật liên quan, nhằm đảm bảo tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Dự thảo Luật Dân số gồm ba chính sách chính: (1) duy trì mức sinh thay thế, (2) giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, và (3) nâng cao chất lượng dân số.
“Về duy trì mức sinh thay thế, Luật dự kiến quy định quyền bình đẳng, tự nguyện của các cặp vợ chồng trong quyết định sinh con, thời gian sinh, số con và khoảng cách giữa các lần sinh để phù hợp với lứa tuổi, tình trạng sức khỏe và điều kiện học tập, kinh tế, nhằm nuôi dạy con tốt. Ngoài ra, đề xuất tăng thời gian nghỉ thai sản từ 6 tháng lên 7 tháng cho lao động nữ khi sinh con thứ hai, đồng thời hỗ trợ phụ nữ có hai con ở khu công nghiệp, khu chế xuất và các địa phương có mức sinh thấp trong việc thuê, mua nhà ở xã hội”, ông Hoàng cho biết thêm.
Tỷ lệ kết hôn giảm và mức sinh thấp đã khiến nhiều ngôi làng ở Nhật Bản trở nên già cỗi, hầu hết chỉ còn người cao tuổi sinh sống. Làng Ichinono, với dân số chủ yếu trên 65 tuổi, gần đây mới chào đón một đứa trẻ. Nhật Bản phải nâng tuổi nâng độ tuổi lao động lên tới 64 do dân số già. Năm 2023, Trung Quốc phải đóng hơn 20.000 trường mẫu giáo do mức sinh giảm, trong khi Hàn Quốc phải ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia do mức sinh thấp.
Tại làng Ichinono (Nhật Bản) với dân số chủ yếu trên 65 tuổi, gần đây mới chào đón một đứa trẻ.
Theo TS. Phạm Vũ Hoàng, mức sinh thấp làm giảm tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên, kéo theo nguy cơ thu hẹp dân số, gây lãng phí hạ tầng như nhà ở, trường học, bệnh viện, giống như tình trạng ở Nhật Bản và các nước Đông Á. Số người trong độ tuổi lao động giảm, gây ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, bài học từ Nhật Bản và Hàn Quốc đã cho thấy rõ điều này. Việt Nam có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Khi mức sinh giảm và tuổi thọ tăng, số lượng người cao tuổi tăng nhanh, tạo áp lực lớn lên hệ thống an sinh xã hội như lương hưu, bảo hiểm y tế, trợ cấp và chăm sóc sức khỏe. Nếu hiện tại mỗi trẻ có hai bố mẹ và bốn ông bà chăm sóc, thì trong tương lai, một trẻ sẽ phải gánh vác hai bố mẹ và bốn ông bà, gây áp lực cả về kinh tế lẫn chất lượng cuộc sống. Khi lực lượng lao động thiếu hụt, sẽ có xu hướng gia tăng di cư lao động và buộc phải có các chính sách thu hút nhân lực.
Theo bà Lan, Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong trong thực hiện các cam kết quốc tế về dân số và phát triển, đặc biệt là ICPD. Ngay sau khi cam kết này được thông qua, Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ như Pháp lệnh Dân số và Nghị quyết 21 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác dân số trong tình hình mới. Chính phủ hiện đang xây dựng Luật Dân số, một công cụ pháp lý quan trọng giúp giải quyết các vấn đề dân số toàn diện. Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc kỳ vọng luật này sẽ tạo hành lang pháp lý để thực hiện cam kết quốc tế, đảm bảo quyền lựa chọn sinh sản, đồng thời đưa ra các giải pháp phù hợp nhằm thích ứng với những thay đổi dân số không thể đảo ngược, như già hóa dân số.
Hiện nay có tới 2/3 số quốc gia trên thế giới đang có mức sinh giảm.
“Trong khi nhiều quốc gia đã thành công trong việc giảm mức sinh, chưa có nước nào thành công trong việc tăng mức sinh. Do đó, thay vì cố gắng đảo ngược xu hướng, Việt Nam cần tập trung vào các giải pháp thích ứng và tận dụng cơ hội từ quá trình thay đổi dân số”, bà Lan nhấn mạnh.
Bà Lan cho rằng, chính sách hỗ trợ sinh đẻ không nên chỉ dừng lại ở các khoản trợ cấp mà cần đồng bộ với chiến lược dài hạn về an sinh và phúc lợi xã hội để nâng cao chất lượng dân số. Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến quyết định sinh con, bao gồm việc làm ổn định, chi phí sinh hoạt, bất bình đẳng giới và chi phí nuôi dạy con. Nếu việc làm bấp bênh, thu nhập không đủ đáp ứng nhu cầu sống, hoặc gánh nặng gia đình quá lớn, các cặp vợ chồng sẽ ngần ngại sinh con. Ngoài ra, việc tiếp cận các dịch vụ cơ bản, đặc biệt là sức khỏe sinh sản, cũng tác động đáng kể.
“Trên thực tế, nhiều người mong muốn có con hơn so với số con thực sự sinh ra. Vì vậy, giải pháp không chỉ tập trung vào khuyến khích sinh con, mà cần xem xét tổng thể từ việc làm, phúc lợi xã hội đến thay đổi nhận thức về vai trò giới, tạo môi trường thuận lợi hơn để phụ nữ quyết định sinh con”, bà Lan đề xuất.
Rõ ràng, con người là nguồn lực quan trọng của quốc gia, và với quy mô dân số 100 triệu người, Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển đất nước giàu mạnh. Tuy nhiên, sự phân bố dân số không đồng đều giữa các vùng miền đặt ra nhiều thách thức. Do đó, nâng cao chất lượng dân số là yếu tố then chốt. Khái niệm này không chỉ phản ánh thể chất, trí tuệ, tinh thần mà còn gắn liền với môi trường sống, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong bối cảnh còn nhiều chênh lệch vùng miền.
“Sự phát triển không đồng đều giữa các vùng đòi hỏi chính sách dân số phải quan tâm đến các nhóm dễ bị tổn thương, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau. Liên Hợp Quốc, đặc biệt là Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc, khuyến nghị Chính phủ và các bộ, ngành xây dựng hệ thống dữ liệu dân số tốt. Dữ liệu chính xác giúp xác định nhóm đối tượng yếu thế, đánh giá mức độ tiếp cận chính sách và phân bổ nguồn lực hợp lý”, bà Lan chia sẻ thêm.
Trung Quốc đang già hóa nhanh hơn cả Nhật Bản và Hàn Quốc, dự kiến có trên 300 triệu người trên 60 tuổi trong vài năm tới, tương đương dân số Mỹ. Trước bối cảnh này, Trung Quốc thúc đẩy nền kinh tế tóc bạc, biến nhu cầu của người cao tuổi thành động lực phát triển kinh tế. Chính phủ đã quy hoạch 10 khu kinh tế chuyên biệt, đầu tư vào công nghệ y tế, du lịch cao cấp cho người già và viện dưỡng lão hiện đại sử dụng AI, robot. Năm ngoái, Trung Quốc tăng quỹ an sinh xã hội lên 2.880 tỷ nhân dân tệ (hơn 406 tỷ USD). Hiện nay, kinh tế tóc bạc chiếm 6% GDP và dự kiến đạt 10% GDP vào năm 2035.
Trung Quốc thúc đẩy nền kinh tế tóc bạc, biến nhu cầu của người cao tuổi thành động lực phát triển kinh tế.
Cũng theo TS. Phạm Vũ Hoàng, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến công tác dân số, điều chỉnh chính sách phù hợp với thực tiễn. Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 và dự kiến sẽ bước vào dân số già vào năm 2036. Để thích ứng, Chính phủ đã ban hành Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030 và theo Quyết định 1579/QĐ-TTg (2020).
Chương trình tập trung vào 5 nhóm giải pháp chính: Thứ nhất, nâng cao nhận thức của chính quyền, tổ chức và người dân về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Thứ hai, tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng chống bệnh không lây nhiễm và đảm bảo nhu cầu khám, chữa bệnh; Thứ ba, phát triển mô hình chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng, bao gồm các dịch vụ chăm sóc dài hạn. Thứ tư, xây dựng môi trường thân thiện cho người cao tuổi. Cuống cùng là phát huy vai trò và kinh nghiệm của người cao tuổi trong xã hội.
"Chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi được triển khai trên cả nước, ưu tiên các tỉnh có tỷ lệ người cao tuổi cao, vùng sâu, vùng xa, miền núi và hải đảo. Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch hành động và hướng dẫn các địa phương thực hiện. Hiện nay, hầu hết các tỉnh, thành phố đã xây dựng kế hoạch phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đảm bảo thực hiện hiệu quả chính sách thích ứng với già hóa dân số", ông Hoàng cho hay.
Việc sửa đổi quy định theo hướng không kỷ luật đảng viên sinh con thứ ba trở lên, đồng bộ với điều chỉnh pháp luật và đẩy nhanh tiến độ thông qua Luật Dân số theo tinh thần Nghị quyết Đại hội 13, là một chủ trương kịp thời, phù hợp với thực tiễn. Chính sách này giúp ngăn chặn xu hướng mức sinh thấp, tạo nền tảng cho các giải pháp ổn định quy mô dân số, giảm tốc độ già hóa và nâng cao chất lượng dân số. Dân số là cơ hội cho phát triển, nhưng cơ hội ấy không tự đến mà cần được hiện thực hóa bằng chủ trương, chiến lược và chính sách phù hợp theo từng giai đoạn, hướng đến sự phát triển bền vững và dài hạn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!