Báo cáo có tiêu đề "Phá vỡ tình trạng bế tắc: Tái hình dung sự hợp tác trong một thế giới phân cực". Theo báo cáo, giá trị Chỉ số phát triển con người của Việt Nam là 0,726, đứng vị trí thứ 107 trên 193 quốc gia và vùng lãnh thổ, đưa Việt Nam vào nhóm Chỉ số phát triển con người cao. So với báo cáo năm ngoái, tăng 8 bậc từ vị trí thứ 115.
Việt Nam từ vị trí tương đối thấp trong bảng xếp hạng nhưng đến nay đang ở giữa bảng xếp hạng và liên tục tiến bộ trong 30 năm qua.
Ông Jonathan Pincus, chuyên gia Kinh tế trưởng của Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam cho biết: ''Thứ hạng của Việt Nam tăng lên, chủ yếu là do trong thời kỳ đại dịch, Việt Nam vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế tích cực và có một năm 2022 rất rất tốt. Điều đó đồng thời nâng được thứ hạng của các chỉ số khác.
Phát triển con người luôn là trọng tâm trong chính sách phát triển của Việt Nam ngay từ những ngày đầu và tôi nghĩ, chúng ta đã chứng kiến những thành tựu rất lớn trong khoảng hơn một thập kỷ qua của Việt Nam, đặc biệt là về tiếp cận giáo dục, vốn rất quan trọng đối với sự phát triển con người.
Ngoài ra, ở một số chỉ số như sức khỏe cũng đã được cải thiện khá rõ rệt trong thập kỷ qua. Ở một số khía cạnh, Việt Nam làm rất tốt công tác bình đẳng giới, đặc biệt là về khả năng tiếp cận giáo dục. Tỷ lệ tuyển sinh, giáo dục trung học cơ sở gần như bình đẳng giữa nam và nữ. Chúng ta bắt đầu thấy có nhiều nữ lãnh đạo trong doanh nghiệp và nhiều nữ lãnh đạo trong chính phủ hơn''.
Chỉ số phát triển con người là một trong những chỉ tiêu tổng hợp, đo lường chất lượng phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia, vùng lãnh thổ hay một địa phương do Chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) khởi xướng từ năm 1990 và công bố thường xuyên.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!