Vực dậy sau lũ

Phạm Dịu-Thứ hai, ngày 23/09/2024 19:22 GMT+7

Đến nay cũng đã gần nửa tháng kể từ khi cơn bão số 3 qua đi, nhưng những thiệt hại do nó gây ra vẫn chưa thể khắc phục hết, nhất là những thiệt hại về mặt kinh tế của người dân.

Theo thống kê sơ bộ bước đầu của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, bão số 3 và hoàn lưu sau bão khiến trên 195 nghìn héc-ta lúa, 47 nghìn héc-ta hoa màu, 36 nghìn héc-ta cây ăn quả bị ngập úng, thiệt hại; trên 4,7 nghìn lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; trên 3,2 triệu gia súc, gia cầm bị chết. Tổng thiệt hại kinh tế ước tính ban đầu khoảng 61 nghìn tỷ đồng. Xót xa là tâm trạng của hầu hết mọi người, bởi thiệt hại là quá lớn. Đa phần người dân vẫn còn loay hoay trong việc bắt đầu lại từ đâu.

Những tổn thất quá nặng nề khiến cho bà con chưa thể nguôi ngoai ngay được. Nhưng cuộc sống dù thế nào thì vẫn phải tiếp diễn. Dĩ nhiên, đây không phải là việc của cá nhân ai mà là sự chung tay của cả hệ thống chính trị. Như thời điểm này, tại các cấp chính quyền địa phương chịu ảnh hưởng của bão số 3 đều đang khẩn trương khắc phục hậu quả, đưa ra các chính sách hỗ trợ đặc thù để nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân.

Tinh thần luôn tìm cách vượt lên mọi khó khăn, cùng nhau đứng lên sau bão lũ là đặc tính đáng quý của người Việt Nam. Không chỉ lá lành mà những chiếc lá rách cũng tìm cách đùm bọc nhau, phụ giúp nhau gây dựng lại cơ nghiệp từ những việc nhỏ. Bên cạnh đó, chính người dân cũng luôn biết nhìn ra những bài học và rút kinh nghiệm để sẵn sàng đương đầu với thiên tai trong tương lai.

Một thông tin tích cực nữa đã được đưa ra từ Ngân hàng Nhà nước đó là theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đã có 32/40 ngân hàng đăng ký các gói tín dụng mới theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, với tổng số tiền lên tới 405.000 tỷ đồng, lãi suất giảm từ 0,5-2% để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân chịu tác động bởi cơn bão số 3.... Đáng chú ý có một số ngân hàng còn "mạnh tay" giảm 50-100% tiền lãi phải trả cho khách hàng từ nay đến hết năm 2024.

Một ví dụ khác về việc sốc lại tinh thần sản xuất, phục hồi sau bão lũ là tại làng nghề truyền thống mỳ Chũ ở huyện Lục Ngạn, Bắc Giang. Sau khi nước rút, chính quyền địa phương và người dân tại đây đã tập trung tối đa nhân lực, khắc phục hậu quả, vệ sinh nhà cửa, dây chuyền để sớm có thể bước vào sản xuất trở lại.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước