Hai mẹ con voi rừng được người dân phát hiện khi đang tìm kiếm thức ăn tại xã Châu Phong, huyện Qùy Châu, Nghệ An vào ngày 23/10/2022. 4 tháng sau đó, xác cá thể voi mẹ đã được phát hiện trong rừng tự nhiên, bị phân hủy nặng, chỉ còn lại da và xương. Nguyên nhân được xác định là do voi quá già yếu, và thiếu thức ăn.
Tỉnh Nghệ An có 5 đàn voi với khoảng 14-15 cá thể voi hoang dã. Đây là địa phương có số voi hoang dã lớn thứ 3 cả nước, chỉ sau Đắk Lắk và Đồng Nai.
Ngoài việc bị mất nguồn thức ăn do đất rừng bị chuyển đổi sang trồng cây cao su thì 3/5 đàn hiện không còn khả năng phát triển. Việc voi rừng phải về gần khu dân cư tìm kiến thức ăn và xảy ra xung đột là điều dễ hiểu. Mới đây, tại Đắk Lắk, và Quảng Nam, người dân lại phát hiện dấu vết voi về khu vực nương nhà.
Đề án Bảo tồn Voi giai đoạn 2013-2020 là Đề án bảo tồn loài đầu tiên được Nhà nước cấp kinh phí thực hiện, cho thấy các quần thể voi nhỏ, tách bầy, bị cô lập và thiếu vùng sống hiện đang rải rác ở các tỉnh Sơn La, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Đắk Nông, Đắk Lắk. Tuy nhiên, nhiều vấn đề liên quan đến bảo tồn vẫn chưa được giải quyết, đặc biệt là công tác đầu tư.
Việt Nam đã phải chia tay vĩnh viễn với nhiều loài thú lớn, hoang dã. Con tê giác một sừng Java cuối cùng đã không thể sống sót khi bị kẻ săn trộm bắn vào năm 2010. Hổ Đông Dương ở Việt Nam cũng coi như bị tuyệt chủng về mặt sinh thái. Còn voi thì sao? Nếu tiếp tục phải đối mặt với tình trạng thiếu thức ăn do thu hẹp sinh cảnh sống, một ngày nào đó trong tương lai gần, chúng ta cũng sẽ phải nói lời chia tay với những con voi cuối cùng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!