Vướng mắc nào trong đầu tư nguồn lực cho khoa học công nghệ?

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 08/06/2023 06:00 GMT+7

VTV.vn - Các quỹ phát triển khoa học của nhà nước và doanh nghiệp đã đi vào hoạt động nhưng nhìn chung còn hạn chế, kết quả chưa cao như kỳ vọng.

Ứng dụng khoa học công nghệ là chìa khóa giúp phục hồi sản xuất

Đầu tư vào khoa học và công nghệ tại Việt Nam chỉ chiếm khoảng hơn 0,6% GDP, thấp hơn 4 lần so với mức trung bình thế giới. 15 năm qua, Quỹ phát triển khoa học công nghệ tại các doanh nghiệp đã trích lập hàng tỷ USD, nhưng khó giải ngân, tỷ lệ tồn đọng cao, trong khi nhu cầu nghiên cứu ngày càng lớn.

Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được khẳng định là một nội dung đột phá chiến lược để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, đặc biệt trước bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và kinh tế số đã trở thành một trong những xu hướng phát triển chủ yếu của thế giới. Đối với các doanh nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ là chìa khóa giúp phục hồi sản xuất bền vững, tăng sức cạnh tranh.

Vướng mắc nào trong đầu tư nguồn lực cho khoa học công nghệ? - Ảnh 1.

Đối với các doanh nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ là chìa khóa giúp phục hồi sản xuất bền vững, tăng sức cạnh tranh

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, nếu như thời gian trước, tỷ lệ đầu tư cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là 70-30 (tức là 70% đến từ nhà nước và 30% đến từ doanh nghiệp), thì nay, con số này nâng lên thành 50-50. Đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và tối ưu nguồn vốn đầu tư, từng bước phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Trong định hướng xây dựng đổi mới sáng tạo quốc gia, doanh nghiệp sẽ đóng vai trò làm trung tâm đổi mới. Việc kết hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp và các viện nghiên cứu, trường đại học sẽ thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và nhanh chóng đưa kết quả nghiên cứu vào thực tiễn.

Đổi mới cơ chế để giải phóng nguồn lực cho khoa học công nghệ

Từ 15 năm qua, chúng ta đã có chính sách khuyến khích thành lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ trong doanh nghiệp, theo đó các doanh nghiệp trích 1 phần doanh thu cho nghiên cứu khoa học, và khoản này không bị tính thuế. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2015-2021, tỷ lệ doanh nghiệp trích lập quỹ này chỉ chiếm 0,02% và phần lớn là doanh nghiệp nhà nước. Tại phiên chất vấn Quốc hội, có tới 120 đại biểu đăng ký chất vấn, số lượng kỷ lục cho thấy sự quan tâm của nhiều đại biểu về khoa học công nghệ, trong đó nhiều ý kiến trao đổi về quỹ phát triển khoa học công nghệ.

Các quỹ phát triển khoa học của nhà nước cũng như của doanh nghiệp đi vào hoạt động bước đầu đã phát huy hiệu quả, nhưng nhìn chung còn hạn chế, kết quả chưa cao như kỳ vọng. Vậy tại các quốc gia phát triển, những quỹ này hình thành và vận hành như thế nào?

Quỹ đổi mới công nghệ của Trung Quốc được nhà nước cấp vốn hàng năm để hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu thông qua các hình thức như tài trợ, cho vay và đầu tư. Quỹ này phối hợp chặt chẽ với 19 sàn giao dịch công nghệ trên toàn lãnh thổ. Thông qua các sàn giao dịch công nghệ này, Quỹ đã hỗ trợ các giao dịch công nghệ hằng năm có giá trị từ 26-78 tỉ USD, tạo ra hàng chục ngàn doanh nghiệp công nghệ. Ngay cả những công ty lớn như Levovo, Huawei, Xiaomi, ZTE, Baidu... cũng nhận được sự hỗ trợ từ các quỹ này, kể từ thời điểm thành lập.

Vướng mắc nào trong đầu tư nguồn lực cho khoa học công nghệ? - Ảnh 2.

Quỹ đổi mới công nghệ của Trung Quốc đã tạo ra hàng chục ngàn doanh nghiệp công nghệ

Nhật Bản sử dụng nguồn ngân sách công phân bổ cho các đề án và chương trình nghiên cứu của nhiều bộ ngành. Bộ Giáo dục, Khoa học và Công nghệ được phân bổ nhiều nhất, chiếm tới 65% ngân sách nghiên cứu, là cơ sở để thành lập hoặc tài trợ thành lập cho nhiều quỹ nghiên cứu khoa học trong cả lĩnh vực công và tư. Bộ Tài chính quyết định việc phân bổ ngân sách, dựa trên đánh giá của Hội đồng Chính sách Khoa học và Công nghệ. Hàng năm, Hội đồng này tập hợp, đánh giá các chương trình nghiên cứu của các cơ quan.

Vướng mắc nào trong đầu tư nguồn lực cho khoa học công nghệ? - Ảnh 3.

Nhật Bản sử dụng nguồn ngân sách công phân bổ cho các đề án và chương trình nghiên cứu của nhiều bộ ngành.

Năm 2017 - 2018, Israel là quốc gia đứng đầu danh sách đầu tư nhiều nhất vào Nghiên cứu và Phát triển. Quỹ Nghiên cứu - Phát triển, thuộc Cơ quan Đổi mới Israel hỗ trợ các doanh nghiệp về cơ sở hạ tầng cho nghiên cứu, như tăng số lượng nghiên cứu viên, giới thiệu các công cụ tài chính mới, thúc đẩy hợp tác quốc tế. Chương trình Yozma (tức là Sáng kiến) thực hiện từ năm 1993 được đánh giá là rất thành công, khi đầu tư mạnh vào những quỹ mạo hiểm và thu hút nhà đầu tư nước ngoài bằng cách cung cấp công cụ bảo hiểm rủi ro cho họ.

Trong lộ trình phát triển, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 là quốc gia có công nghiệp hiện đại, nếu không có chiến lược phát triển khoa học công nghệ hiệu quả, Việt Nam sẽ bị "mắc kẹt" trong cái hố năng suất thấp, giá trị gia tăng thấp và bẫy thu nhập trung bình...

Phát biểu tại phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, với mục tiêu chi 2% GDP cho khoa học công nghệ, không phải không có nguồn chi, mà là chưa đủ đề tài, dự án khả thi để có thể chi. Nghĩa là vấn đề nằm ở đổi mới cơ chế để giải phóng nguồn lực, nhất là với các quỹ phát triển khoa học và công nghệ.

Cùng trao đổi về chủ đề này trong chương trình Vấn đề hôm nay là GS. TS. Lê Huy Hàm, Chủ nhiệm chương trình Công nghệ sinh học Quốc gia.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước