Nếu nói tới phân loại rác thì ông Bùi Thanh Tùng là điển hình ở xã Thọ Lộc, huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội. Không chỉ đi vận động mọi người, ông là người tự tay phân loại rác. Rác được chia thành 3 thùng: 1 thùng rác dễ phân hủy, 1 thùng đựng lon bia và giấy, 1 thùng nữa là rác chuyên để bỏ đi. Ngày đầu còn thấy khó, giờ phân loại rác đã thành thói quen của ông.
Tuy nhiên, ở địa phương này, những người chủ động phân loại rác như ông lại không nhiều. Theo hướng dẫn, hộ gia đình nào có vườn nhà thì sẽ tận dụng đào hố ủ phân hữu cơ. Thế nhưng trên thực tế, đã có vườn thì lại không cần phải phân loại rác.
Còn những hộ gia đình không còn vườn thì chẳng ai muốn ủ phân vì sợ mùi hôi. Nếu được vận động nhiều quá thì mấy hộ tìm một bãi đất gần nhà để đổ chung. Khi nào thấy nhiều rác thì họ mới nghĩ tới cách xử lý.
Việc vận động phân loại rác do Hội Phụ nữ đảm trách. Dù có nhiều nỗ lực nhưng sau 2 năm, Chi hội phụ nữ xã mới vận động được 217 hội viên nòng cốt tham gia. Con số này chưa được 1/6 số hội viên.
Rác được phân loại xong nhưng lại được thu gom chung khiến nỗ lực vận động phân loại rác tại nguồn của nhiều đoàn thể thành lãng phí. Nhiều người dân chỉ phân loại rác một thời gian ngắn, rồi lại thôi.
Theo số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên cả nước là 60.000 tấn/ngày; trong đó khu vực đô thị chiếm 60%. Chỉ riêng 2 thành phố lớn Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi ngày có từ 7.000-9.000 tấn chất thải sinh hoạt. Những con số này cho thấy áp lực về rác thải đang rất lớn. Tại đô thị không có không gian rộng, thuận lợi như ở khu vực nông thôn, thói quen sinh hoạt lại quá bận rộn và dùng nhiều đồ tiện lợi, việc phân loại rác ở nhiều đô thị dường như còn khó triển khai hơn.
Khó khăn phân loại rác ở đô thị
Tại chợ phường 7, TP Phú Yên, rác sau khi được các tiểu thương phân loại tại chỗ, công nhân vệ sinh môi trường sẽ thu gom. Và mỗi ngày, đều đặn có xe thu gom rác hữu cơ đến tiếp nhận để đưa về bãi rác ủ phân hữu cơ. Đồng bộ từ khâu phân loại đến thu gom đã giúp nhiều người dân nhận ra lợi ích của phân loại rác.
Thế nhưng theo đánh giá của Hội liên hiệp phụ nữ phường 7, sau hơn 1 năm triển khai, tỷ lệ hộ thực hiện phân loại rác chỉ đạt khoảng một nửa số hộ đăng ký tham gia lúc đầu.
Như vậy, có thể thấy, vấn đề khó nhất hiện nay là làm sao người dân biến nhận thức thành hành động. Muốn làm được điều này, công tác truyền thông, vận động, khuyến khích các cộng đồng dân cư phải được thực hiện liên tục, bên cạnh đó chính quyền các địa phương cần giám sát, đôn đốc sát sao để từ đó hình thành nên thói quen mới cho các cộng đồng dân cư.
Từ năm 2020, đến nay, tỉnh Phú Yên hình thành 03 mô hình: Mô hình phân loại, ủ rác hữu cơ thành phân compost tại nguồn tại hộ gia đình, cơ quan, trường học; Mô hình phân loại, ủ rác hữu cơ thành phân compost theo cụm tập trung quy mô nhỏ dưới 50 hộ mỗi cụm và Mô hình Lực lượng tự quản môi trường tái chế vỏ trái cây thành nước tẩy rửa sinh học. Số lượng người tham gia phân loại rác theo các mô hình vẫn chỉ chiếm số ít trong cả bức tranh lớn của đô thị ở Phú Yên.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!