Làm sao để tăng tính răn đe trong việc xử phạt các vi phạm cũng như có giải pháp đảm bảo an toàn và tránh lãng phí tài sản bị tạm giữ?
Gần 1 nghìn xe máy là phương tiện vi phạm bị tịch thu sung công quỹ tại huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh đã được bán đấu giá thành công với mức giá gần 1.200 tỷ đồng. Tính ra, giá thanh lý trung bình là hơn 1,2 triệu đồng/xe. Số tiền này đã là cao hơn gấp đôi so với mức khởi điểm 500 nghìn đồng/ xe.
Nếu tính một chiếc xe máy có trọng lượng trung bình 90-100kg, giá 500.000 đồng/xe, thì bình quân chỉ 5.000 đồng/kg. Nghĩa là chỉ bằng 1/3 đến 1/4 so với giá thu mua phế liệu sắt vụn (giá dao động 16.000-25.000 đồng/kg). Như vậy, giá trị 1 chiếc xe tạm giữ đấu giá còn thua sắt vụn.
Xe vi phạm bị tạm giữ nằm phơi mưa, phơi nắng, rồi được thanh lý rẻ như sắt vụn.
So sánh như vậy để thấy một sự lãng phí rất lớn như thế nào đối với hàng chục nghìn xe vi phạm ở các bãi tạm giữ từ ngày này qua ngày khác. Vậy câu hỏi đặt ra: Từ đâu dẫn đến sự lãng phí này? Liệu việc tạm giữ xe này có hiệu quả và đủ sức răn đe?
Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, có 3 trường hợp sau: Một là để xác minh tình tiết mà nếu không tạm giữ thì không có căn cứ ra quyết định xử phạt. Hai là để ngăn chặn hành vi gây nguy hiểm cho xã hội. Ba là để đảm bảo người vi phạm phải nộp phạt vi phạm hành chính. Việc tạm giữ xe theo đúng quy định sẽ góp phần đảm bảo an toàn, răn đe người tham gia giao thông nhưng lại phát sinh nhiều khó khăn trong việc quản lý, xử lý xe vi phạm.
Theo các luật sư, tình trạng xe tạm giữ, tịch thu chất đầy kho bãi có nhiều nguyên nhân. Trong đó Nghị định 100 (xử phạt vi phạm giao thông) và Nghị định 123 sửa đổi bổ sung Nghị định 100 mở rộng, quá nhiều trường hợp tạm giữ xe so với quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính. Cụ thể, hiện nay với xe máy có 15 lỗi vi phạm sẽ bị tạm giữ xe, với xe ô tô là 12 lỗi.
Trong khi đó, quy trình thủ tục bán phát mãi, thủ tục xác định chủ phương tiện quá dài, mất khoảng 2 - 3 năm.
Vậy ở nước ngoài, việc xử phạt người vi phạm giao thông như thế nào? Có biện pháp nào để người bị phạt tự nguyện thực hiện nghĩa vụ của mình mà không cần giữ phương tiện?
Phóng viên thường trú Đài THVN cho biết: Theo quy định của bang California, Mỹ, khi người tham gia giao thông vi phạm luật, thông thường cảnh sát sẽ chỉ có quyền dừng xe để ghi phiếu phạt, trừ trường hợp có sử dụng chất kích thích sẽ chỉ bị tạm giữ người cho tới khi hoàn toàn bình thường trở lại.
Trong vòng 90 ngày, người vi phạm có trách nhiệm thanh toán tiền phạt cho Tòa án quận hạt nơi xảy ra vi phạm. Để quá thời hạn, người vi phạm sẽ phải chịu thêm khoản phí nộp phạt muộn, thường là từ 100 đến 300 Đô la Mỹ.
Nếu người vi phạm tiếp tục không trả các khoản nợ tiền phạt, tòa sẽ ra án lệnh và chuyển khoản nợ sang công ty đòi nợ. Công ty này có quyền thực hiện các biện pháp theo luật định để thu hồi nợ, bao gồm cả việc yêu cầu ngân hàng nơi người vi phạm có tài khoản hoặc công ty nơi người vi phạm đang làm việc trích tiền gửi hoặc lương để trả nợ.
Việc tồn tại một khoản nợ tiền phạt sẽ khiến người vi phạm không thể cấp đổi bằng lái xe và đăng ký lại phương tiện giao thông (thường mỗi năm 1 lần), bị tăng phí bảo hiểm, không đủ điểm tín dụng để mua, thuê xe hoặc nhà ở, thậm chí là cả xin việc. Tình trạng này sẽ tồn tại cho tới khi người vi phạm thanh toán hết các khoản nợ đó.
Chính vì vậy mà phần lớn những người vi phạm giao thông tại Mỹ nói chung và bang California này nói riêng đều tự giác nộp phạt, khiến cơ quan chức năng không phải thu giữ phương tiện, vốn làm gia tăng chi phí xã hội, như mặt bằng, nhân sự trông giữ và bảo quản phương tiện vi phạm.
Trở lại với thực tế tại Việt Nam, hiện nay, trước việc không đủ chỗ giữ xe, bãi xe này vừa hết chỗ lại phải mở thêm một điểm khác, nhưng chẳng mấy chốc, nó lại bị lấp đầy. Nằm chất đống, hư hỏng và dần mục nát... những chiếc xe chờ mãi không thấy chủ đến, đành phơi nắng phơi mưa cho đến khi thành sắt vụn. Việc người vi phạm đáng lẽ bị xử phạt.. thì những phương tiện này lại thành vật thế thân. Cần có cơ chế xử phạt để nâng cao tính răn đe cũng như sớm tháo gỡ xử lý các xe bị tạm giữ lâu ngày, để tránh những quyết định tạm giữ phương tiện vi phạm lại trở thành gánh nặng, dù mục đích là răn đe các vi phạm và đảm bảo an toàn cho người đi đường.
Cùng trao đổi về thực trạng này với Luật sư Nguyễn Danh Huế, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!