"Xã hội hóa y tế thường tập trung lĩnh vực tăng chi trả của người bệnh"

Tạ Hiển-Thứ tư, ngày 04/11/2020 16:32 GMT+7

VTV.vn - Bên cạnh các kết quả tích cực, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn đã chỉ ra nhiều mặt trái phát sinh từ chính sách xã hội hóa y tế.

Xã hội hóa y tế nhằm chia sẻ chi phí và trách nhiệm giữa Nhà nước và xã hội

Chiều 4/11, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (đoàn ĐBQH Hà Nội) - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai - đã nêu ý kiến xoay quanh vấn đề xã hội hóa y tế.

Ông Tuấn cho biết, Việt Nam đã đạt được những thành kết quả rõ rệt về sức khỏe, đặc biệt là nâng cao tuổi thọ của người dân. Tuy nhiên, những thay đổi về nhân khẩu học, dịch tễ học và xã hội đặt ra những thách thức, đổi mới đối với ngành y tế. Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới với nhóm dân số từ 65 tuổi trở lên dự kiến sẽ tăng 2,5 lần vào năm 2050.

Do đó, nhu cầu về nguồn lực để sàng lọc, điều trị ung thư và bệnh tim mạch cùng với các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, tiểu đường cũng tăng lên. Ngoài gánh nặng bệnh tật đang thay đổi, Việt Nam cũng phải đáp ứng nhu cầu của tầng lớp trung lưu đang tăng lên, có đòi hỏi cao hơn về chất lượng và hàm lượng công nghệ trong các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Chính phủ đã xem nguồn lực tư nhân là rất quan trọng để bù đắp sự thiếu hụt về vốn, trong đó Bộ Y tế và các bệnh viện có trách nhiệm huy động nguồn vốn từ khu vực tư nhân.

"Đây là một chính sách lớn nằm trong chương trình cải cách vĩ mô tổng thể về y tế từ đầu những năm 90 nhằm khuyến khích huy động mọi nguồn lực xã hội cho các dịch vụ quan trọng. Về lý thuyết, chủ trương xã hội hóa nhằm chia sẻ chi phí và trách nhiệm giữa Nhà nước và xã hội cho việc cung cấp và chi trả dịch vụ" - đại biểu Nguyễn Quang Tuấn nói.

Xã hội hóa y tế thường tập trung lĩnh vực tăng chi trả của người bệnh - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn phát biểu. (Ảnh: TTXVN)

Khung chính sách xã hội hóa y tế bao gồm hai biện pháp chính nhằm tăng cường vai trò của khu vực tư nhân trong cung ứng dịch vụ y tế. Thứ nhất là phát triển các nhà cung ứng dịch vụ y tế tư nhân. Thứ hai, nâng cao mức độ tự chủ về tài chính của các tổ chức sự nghiệp y tế công lập.

Chính sách xã hội hóa y tế đã mang lại nhiều kết quả tích cực, làm thay đổi sâu sắc và toàn diện hệ thống chăm sóc sức khỏe Việt Nam. Nhiều kỹ thuật mới, hiện đại được áp dụng giúp nâng cao chất lượng chuyên môn, đưa trình độ y tế Việt Nam ngang tầm các nước trong khu vực. Nhiều bệnh lý phức tạp đã được điều trị tại Việt Nam với chi phí thấp hơn nhiều lần khi điều trị tại nước ngoài.

Nguy cơ lạm dụng các thiết bị chẩn đoán công nghệ cao chi phí lớn

Tuy nhiên, chính sách xã hội hóa y tế có phát sinh những mặt trái còn hạn chế. Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đã chỉ ra như sau:

Thứ nhất, các hoạt động xã hội hóa thường tập trung vào các lĩnh vực có khả năng mang lại nhiều doanh thu dẫn đến tăng chi trả tiền túi của người bệnh.

Thứ hai, các dự án xã hội hóa thường tập trung vào các dự án có quy mô nhỏ với thời gian hoàn vốn ngắn thay vì các dự án quy mô lớn đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài.

Thứ ba, vấn đề gây tranh cãi nhất hiện nay liên quan đến xã hội hóa y tế là việc tăng cường lắp đặt các thiết bị chẩn đoán công nghệ cao, mở rộng các dịch vụ theo yêu cầu.

Ông Tuấn cho biết thêm: "Nhiều liên doanh đầu tư các thiết bị chẩn đoán hình ảnh, thiết bị xét nghiệm dấy lên quan ngại về việc chỉ định quá mức xét nghiệm và lạm dụng các thiết bị chẩn đoán công nghệ cao chi phí lớn.Một số dịch vụ chăm sóc không phù hợp trên góc độ y khoa nhưng được cung cấp theo yêu cầu của người bệnh như là bằng chứng của chất lượng cao".

Xã hội hóa y tế thường tập trung lĩnh vực tăng chi trả của người bệnh - Ảnh 2.

Sau vụ việc tại BV Bạch Mai, Bộ Y tế đã có Chỉ thị gửi đến các Sở Y tế, đơn vị quản lý y tế bộ, ngành yêu cầu rà soát các thiết bị đã đưa vào liên doanh, liên kết...

Thứ tư, việc quản lý chưa hiệu quả các đề án liên doanh tạo ra một số các thách thức như các nhà đầu tư không cần phải nộp hồ sơ dự thầu cho các dự án đầu tư liên doanh. Điều này dấy nên quan ngại về tính minh bạch trong quá trình lựa chọn đối tác tư nhân, tính cạnh tranh trong đấu thầu tài sản và tính hiệu quả khi thẩm định kế hoạch tài chính.

"Có cơ sở để cho rằng điều này sẽ làm lạm dụng chỉ định các dịch vụ kỹ thuật. Chính vì vậy, Bộ Y tế đã nhiều lần phải điều chỉnh chính sách liên doanh, đầu tư thiết bị và các dịch vụ theo yêu cầu trong hệ thống công lập" - đại biểu Tuấn nhấn mạnh.

Để giảm thiểu mặt còn hạn chế của chính sách xã hội hóa y tế, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đề xuất 6 kiến nghị:

Thứ nhất, Chính phủ cần xây dựng các quy định và hướng dẫn liên quan đến các hình thức hợp tác công tư trong lĩnh vực y tế.

Thứ hai, xây dựng và tổ chức các khóa đào tạo cho cán bộ quản lý dự án hợp tác công tư cho ngành y tế. Đồng thời thúc đẩy và phổ biến các thực hành tốt về quản lý các dự án hợp tác công tư.

Thứ ba, xây dựng các danh mục các lĩnh vực hợp được phép hợp tác công tư.

Thứ tư, các cơ quan quản lý tham gia thẩm định,lựa chọn nhà đầu tư và đàm phán hợp đồng hợp tác công tư thuộc lĩnh vực mà mình quản lý.

Thứ năm, kiểm tra, giám sát và đánh giá hiệu quả các dự án hợp tác công tư trong lĩnh vực y tế.

Thứ sáu, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về các dự án hợp tác công tư nhằm công khai minh bạch các dự án xã hội hóa để các cơ quan chức năng và người dân tiện theo dõi, giám sát.

Trục lợi từ xã hội hóa y tế: Thầy thuốc, lòng tham và những robot vô cảm Trục lợi từ xã hội hóa y tế: Thầy thuốc, lòng tham và những robot vô cảm

VTV.vn - Tờ Nông thôn ngày nay bình luận, những kẽ hở và lòng tham đã biến những thầy thuốc thành những "con robot" vô cảm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước