Xả nhiều rác, trả nhiều tiền: Khó cũng phải làm

Hồng Anh, Hồ Trí-Thứ hai, ngày 23/11/2020 12:25 GMT+7

VTV.vn - Khi những vấn đề nhức nhối liên quan đến rác sinh hoạt chưa thể giải quyết, những xung đột cứ thế diễn ra. Vì vậy những chính sách kiên quyết là vô cùng cần thiết.

Thu gom rác còn hạn chế

Có một sự thật không mấy dễ chịu là chỉ có 85,5% rác ở đô thị và 45,5% rác ở nông thôn được thu gom. Điều này đồng nghĩa với việc chúng ta đang sống với hàng triệu tấn rác không được xử lý mỗi năm. Do vậy, điểm đến tất yếu của chúng có thể là bất cứ đâu, trên những dòng sông, ở những cánh rừng, giữa những con phố hay thậm chí rác có thể ở ngay trước cửa nhà bạn - những nơi nó không thuộc về.

Muôn kiểu xả rác

Rác là thứ bỏ đi nên mấy ai muốn nó thuộc về mình. Không muốn mất vệ sinh thì mang hẳn sang cửa nhà người khác "gửi nhờ". Ngán ngẩm cảnh sân nhà thành bãi rác, nhiều hộ còn treo biển một cách khẩn thiết nhưng xem chừng không mấy hiệu quả. Bất lực, nhiều hộ gia đình còn lắp hẳn camera để theo dõi và cuối cùng một vài chân tướng cũng lộ diện.

Đến giờ cố định đổ rác của 1 ngày, số người ra đổ không là bao, để rồi xe rác đã đi thì lũ lượt kéo nhau ra vứt. Tiện tay, tiện chỗ, bất kể đó là giờ nào.

Sáng vứt, tối đổ, có người mang đủ loại rác, tập hợp thành xe vứt hẳn nơi công cộng. Họ có được sự tự tin đấy bởi ý thức được điểm vứt rác không phải là nhà mình!

Xả nhiều rác, trả nhiều tiền: Khó cũng phải làm - Ảnh 1.

Xả rác bất chấp giờ thu gom.

Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi): Tính phí rác theo khối lượng

Hiện nay, việc thu phí thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt được chia đều theo bình quân đầu người và hộ gia đình, mang tính chất cào bằng.

Để giải quyết bất cập này, luật sửa đổi quy định thu phí theo khối lượng, thể tích rác thải ra theo nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền, thải ra nhiều phải chịu nhiều tiền hơn.

Hộ gia đình, cá nhân có phát sinh chất thải rắn sinh hoạt phải thực hiện phân loại chất thải theo quy định, đồng thời có trách nhiệm chi trả một phần kinh phí, phần còn lại được Ngân sách Nhà nước hỗ trợ.

Đặc biệt, các loại chất thải rắn có khả năng tái chế, nếu được phân loại đúng quy định sẽ được miễn nộp phí thu gom, vận chuyển và xử lý.

Tính phí rác theo khối lượng: Liệu có khả thi?

Trước một hình thức thu phí rác chưa từng được áp dụng ở Việt Nam là thu theo khối lượng như trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), nhiều người dân cũng đã bày tỏ băn khoăn và cả nghi ngờ về tính khả thi của luật mới này, trong đó, điều được dư luận quan tâm nhất có lẽ là làm thế nào để tính được khối lượng rác phát sinh. Liệu mỗi lần đổ rác sẽ đều phải có 1 chiếc cân giống như đi chợ hàng ngày?

Tính phí theo cách nào?

Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế thuộc Bộ Tài Nguyên - Môi trường, đơn vị trực tiếp soạn thảo và xây dựng luật môi trường bổ sung đã giải đáp tất cả những băn khoăn, lo lắng của người dân về vấn đề này.

Luật quy định hiện nay là có 3 loại rác thải từ hộ gia đình gồm:

- Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế

- Chất thải thực phẩm

- Chất thải rắn sinh hoạt khác (rác không tái chế được).

Khi phân loại 3 loại rác này, phần rác tái chế được sẽ miễn phí.

Ông Phan Tuấn Hùng cũng cho biết sẽ không có chuyện cân từng túi rác. Người dân sẽ mua túi đựng rác thay cho trả tiền vệ sinh môi trường hàng tháng hiện nay. Các địa phương sẽ phát hành túi đựng rác thải. Chi phí để mua các túi này sẽ tương đương với chi phí thu gom vận chuyển, xử lý đối với từng khối lượng trong túi này. Tiền mua túi này đã được ứng trước trong giá túi và người dân sẽ không phải trả tiền vệ sinh môi trường như hiện nay.

Mức phí ban đầu sẽ bằng mức người dân đang chi trả hiện nay cho phí vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, phí này sẽ nâng lên theo lộ trình và có sự khác nhau giữa đô thị và nông thôn.

Quy định về thu phí dựa theo khối lượng sẽ do các địa phương quyết định. Cao hay thấp sẽ phụ thuộc vào kinh tế xã hội và khả năng chi trả của địa phương. Các địa phương sẽ tính toán lộ trình. Chậm nhất là trước ngày 31/12/2024 và có thể áp dụng ở thành phố trước

Theo ông Hùng, kinh nghiệm của các nước trên thế giới là khi triển khai chính sách sẽ có tình trạng như đổ rác không đúng quy định để tránh trả tiền, cộng đồng dân cư sẽ tự giám sát. Đơn vị thu gom sẽ từ chối không thu gom những túi rác như vậy.

Vậy là rất nhiều thông tin đã được làm rõ. Người dân sẽ phân loại rác theo các loại bao bì đựng rác với màu sắc, thể tích khác nhau. Phí thu gom, xử lý rác sẽ được tính toán thông qua giá bán các bao bì này. Mẫu túi sẽ được sản xuất theo khối lượng tuỳ thuộc vào từng địa phương và được in trên vỏ túi. Nguyên tắc là đảm bảo khối lượng rác tối đa cho vào không thể vượt quá khối lượng in trên túi và người dân đi đổ rác không cần phải cân rác.

Và đương nhiên, nếu không muốn mất nhiều tiền để mua nhiều túi rác, mọi người sẽ phải học cách hạn chế tối đa số rác mình bỏ ra, thậm chí còn phải đợi đến khi bao rác được lấp đầy mới đem vứt. Lúc đó, lượng rác thải ra môi trường chắc chắn sẽ được giảm thiểu. Tuy nhiên, việc cải thiện môi trường sống chỉ dựa vào mỗi ý thức của người dân có thể khó bởi 1 bàn tay, không thể vỗ thành tiếng.

Cần nâng cao năng lực đơn vị thu gom rác

Xả nhiều rác, trả nhiều tiền: Khó cũng phải làm - Ảnh 2.

Rác phân hủy được, rác không phân hủy, 2 thùng phân định rõ ràng, tuy nhiên, chỉ có duy nhất 1 xe rác đi thu gom. Hệ quả là tất cả lại hòa làm một.

Nhân lực thiếu cộng thêm khâu quản lý yếu dẫn đến việc thu gom rác không đạt được hiệu quả. Điều đó không chỉ không thực hiện được việc phân loại rác mà sự ùn ứ cũng thường xuyên diễn ra.

Công nhân thu gom rác bãi công vì công ty vệ sinh môi trường (Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ cao Minh Quân) chậm trả lương nhiều tháng liền hệ quả là rác ngập ngụa khắp nơi. Tuy nhiên, người quản lý của công ty thì xem như không có chuyện gì xảy ra và lý giải rác ùn ứ là do dân không ngừng vứt rác chứ không phải do năng lực của công ty mình. Tuy nhiên, chuyện năng lực yếu kém thế nào thì vài năm qua đã rõ.

Ông Hoàng Xuân Sáng, Chủ tịch UBND phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội cho biết năng lực của đơn vị thu gom rác quá hạn chế. Việc thu gom rác không hết trong ngày, không thu đúng thời gian quy định nên gây rất nhiều bức xúc cho nhân dân. Đến hết 31/12/2020, công ty này sẽ hết thời gian thầu.

Vậy là đến cuối năm 2020, khu dân cư này mới mong thoát được cảnh sống chung với rác, vì vậy, nhiều hộ dân vẫn không cam tâm khi hiện tại vẫn chi tiền cho dịch vụ thu gom rác chứ không phải sử dụng một cách miễn phí.

Dịch vụ thu gom kém do mức phí vệ sinh quá bèo bọt?

Xả nhiều rác, trả nhiều tiền: Khó cũng phải làm - Ảnh 3.

Thi thoảng rác lại ùn ứ trên các tuyến phố vì nhiều lý do.

Sự đồng bộ khi triển khai luật mới là điều cần nhấn mạnh ở đây, bởi phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý rác là một chu trình khép kín. Khi liên tiếp những câu chuyện bất cập về rác xảy ra, nhiều người còn có suy nghĩ, phải chăng do mức giá đang chi trả cho môi trường còn quá bèo bọt? Bởi nhìn vào mức giá thu phí vệ sinh hiện nay, nhiều người sẽ phải giật mình. Như tại Hà Nội, giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt tại Hà Nội được quy định như sau:

- Cá nhân cư trú ở các phường: 6.000 đồng/người/tháng.

- Cá nhân cư trú ở các xã, thị trấn: 3.000 đồng/người/tháng.

Như vậy, cao nhất, người dân Thủ đô chỉ phải trả có 200 đồng/ngày để vứt rác, trong khi tờ tiền này đã gần như không còn xuất hiện để giao dịch trên thị trường, đồng nghĩa chúng ta không thể làm được gì hay mua được gì với nó. Vậy mà đến nay, đây lại là mức phí để 1 người xả rác mỗi ngày.

Ngoài ra, một thông tin mà nhiều người có thể chưa biết là từ năm 2015, việc phân loại rác thải từ nguồn đã được đưa vào luật. Mặc dù đã 15 năm trôi qua, nhưng đến nay, ít ai biết và gần như không ai làm theo quy định đó trong khi việc phân loại và xử lý rác thải tại nguồn chỉ có mặt phải, chưa từng có mặt trái.

Phân loại và xử lý rác thải tại nguồn: Chỉ có lợi và lợi

Xả nhiều rác, trả nhiều tiền: Khó cũng phải làm - Ảnh 4.

Nâng cao ý thức phân loại rác là một cách góp phần bảo vệ môi trường sống.

Những chiếc bao bì đựng rác đang được sử dụng tại Hàn Quốc đã được ông ông Kim In Hwan, nguyên thứ trưởng Bộ Môi trường Hàn Quốc mang đến đây. Sau khi về hưu, ông hiện đang là chuyên gia chính sách môi trường của Vụ pháp chế Bộ TN-MT Việt Nam.

Tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng vì rác thải quá tải đã từng diễn ra ở Hàn Quốc. Do vậy, chính sách thu phí rác dựa trên khối lượng đã được chính phủ nước này áp dụng từ năm 1995.

Theo ông Kim, chỉ riêng việc giảm thiểu chôn lấp rác và tăng tỷ lệ tái chế trong vòng hơn 20 năm qua đã giúp chính phủ Hàn Quốc tiết kiệm được một số tiền tương đương tới 420.000 tỷ đồng ngân sách Nhà nước.

Chỉ sau 1 năm kể từ khi áp dụng việc thu phí rác theo khối lượng, chất thải sinh hoạt từ hộ gia đình ở Hàn Quốc đã giảm 16%. Tỷ lệ tái chế cũng tăng lên 20% và đến hiện tại đã tăng tới 60%. Hiệu quả của chính sách này sẽ phục vụ cho chính người dân nên người dân sẽ tích cực tham gia hoạt động này.

Không cần phải hình dung về tính hiệu quả ở đâu xa, khi ngay tại Việt Nam, chúng ta cũng có thể thấy rõ lợi ích của việc phân loại và xử lý rác tại nguồn như thế nào.

Nhiều năm nay, trong căn bếp của chị Vũ Thị Thanh Giáng, Xã Hải Lý, Hải Hậu, Nam Định lúc nào cũng có 2 thùng rác. Rác vô cơ ngay sau đó sẽ được đổ vào thùng để ủ làm phân bón. Các loại rác khác sẽ có cách xử lý riêng.

Từ việc ngày nào cũng có vài túi rác, hiện nay, 4-5 hôm, chị Giáng mới phải đi vứt rác một lần. Những bao rác được buộc gọn gàng và nhẹ tênh, chỉ đợi người thu gom đến để xử lý.

Những lợi ích thu về thiết thực hay vô nghĩa, cụ thể hay mơ hồ, xứng đáng hay không, ai cũng có thể thấy. Tuy nhiên, đừng nghĩ những điều tươi đẹp này tự đến và đừng chỉ nghe mà chẳng làm gì vì môi trường sống thế nào là tùy vào hành động của chính chúng ta.

Vị giám đốc hơn 8 năm miệt mài nhặt rác ở bán đảo Sơn Trà Vị giám đốc hơn 8 năm miệt mài nhặt rác ở bán đảo Sơn Trà Hà Nội:  Các quận, huyện sẽ lựa chọn  nhà thầu thu gom rác Hà Nội: Các quận, huyện sẽ lựa chọn nhà thầu thu gom rác Phí rác sinh hoạt tính theo khối lượng: Đồng tình nhưng tính… 'đau đầu' Phí rác sinh hoạt tính theo khối lượng: Đồng tình nhưng tính… "đau đầu"

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước