Sống bên những "dòng sông chết"

Anh Tuấn, Phùng Định-Thứ hai, ngày 15/03/2021 12:14 GMT+7

VTV.vn - Sông Ngũ Huyện Khê ở huyện Tiên Du, Bắc Ninh giờ còn có một tên gọi khác, là con sông chết, theo đúng nghĩa đen của nó.

Ông Ngô Lương Xuân - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Lâm, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh - cho biết: "Nếu chính quyền mà sát sao thì việc xả thải của một số doanh nghiệp sẽ diễn ra lén lút, không công khai". Vậy nhưng, thực tế doanh nghiệp lại đang ra sức chứng minh điều ngược lại khi việc xả thải "bẩn" ra sông giống như chuyện thường ngày - diễn ra ở huyện.

Trên bờ đủ loại đường ống lộ thiên cỡ lớn đang ra sức biến dòng sông thành bãi thải của riêng mình. Còn dưới lòng sông là ma trận những đường ống. Dù được thiết kế ngầm nhưng nước thải ra thì chẳng có cách nào để che giấu.

"Con sông chẳng sử dụng được cái gì cả. Ngày xưa nước trong. Từ ngày có nhà máy thì nước mới bẩn thế này" - một người dân cho hay.

Bể thu gom nước thải của các nhà máy giấy trong Cụm công nghiệp Phú Lâm nhưng chức năng chính của nó cũng chỉ là bể chứa, theo đúng nghĩa.

"Cái phao đầy là nó tự bơm thôi. Nó tự động. Nước đầy là nó tự bơm. Không phải vận hành" - người vận hành bể nước thải của Cụm công nghiệp Phú Lâm nói.

Dù phao bơm đã tự động nhưng để mọi chuyện diễn ra suôn sẻ, Cụm công nghiệp Phú Lâm - thuê người đàn ông này trông coi việc vận hành với mức tiền công 4 triệu đồng/tháng.

Sống bên những dòng sông chết - Ảnh 1.

Nguyên nhân chính làm ô nhiễm nước sông Cầu là do tiếp nhận nước sông Ngũ Huyện Khê. Ảnh: Báo Công an nhân dân điện tử.

Khi việc xả thải bẩn ra sông diễn ra theo một quy trình tự động - thì theo lẽ tự nhiên - dòng sông và môi trường bị hủy hoại cũng mặc định trở thành một điều tất yếu.

Với tổng chiều dài 24km, sông Ngũ Huyện Khê - là một trong những công trình nằm trong hệ thống thủy nông Bắc Đuống - có vai trò quan trọng trong việc cung cấp nước tưới tiêu, phục vụ sản xuất nông nghiệp cho một vùng rộng lớn - ở các huyện Yên Phong, thị xã Từ Sơn, huyện Tiên Du, và Thành phố Bắc Ninh.

Trước mắt, chặn xả nước từ sông Ngũ Huyện Khê để không ảnh hưởng tới sông Cầu. Tuy nhiên trong nhiều năm qua, để giải quyết dứt điểm vấn đề ô nhiễm tại sông Ngũ Huyện Khê, rất nhiều chỉ đạo, giải pháp của tỉnh Bắc Ninh đã được đưa ra. Nhưng hiệu quả đến nay vẫn là điều phải chờ đợi.

Giải quyết xả thải bẩn: Mới chỉ dừng ở phần ngọn!

Bắt đầu từ năm 2009, sau hơn 10 năm triển khai, đến nay, dự án cải tạo, nâng cấp sông Ngũ Huyện Khê cơ bản được hoàn thành. Gần 700 tỷ đồng đã đổ xuống đây. Nhưng có cứu được dòng sông thoát khỏi ô nhiễm hay không thì lại là một câu chuyện khác.

Không giải quyết triệt để được ô nhiễm thế nên, hệ thống thủy lợi từ chỗ là nạn nhân hứng chịu nước thải lại trở thành nơi phát tán nguồn nước ô nhiễm đi xa, nếu không có giải pháp kịp thời.

Ông Nguyễn Như Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Bắc Đuống - cho biết: "Giảm phát tán bằng cách điều tiết có mức độ. Cơ quan có nhiệm vụ tưới tiêu thì bắt buộc phải tiêu. Khi xả ra sông Cầu bắt buộc phải xin phép. Được phép mới xả chứ. Xả từ từ thôi chứ không xả ồ ạt".

Vậy nhưng, lần xả được cho phép vào hồi tháng 1 năm nay, thứ nước tích tụ đủ loại ô nhiễm - ồ ạt đổ ra sông Cầu, nhuộm màu cho cả khúc sông.

Dù khó có thể tránh khỏi thiệt hại sau mỗi lần xả nhưng một thực tế được chính lãnh đạo công ty khai thác công trình thủy lợi Bắc Đuống thừa nhận, các giải pháp mà đơn vị này đang nỗ lực triển khai, mới chỉ là phần ngọn để tạm thời giảm thiểu ô nhiễm mà thôi.

"Bây giờ ô nhiễm rồi… Có nước đen nước bẩn thì xử lý tạm thời cho giảm thiểu thôi chứ chưa triệt để được" - ông Nguyễn Như Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Bắc Đuống thừa nhận.

Theo Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Bắc Ninh, ở làng nghề Phong Khê và Cụm công nghiệp Phú Lâm, hiện có cả trăm doanh nghiệp và cơ sở tái chế giấy hoạt động. Vậy nhưng, hiện chưa có doanh nghiệp tái chế giấy nào được cấp phép xả nước thải vào con sông này.

Rất nhiều đoàn kiểm tra liên ngành đã được cơ quan môi trường và ngành nông nghiệp triển khai trong vòng nhiều năm trở lại đây. Nhưng chỉ một chuyện lạ là những đường ống xả thải lộ thiên trái phép ra sông thế này - vốn dĩ là thứ hữu hình mà ai cũng nhìn thấy nhưng lại gần như trở thành một vật thể vô hình - tồn tại lâu bền - qua rất nhiều cuộc kiểm tra mà không bị xử lý ???

Để giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm sông Ngũ Huyện Khê, giải pháp xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung để kiểm soát ô nhiễm - đã được địa phương đặt ra. Nhưng tính khả thi thì vẫn là câu chuyện cần phải bàn đến.

Tính khả thi của các trạm xử lý nước thải tập trung?

Theo Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Bắc Ninh, riêng phường Phong Khê, Thành phố Bắc Ninh - hiện có hơn 245 cơ sở sản xuất giấy, tổng lượng nước thải từ các cơ sở nhà máy: lên đến khoảng 10.000m3/ngày đêm. Trong khi nhà máy xử lý nước thải tập trung - được đầu tư 194 tỷ đồng, nhưng sau 3 năm đến nay vẫn trong quá trình chạy thử. Và nếu có hoạt động hết công suất thì mới xử lý được 1/3 lượng nước thải phát sinh.

Còn tại Cụm công nghiệp Phú Lâm, đã có quyết định giao đất triển khai dự án xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung - nhưng sau 5 năm, công trình vẫn chỉ nằm trên giấy. Trong khi lượng nước thải phát sinh hơn 4.000 m3/ngày đêm.

Không thể phủ nhận hiệu quả mà hoạt động công nghiệp tái chế giấy mang lại cho sự phát triển của nền kinh tế, góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho đời sống người dân. Nhưng kiên quyết "không đánh đổi môi trường để lấy tăng trưởng kinh tế", như điều mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng nhấn mạnh, mới là điều phải nghiêm túc suy ngẫm. Bởi nước thải ra từ các doanh nghiệp tái chế giấy không tự mất đi mà tuần hoàn trong môi trường tự nhiên, theo cách như thế này.

Vòng tuần hoàn của nước thải

Sau khi xả ra hệ thống thủy nông Bắc Đuống, qua trạm bơm này, nước thải được đổ trực tiếp vào ruộng của người dân.

Ông Lê Văn Vui (phường Châu Khê, TP Bắc Ninh) cho hay: "Nước có những hôm đen chân còn không dám rửa, phải về nhà rửa chân. Rửa vào chân đen sì chân. Lội xuống là về gãi".

Vậy là nước thải của người này lại là nguồn sinh kế của người kia. Nghịch lý đau xót ấy tồn tại nhiều năm - giờ vẫn đang hiện hữu trên cánh đồng này. Vì nguồn nước thải đen ngòm lại là thứ khởi đầu cho vụ lúa của người dân.

Không chỉ bơm vào kênh mương, ruộng đồng - nước thải giờ còn có một con đường khác để chảy ra sông Cầu khi đi qua cống xả, để rồi hòa vào nước sông…

Hậu quả của vòng tuần hoàn ấy là cá chết và một số nhà máy sản xuất nước sạch dùng để ăn uống - lấy nước từ sông Cầu, có thời điểm đã phải ngừng hoạt động…

Nhiều cơ sở sản xuất vùng ven lén lút xả thải trộm ra môi trường Nhiều cơ sở sản xuất vùng ven lén lút xả thải trộm ra môi trường

VTV.vn - Nhiều cơ sở nhuộm vải tại huyện vùng ven TP.HCM thường xuyên xả nước thải chưa xử lý ra môi trường khiến cho nhiều con kênh, rạch bị ô nhiễm nghiêm trọng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước