Xâm nhập mặn ở ĐBSCL tăng cao trong những ngày tới

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 21/02/2024 08:53 GMT+7

VTV.vn - Khu vực ĐBSCL đang trong giai đoạn cao điểm mùa khô. Thời tiết khô nóng kéo dài kết hợp với triều cường có thể khiến tình trạng xâm nhập mặn tăng cao những ngày tới.

Theo kỳ triều cường rằm tháng Giêng âm lịch, dự báo từ ngày mai (22/2), độ mặn trên các sông bắt đầu tăng dần và duy trì mức cao đến ngày 27/2 tới, trong đó cao điểm sẽ là 24 - 26/2.

Ranh mặn 4 g/l trong đợt này sẽ không vào sâu như đợt Tết Nguyên đán vừa qua. Cụ thể, trên sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây phạm vi xâm nhập mặn 50 - 62 km; trên hệ thống sông Cửu Long từ 30 - 48 km; sông Cái Lớn từ 30 - 40 km.

Các địa phương cần tranh thủ lấy nước ngọt trong hôm nay (21/1) khi mặn chưa cao. Việc chủ động tích trữ nước ngọt là rất cần thiết khi dự báo cao điểm xâm nhập mặn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ còn kéo dài sang tháng 3 và mặn năm nay được đánh giá cao hơn mọi năm.

Xâm nhập mặn ở ĐBSCL tăng cao trong những ngày tới - Ảnh 1.

Dự báo cao điểm xâm nhập mặn ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long sẽ còn kéo dài sang tháng 3. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)

Xâm nhập mặn đến sớm ở ĐBSCL

Thiếu nước, xâm nhập mặn đang là vấn đề đáng quan tâm hiện nay tại ĐBSCL. Dự báo hạn mặn năm nay đến sớm và khá khắc nghiệt.

Đánh giá về mùa hạn mặn năm nay ở ĐBSCL, ông Phùng Tiến Dũng, Trưởng phòng Dự báo Thủy văn, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết, nguồn nước về ĐBSCL phụ thuộc chủ yếu từ thượng nguồn sông Mê Kông. Trong năm 2023, lũ trên sông Mê Kông và đầu nguồn sông Cửu Long ở mức thấp, dưới báo động 1. Do đó tổng lượng dòng chảy đầu mùa khô năm 2023 - 2024 ở mức thấp hơn 6 - 10% so với trung bình nhiều năm.

Vì vậy, xâm nhập mặn ở ĐBSCL đã đến sớm hơn trung bình nhiều năm và ranh mặn ở mức cao hơn cùng kỳ năm 2022 - 2023. Tuy nhiên, nếu so sánh với các năm hạn mặn lịch sử 2015 - 2016 và 2019 - 2020, xâm nhập mặn năm nay sẽ không khắc nghiệt bằng.

Cao điểm xâm nhập mặn vào tháng 3, tháng 4

Ông Dũng cho biết thêm, từ nay đến cuối mùa hạn mặn, tổng lượng mưa trên lưu vực sông Mê Kông và ĐBSCL ở mức thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 10 - 30%, tổng lượng dòng chảy về đồng bằng thiếu hụt từ 5 - 12% so với trung bình nhiều năm, do đó ĐBSCL chịu ảnh hưởng của 4 - 5 đợt xâm nhập mặn tăng cao vào thời kỳ từ 22 - 27/2, 7 - 12/3, 22 - 27/3, 7 - 12/4 và 21 - 26/4.

Ranh mặn tại các cửa sông ở mức cao hơn trung bình nhiều năm. Cụ thể, trên các sông Vàm Cỏ ranh mặn 4 g/l vào sâu từ 80 - 95 km, cửa sông Cửu Long từ 45 - 65 km, sông Cái Lớn từ 40 - 50 km.

Để giảm thiểu thiệt hại, ông Dũng khuyến cáo người dân, các đơn vị, địa phương cần liên tục cập nhật thông tin dự báo, cảnh báo về xâm nhập mặn trên các phương tiện thông tin đại chúng.

"Chúng tôi đưa ra các bản tin dự báo với tần suất 10 ngày/bản tin vào các ngày 10, 20 và ngày cuối tháng, đối với các Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh có những bản tin chuyên đề phục vụ UBND tỉnh, phòng chống thiên tai tỉnh để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành", ông Dũng thông tin.

Các địa phương chủ động triển khai đắp đập tạm, nạo vét kênh mương, tổ chức bơm chuyền, lắp đặt các điểm cấp nước công cộng tại các khu vực thiếu nước sinh hoạt; tổ chức vận hành hợp lý các hệ thống công trình thủy lợi tranh thủ lấy, trữ nước ngọt khi triều thấp để phục nông nghiệp và dân sinh; đồng thời cần sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước, triệt để chống thất thoát, lãng phí nước.

Vận hành cống Cái Lớn, Cái Bé kiểm soát xâm nhập mặn Vận hành cống Cái Lớn, Cái Bé kiểm soát xâm nhập mặn

VTV.vn - Độ mặn bất ngờ tăng cao và xâm nhập sâu vào nội đồng. Trước những diễn biến bất thường này, các công trình thủy lợi tại ĐBSCL phải vận hành sớm hơn mọi năm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước