Tại tỉnh Khánh Hòa, công tác này ngày càng được thực hiện chính xác nhờ đầu tư thêm nhiều công cụ hỗ trợ, gắn với chuyển đổi số trong ứng phó thiên tai.
Làng nằm bên bên sông Cái Nha Trang, những người như ông Đông, cứ đến tháng này lại phập phồng lo âu. Những năm trước, nhiều lần nước lụt tràn vào nhà.
Ông Đông cũng như những gia đình ven các con sông ở tỉnh Khánh Hòa tìm mọi cách thích ứng với ngập lụt. Thế nhưng, nỗi lo chung của nhiều người là làm sao sớm được cảnh báo để kịp di dời.
Đoạn sông phía trước khu dân cư ông Đông sinh sống, giờ đã được lắp đặt camera quan sát. Từ đây, hình ảnh mực nước sông liên tục được truyền về Văn phòng thường trực của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai- Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hòa.
Đến lúc này, hàng chục vị trí xung yếu về ngập lụt tại các địa phương ở tỉnh Khánh Hòa đã được lắp đặt camera. Từ hình ảnh trực quan cùng với số liệu đo đạc tại các trạm quan trắc, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn kịp thời nhận diện tình hình mưa lũ để sớm đưa ra phương án ứng phó.
Trong bản đồ ngập lụt vùng hạ lưu các hồ chứa nước mà năm 2022, Sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa đã xây dựng, tương ứng lượng mưa cũng như mức độ xả lũ, sẽ có bao nhiêu khu dân cư bị ngập? Bao nhiêu hộ dân cần di dời? Câu trả lời được tìm thấy ngay trên bản đồ ngập lụt.
Ở tỉnh Khánh Hòa, hệ thống cảnh báo sớm ngập lụt gần đây được hoàn thiện hơn khi bổ sung những công cụ được đầu tư gắn với công nghệ số. Đây cũng là hướng đi trong thời gian tới nhằm ứng phó thiên tai kịp thời và hữu hiệu. Bởi trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, theo khảo sát gần đây, có không dưới 200 vị trí xung yếu về ngập lụt, sạt lở.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!