Ngày 23/3 hàng năm được chọn làm ngày Khí tượng thế giới. Chủ đề của năm nay là "Cảnh báo sớm và Hành động sớm. Thông tin Khí tượng Thủy văn và Khí hậu để giảm nhẹ rủi ro thiên tai".
Liên hợp quốc cảnh báo, gần một nửa dân số thế giới ở trong vùng nguy hiểm và dễ bị tổn thương trước những tác động ngày càng tăng của biến đổi khí hậu. Hơn 1 tỷ người ở các vùng ven biển đối mặt với nguy cơ ngập lụt vào giữa thế kỷ này. Đặc biệt, Việt Nam nằm ở trung khu vực ASEAN - nơi mà mức tăng trưởng GDP có nguy cơ giảm hơn 35% do tình trạng biến đổi khí hậu và các thảm họa thiên nhiên.
Trong khi đó, Chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu của khu vực Đông Nam Á hiện vẫn chỉ dừng lại ở giai đoạn đầu. Một hệ thống cảnh báo sớm đầy đủ và hoàn thiện sẽ giúp tăng cường khả năng chống chịu ở các quốc gia và cộng đồng dễ bị tổn thương nhất, trong đó có Việt Nam.
Cảnh báo sớm để bảo vệ sinh mạng và sinh kế
Hệ thống cảnh báo sớm đã giúp giảm đáng kể tỷ lệ tử vong liên quan đến thiên tai trên toàn thế giới. Từ hơn 50.000 ca vào những năm 1970 xuống còn 20.000 ca vào những năm 2010. Chừng đó vẫn là quá nhiều mất mát.
Ông Petteri Taalas - Tổng thư ký Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho hay: "Chỉ mới có một nửa trên tổng số 193 thành viên của WMO có hệ thống cảnh báo sớm đa thiên tai. Đồng thời, khả năng "dự báo dựa trên tác động" của phần lớn các Thành viên WMO cần được cải thiện và tăng cường".
Hệ thống cảnh báo sớm đa thiên tai gồm 4 yếu tố. Đó là: Hiểu biết ,nhận thức của con người về những hiểm họa họ phải đối phó, Dịch vụ cảnh báo và giám sát kỹ thuật, Phổ biến những cảnh báo cho người sống trong vùng có nguy cơ bị hiểm họa và Khả năng ứng phó của cộng đồng sống trong vùng nguy cơ hiểm họa.
Sự hạn chế của bất kỳ yếu tố nào cũng có thể làm giảm hiệu quả của hệ thống. Ở Việt Nam, dù hệ thống cảnh báo sớm đa thiên tai đã có nhưng vẫn cần được cải thiện.
Trong khi đó, ông Vũ Xuân Thành - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai nhấn mạnh: "Tới đây, chúng ta cũng sẽ triển khai, xây dựng mô hình liên thông được, tích hợp được với chuỗi dữ liệu các bộ ngành và kể cả của Chính phủ, đặc biệt là ứng dụng trí tuệ nhân tạo, từ dữ liệu khổng lồ có thể tự động phân tích để đưa ra các khuyến cáo, chỉ đạo cho phù hợp.
Khi những thông tin cảnh báo sớm được đưa ra, người dân ở những vùng chịu ảnh hưởng có đủ thời gian để chuẩn bị, hành động kịp thời, nhờ đó có thể bảo vệ sinh kế và cuộc sống của chính mình".
Thách thức ứng phó biến đổi khí hậu ở Đông Nam Á
Theo đánh giá của Tổ chức Khí tượng Thế giới đầu tư 1 đồng cho khí tượng thủy văn sẽ mang lại hiệu quả kinh tế tương đương hơn 30 đồng.
Hội nghị COP 26 cuối năm ngoái tại Anh đã đề xuất nội khối ASEAN và ASEAN với các đối tác... cần hợp tác chặt chẽ hơn về vấn đề biến đổi khí hậu. Các chính sách giảm thiểu rủi ro thiên tai ... nên tập trung vào các điểm yếu của cơ sở hạ tầng, hệ sinh thái và các nhóm xã hội trên toàn ASEAN; tăng cường khả năng chống chịu trước các thảm họa thiên nhiên.
Theo đánh giá trang Channel News Asia, ở Đông Nam Á, việc xây dựng các chính sách thích ứng biến đổi khí hậu đang được tiến hành, nhưng chủ yếu vẫn ở giai đoạn đầu. Tờ báo này cho rằng, chỉ một phần nhỏ nguồn tài chính dành cho khí hậu toàn cầu là hướng tới việc thích ứng.
Đối với các quốc gia đang phát triển, tổng tài chính cho thích ứng biến đổi khí hậu đạt khoảng 20 tỷ USD trong năm 2019 - thấp hơn nhiều so với mức 300 tỷ USD mà Liên hợp quốc dự đoán có thể cần hàng năm vào năm 2030.
Bà Sri Mulyani Indrawati - Bộ trưởng Bộ Tài chính Indonesia nói: "Chúng tôi đang bắt đầu cơ chế chuyển đổi năng lượng, có nghĩa là năng lượng than sẽ ngừng hoạt động sớm hơn, và đó chính xác là năm 2040 chúng tôi có thể loại bỏ than. Nếu chúng tôi không làm gì thì vẫn tiếp tục cho đến năm 2060. Tuy nhiên, cho đến năm 2040, thì chúng tôi cần phải có kinh phí để loại bỏ than sớm hơn và tăng cường sản xuất năng lượng tái tạo".
Nhật báo tiếng anh Straitstimes, xuất bản tại Singapore, trích báo cáo mới nhất của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu đánh giá, tại châu Á, bao gồm cả Đông Nam Á, những trở ngại đối với việc thích ứng với khí hậu là quản trị manh mún, khả năng phản ứng chưa nhanh, thiếu tài chính và không đủ dữ liệu về các hành động cần ưu tiên, trình tự cho các hành động đó. Báo cáo cũng ước tính rằng, chi phí cần thiết để thích ứng với biến đổi khí hậu tại các nước đang phát triển phải nhiều hơn từ 5 đến 10 lần so với quỹ công hiện có cho các chương trình ứng phó.
Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah cho rằng, những thách thức như biến đổi khí hậu và COVID-19 đại diện cho các loại vấn đề phức tạp mà không quốc gia nào có thể giải quyết được một mình.
Báo điện tử CNA, dẫn báo cáo của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Singapore thực hiện trực tuyến, đã thăm dò 610 người từ tất cả 10 quốc gia thành viên Asean cho thấy, 70% những người được khảo sát cho biết cần phải làm nhiều hơn nữa để giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu, với đa số coi biến đổi khí hậu là một cuộc khủng hoảng ngang với đại dịch COVID.
Với sự phát triển của xã hội và biến đổi khí hậu, nhu cầu về mức độ chi tiết cũng như tính chính xác trong dài hạn của các thông tin dự báo ngày càng lớn hơn.
Thiết lập mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa các cơ quan khí tượng thủy văn quốc gia, cơ quan quản lý thiên tai và chính quyền các địa phương.... là điều kiện tiên quyết nhằm phòng chống hiệu quả với thiên tai, góp phần bảo vệ sinh mạng, sinh kế cho người dân.
Tại Lễ phát động quốc gia vào sáng 23/3, hưởng ứng Ngày khí tượng thế giới, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gửi thông điệp tới lễ phát động khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sẵn sàng hàng động của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu giảm nhẹ rủi ro thiên tai và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Chủ tịch nước nhấn mạnh: đã đến lúc chúng ta không chỉ phải đổi mới căn bản về nhận thức, tư duy mà còn phải kịp thời chuyển biến thành hành động.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!