Để quá hạn giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính, cán bộ, công chức ở một số địa phương đã phải viết thư xin lỗi người dân. Để hóa đơn tiền điện tăng bất thường, hay để xảy ra thiếu điện, các cán bộ có trách nhiệm cũng gửi lời xin lỗi tới người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng...
Xin lỗi dân khi chính quyền hay cơ quan quản lý có lỗi, chuyện tưởng như bình thường nhưng không phải khi nào cũng có thể xảy ra. Do đó, hành động xin lỗi dân của chính quyền một số địa phương và cơ quan thể hiện thái độ thẳng thắn nhận trách nhiệm trước nhân dân. Đây là hành động cụ thể chuyển từ chính quyền quản lý sang chính quyền phục vụ.
Nói lời xin lỗi, nói lời cảm ơn!… là các câu ‘cửa miệng’ thường ngày mà nhiều người vẫn thường nói, dù là người lớn tuổi hay nhỏ tuổi và dù ở bất kỳ vị trí nào. Lời xin lỗi, lời cảm ơn… là hành vi giao tiếp tối thiểu và còn thể hiện văn hóa của mỗi con người. Tuy vậy, không phải ở đâu, không phải khi nào những lời nói ấy lại được đưa ra một cách dễ dàng. Nhất là ở trong các cơ quan công quyền.
Mặc dù chủ trương của Đảng, Nhà nước từ trước đến nay luôn nhất quán là xây dựng một chính quyền vì nhân dân phục vụ, thế nhưng ở không ít cơ quan nhà nước và chính quyền địa phương, cán bộ, công chức còn thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước công việc của người dân, coi việc giải quyết công việc của người dân như một sự ban ơn… Bởi vậy, ít khi cán bộ, công chức biết nhận lỗi vì chậm chễ giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính của người dân. Gần đây, ở một số địa phương, bộ, ngành đã coi việc xin lỗi người dân là yêu cầu bắt buộc, nếu chính quyền hay cơ quan quản lý để xảy ra chậm trễ, sai sót trong xử lý công việc của người dân.
Chính quyền xin lỗi dân
Cách đây 2 ngày, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh đã gửi lời xin lỗi đến khách hàng do để xảy ra tình trạng hóa đơn tiền điện gần đây tăng bất thường so với thời gian trước.
Trước đó, trong 3 tháng, để xảy ra tình trạng thiếu điện, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương cũng gửi lời xin lỗi tới nhân dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương gửi lời xin lỗi tới nhân dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
Trên báo chí, mới đây cũng có nhiều bài viết phản ánh nhiều xã, phường ở Thanh Hóa đã viết phiếu xin lỗi gửi đến từng người dân bị chậm trả hồ sơ, thủ tục không đúng hạn…. Trong thư, cán bộ xã, phường phải trình bày rõ lý do nguyên nhân vì sao dẫn đến sự chậm trễ.
Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh, hay mới đây là Thành phố Hà Nội cũng đã yêu cầu: Khắc phục triệt để tình trạng chậm trễ trong giải quyết thủ tục hành chính, trường hợp hồ sơ xử lý quá hạn phải có thư xin lỗi và hẹn lại thời gian trả kết quả; đồng thời, tổ chức kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân liên quan.
Lãnh đạo của một số địa phương có phát ngôn vô cảm trước khó khăn của người dân, vừa qua, một số trường hợp cũng đã gửi lời xin lỗi đến người dân.
Biết nhận lỗi và xin lỗi dân là hành vi rất cần thiết và rất đáng được hoan nghênh khi cán bộ, công chức, viên chức làm chưa tròn chức trách, nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, để làm được như vậy đòi hỏi lãnh đạo chính quyền các địa phương và cơ quan quản lý nhà nước phải thay đổi mạnh mẽ tư duy và quyết tâm rất lớn, vì có dám nhận sai, nhận lỗi thì mới có hành động thiết thực sửa sai, sửa lỗi kịp thời, có hiệu quả. Gần đây, nhiều địa phương đã quyết tâm đổi mới mạnh mẽ, từ chính quyền quản lý, hướng sang chính quy phục vụ và hướng dẫn người dân. Những khẩu hiệu như thế này: Biết nghe dân nói, biết nói dân hiểu, biết làm dân tin, biết xin lỗi, biết cảm ơn, đã được chuyển biến thành hành động cụ thể của cán bộ, công chức hướng đến một nền hành chính phục vụ người dân ngày một tốt hơn.
Đây là chuyển biến đáng phấn khởi vì có vẻ như đây là sự chuyển đổi về nhận thức. Thực ra, lâu nay, chúng ta chưa khắc phục được ‘văn hóa đổ lỗi’. Người nước ngoài đến Việt Nam làm việc rất băn khăn về điều này bởi bất kỳ sự cố nào xảy ra, chúng ta đều tìm các đổ lỗi, không nhận trách nhiệm về mình. Một trong những yếu tố khác ảnh hưởng đến ‘văn hóa xin lỗi’ là: quyền làm quan. Nhiều người có chức có quyền luôn cho rằng mình ban ơn, mình ở ‘cửa trên’. Điều này làm cho dịch vụ công nhiều khi gặp khó. Bây giờ, đã có sự chuyển biến, tuy mới ở bước đầu nhưng rất quan trọng, và điều này rất đáng ghi nhận", TS Nguyễn Sỹ Dũng - Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hộI nhìn nhận.
Đồng tình với TS Nguyễn Sĩ Dũng, TS Nguyễn Văn Tạo (Học viện Hành chính Quốc gia) cho rằng đây là chuyển biến hết sức tích cực, không chỉ về mặt hành động mà cả về mặt nhận thức. Qua đó, chuyển từ chính quyền quản lý sang chính quyền kiến tạo, chính quyền phục vụ cho người dân tốt hơn.
Xây dựng chính quyền vì dân phục vụ
Không chỉ tiếp nhận, xử lý những phản ánh từ công dân, qua đường dây nóng, các hộ thuộc đối tượng gia đình chính sách hoặc gặp khó khăn khi đi lại, có thể điện thoại đề nghị cán bộ phường tới tận nhà để giải quyết thủ tục hành chính.
Biết lắng nghe, biết cảm ơn, biết xin lỗi nhân dân… là những thay đổi rõ nét của đội ngũ cán bộ, công chức khi chuyển từ chính quyền quản lý sang chính quyền phục vụ, thân thiện, trọng dân, gần dân.
Ông Trần Thanh Hà -người dân TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương cho hay: "Tôi đến giao dịch, cán bộ công chức đã hướng dẫn một cách rất nhiệt tình. Thái độ phục vụ như thế tôi cho rất là tốt. Không nhũng nhiễu, không phiền hà! Bản thân tôi là công dân TP Thủ Dầu Một, tôi thấy cải cách hành chính thế này khiến người dân rất hài lòng".
"Đặt sự hài lòng của nhân dân là yếu tố quan trọng để đánh giá sự hoàn thành nhiệm vụ của mình, Thành phố cũng thường xuyên có giải pháp kiểm tra giám sát việc này. Chúng tôi kịp thời uốn nắn nếu nơi nào để người dân không hài lòng hoặc gây phiền hà cho người dân đều được kịp thời nhắc nhở, chính vì thế nên tâm trạng của anh em lúc nào cũng trên tinh thần hết sức nghiêm túc: vì nhân dân phục vụ", ông Nguyễn Văn Đông - Bí thư Thành ủy Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương nhấn mạnh.
Các khách mời trong chương trình Sự kiện và Bình luận sẽ cùng đưa ra quan điểm để làm rõ hơn về chủ đề 'xin lỗi dân'.
Đến nay, tất cả các phường, các cơ quan, đơn vị hành chính trên địa bàn Thành phố đều thực hiện mô hình: "Chính quyền thân thiện" để nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân. Qua đó, tạo sự thân thiện, gần gũi, hài lòng khi người dân có nhu cầu liên hệ giải quyết thủ tục hành chính. Chính bởi vậy, trong nhiều năm liên tiếp, TP Thủ Dầu Một luôn dẫn đầu toàn tỉnh về chỉ số hài lòng của người dân.
Cán bộ, công chức được xác định là công bộc của nhân dân. Nhiệm vụ của cán bộ, công chức là để phục vụ nhân dân, phục vụ sự phát triển của đất nước. Trong quá trình ấy, nếu có sai xót, ảnh hướng đến người dân thì phải biết nhận lỗi và biết xin lỗi dân. Việc một số địa phương, cơ quan, đơn vị thực hiện xin lỗi dân như vừa qua là điều rất đáng hoan nghênh, ủng hộ. Và mong rằng, sau mỗi lời xin lỗi, mỗi lá thư xin lỗi, là trách nhiệm sau đó, phải sửa lỗi để phục vụ nhân dân được tốt hơn. Có như vậy, lời xin lỗi mới thực sự có giá trị.
TS Nguyễn Sỹ Dũng - Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hộI và TS Nguyễn Văn Tạo - Học viện Hành chính Quốc gia là hai khách mời trong chương trình Sự kiện và Bình luận sẽ cùng đưa ra quan điểm để làm rõ hơn về vấn đề này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!