Ảnh minh họa. Ảnh: Báo Hànộimới.
Những học viên chưa thành niên ở trung tâm cai nghiện
Học viên đã nghiện ma túy đá từ khi là học sinh lớp 7. Hơn 2 năm sau, cha mẹ em mới phát hiện khi em đã là học sinh lớp 9. Và gần 1 năm sau nữa, cha mẹ mới đưa em vào trung tâm cai nghiện tự nguyện. Khi đưa vào đây, em đã nghiện ma túy đá gần 4 năm.
Còn cô bé này, khi đang là học sinh lớp 10 thì bị buộc thôi học giữa chừng do sử dụng ma túy. 16 tuổi em được gia đình đưa vào trung tâm cai nghiện quận 9, TP Hồ Chí Minh. Sau hơn 1 năm em đã cắt cơn nghiện nhưng vẫn chưa thể trở về hòa nhập cộng đồng. Em tâm sự, do hối tiếc, do buồn chán chuyện gia đình, bị bạn bè rủ rê, em đã thử cảm giác lạ và nghiện ma túy sau 1 lần thử.
Lứa tuổi học sinh không ý thức được sự nguy hiểm của ma túy nên rất dễ bị bạn bè lôi kéo. Những em không làm chủ được bản thân dễ dính vào con đường nghiện ngập. Thế nhưng, lâu nay không có quy định bắt buộc đưa vào trung tâm cai nghiện với đối tượng chưa thành niên nên không có con số thống kê chính xác người nghiện từ 12 đến dưới 18 tuổi.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy - Giám đốc Trung tâm cai nghiện Thanh Đa TP Hồ Chí Minh - cho biết: "Trước nay chúng tôi có nhận một số dưới 18 tuổi, tối thiểu phải 16 tuổi, có ý kiến của địa phương, bảo lãnh của gia điình. Mấy cháu trẻ bị nghiện ma túy nhiều rồi chứ không ít nhưng pháp luật chưa cho phép nên chúng tôi không tiếp nhận".
Theo các bác sĩ, hiện nay lứa tuổi nghiện ngày càng có xu hướng trẻ hóa, các em học sinh độ tuổi nghiện có thể từ học lớp 6, lớp 7. Tuy nhiên, không có trung tâm cai nghiện cho người chưa thành niên nên hầu hết khi các trung tâm từ chối tiếp nhận, các gia đình thường buộc phải để trẻ ở nhà tự cai nhưng tỷ lệ thành công rất thấp.
Đưa trẻ vị thành niên bắt buộc cai nghiện (theo Pháp lệnh mới)
Theo các chuyên gia, người dưới 18 tuổi nhận thức chưa đầy đủ, khi bị nghiện rất khó làm chủ hành vi, dễ bị lôi kéo dụ dỗ phạm tội. Thời gian qua, không ít vụ án đặc biệt nghiêm trọng do người nghiện dưới 18 tuổi gây án. Thế nhưng, do chưa được đưa vào quản lý chặt nên rất khó thống kê và quản lý người nghiện chưa thành niên.
Ngày 24/3/2022 Pháp lệnh trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành.
Pháp lệnh Trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
Cụ thể, người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc khi thuộc 1 trong 3 trường hợp:
1- Các em không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt cai nghiện ma túy tự nguyện;
2- Trong thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện, đối tượng bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy;
3- Người nghiện ma túy các chất dạng thuốc phiện không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế do vi phạm quy định về điều trị nghiện.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để triển khai quy định này, cần có các lưu ý nhằm bảo đảm các quyền trẻ em đối với trẻ vị thành niên từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi khi bị đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Làm thế nào cai nghiện hiệu quả cho trẻ vị thành niên?
Theo các trung tâm cai nghiện, do lứa tuổi thiếu niên, việc triển khai cần có những điều kiện đặc biệt mới đạt hiệu quả và tránh tái nhiễm sau cai nghiện.
Gắn bó với công việc 20 năm làm công tác bảo vệ trẻ em, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội LS Bảo vệ trẻ em TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, cần phải đặt ra vấn đề đảm bảo các quyền học tập của trẻ em trong và sau khi cai nghiện.
Đặc biệt, theo luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, người chưa thành niên để đưa vào trung tâm cai nghiện cần có quyết định của Tòa án. Và Tòa án ra quyết định phải thân thiện với trẻ em, đảm bảo tôn trọng quyền trẻ em, vì đây không phải quyết định xử phạt hành chính hay xử lý hình sự nên sẽ không lưu vào lý lịch tư pháp.
"Tòa ra quyết định bắt buộc đưa trẻ vị thành niên đi cách ly phải thân thiện, không lưu vào lý lịch tư pháp như người phạm tội; phải hiểu biết về tâm lý, hiểu biết về khoa học giáo dục đối với các em" - luật sư Nguyễn Văn Hậu nói.
Như vậy, để điều trị và cai nghiện bắt buộc cho trẻ vị thành niên hiệu quả, ngoài yếu tố chuyên môn y khoa, cần có sự chuẩn bị cơ sở vật chất, thành lập trung tâm cai nghiện dành riêng cho trẻ em. Ngoài ra, cần đặc biệt lưu ý các yếu tố tâm lý, giáo dục và chăm sóc giáo dục trẻ trẻ em theo luật bảo vệ trẻ em.
Hiện nay, TP Hồ Chí Minh có 15 cơ sở cai nghiện ma túy đang hoạt động, trong đó có 3 cơ sở dân lập, 12 cơ sở công lập. Các cơ sở này đang điều trị cai nghiện cho khoảng hơn 12.000 người (trong đó cai nghiện tự nguyện trên 500 người, cai nghiện bắt buộc trên 10.000 người, quản lý tại cơ sở xã hội để cắt cơn giải độc, tư vấn tâm lý gần 1.500 người).
Trước tình trạng người sử dụng trái phép chất ma túy ngày càng nhiều và sử dụng lần đầu ở độ tuổi từ 15 đến 25 tuổi đang chiếm đa số như hiện nay thì việc ban hành Pháp lệnh về việc đưa người nghiện ma túy từ 12-18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là điều rất cần thiết và kịp thời. Tuy nhiên, ở lứa tuổi các em thì cần có những lưu ý đặc biệt nhất là khi hiện nay lứa tuổi này đang xếp chung cai nghiện với nhiều lứa tuổi khác.
Mời quý vị cùng lắng nghe ý kiến của người trong cuộc, học sinh đã cai nghiện hơn 1 năm và đang điều trị cai nghiện chung với người lớn tại trung tâm cai nghiện Thanh Đa. Và mong muốn của em được ở riêng và tiếp tục đi học trở lại như thế nào.
Trẻ vị thành niên cai nghiện: Mong muốn được đi học
"Cách những bạn bằng tuổi nhau ở chung với nhau, học sinh ở chung với nhau chứ không cho người lớn ở chung. Đừng để con nít với người lớn ở chung với nhau vì con nít thấy sẽ tập tành thêm. Ở ngoài mình biết một thứ nhưng vô đây người lớn chơi rồi mình biết thêm nhiều thứ. Con muốn môi trường riêng ra người lớn" - bệnh nhân cai nghiện (17 tuổi) nói.
"Con mong là con được quay lại thời còn đang đi học. Con muốn được đi học lại như các bạn bè khác nhưng bây giờ thời gian trôi nhanh quá không bao giờ kiếm được lại. Con không được như mấy bạn khác, con muốn quay lại thời gian như lúc còn đang đi học. Con không muốn chơi ma túy nữa. Con muốn quay lại thời gian đó là học sinh học ngoan ngoãn vui chơi" - bệnh nhân cai nghiện (17 tuổi) nói.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!