Xử lý mùi bãi rác Nam Sơn bằng công nghệ Nhật Bản

Hồng Nam - Khánh Nguyễn-Thứ ba, ngày 29/12/2020 19:01 GMT+7

VTV.vn - Công nghệ sục khí Nano của Nhật Bản được cho là giải pháp bền vững để xử lý vấn đề trên, không phải sử dụng hóa chất nên rất thân thiện với môi trường.

Ngày 28/12/2020, đại diện các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội bao gồm Sở Xây dựng, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Sóc Sơn cùng người dân 3 xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ và các chuyên gia của Công ty CP Môi trường Việt Nhật đã tiến hành công tác vận hành, đánh giá mùi hôi nước rỉ rác bốc lên trước khi xử lý bằng công nghệ Bio-Nano Nhật Bản.

Để quá trình đánh giá được khách quan, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia – Bộ Tài nguyên và Môi trường là đơn vị đánh giá độc lập về nồng độ mùi trước và sau xử lý trong toàn bộ giai đoạn thí điểm. Nước thải được tiến hành đánh giá theo cả 2 phương pháp: định tính (cảm quan) và định lượng (đo chỉ số nồng độ mùi bằng thiết bị đo chuyên dụng. Tại thực địa, nước rỉ rác có thể cảm nhận bằng cảm quan cho thấy mùi nồng nặc, khó chịu, đồng thời giá trị ô nhiễm là 999, vượt cả ngưỡng đo của thiết bị.

Xử lý mùi bãi rác Nam Sơn bằng công nghệ Nhật Bản - Ảnh 1.

Các đơn vị sẽ tiến hành công tác vận hành, đánh giá mùi hôi nước rỉ rác bốc lên trước khi xử lý bằng công nghệ Bio-Nano Nhật Bản.

Xử lý mùi bãi rác Nam Sơn bằng công nghệ Nhật Bản - Ảnh 2.
Xử lý mùi bãi rác Nam Sơn bằng công nghệ Nhật Bản - Ảnh 3.
Xử lý mùi bãi rác Nam Sơn bằng công nghệ Nhật Bản - Ảnh 4.

Khu vực xử lý nước thải có độ sâu 6m, nên máy phải được đặt lên phao nổi để sục khí nano, khác với phương án ở sông Tô Lịch, Hồ Tây là máy nano được đặt chìm dưới nước. Theo các chuyên gia Nhật Bản, không phải cứ sục khí đưa oxy vào bằng máy sục khí thông thường là khử được mùi hôi thối mà mấu chốt nằm ở chỗ chúng ta đưa oxy vào nhưng oxy đó phải tồn tại lâu được trong nước và dưới tầng đáy thì mới phân hủy được các khí gây ra mùi ở trên.

Thời gian qua, Sở Xây dựng Hà Nội cùng các đơn vị liên quan đã vào cuộc hết sức quyết liệt, áp dụng nhiều giải pháp để giảm mùi như che phủ bạt lên các ô chứa nước. Tuy nhiên, vẫn chưa thể giải quyết tận gốc các khí gây ra mùi. Công nghệ sục khí Nano của Nhật Bản được cho là giải pháp bền vững để xử lý vấn đề trên, không phải sử dụng hóa chất nên rất thân thiện với môi trường.

Trước đó, JVE Group đã gửi đề xuất tới thành phố Hà Nội về việc tài trợ miễn phí thí điểm xử lý mùi của bãi rác Nam Sơn Bio-Nano Nhật Bản.

Kết quả xử lý dự kiến được công bố trong trong tháng 1/2021.

Như đã đưa tin, trong báo cáo mới đây của Sở Xây dựng với Thành ủy và Thành phố Hà Nội về việc khắc phục những bất cập tại Khu xử lý chất thải Nam Sơn, Sở Xây dựng xác định nguyên nhân gây mùi hôi từ xe vận chuyển, các khu vực rác hở và hồ chứa nước rỉ rác chưa che phủ.

Xử lý mùi bãi rác Nam Sơn bằng công nghệ Nhật Bản - Ảnh 5.

Thời gian qua vẫn chưa thể giải quyết tận gốc các khí gây ra mùi ở bãi rác Nam Sơn. Ảnh: TTXVN

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, sau khi xác định nguyên nhân gây mùi hôi, các đơn vị liên quan đã tổ chức khắc phục bằng cách: Giảm mùi hôi từ các phương tiện, rà soát quy trình vận hành bãi rác; phân luồng từ xa, theo giờ các xe vận chuyển để không gây ùn ứ; giám sát rửa xe khi ra khỏi bãi.

Diện tích rác hở được tăng cường phun chế phẩm khử mùi từ 8h - 12h và 15h - 16h30 hàng ngày. Từ ngày 23/10 đến 3/11, nhà chức trách phun 255 lít thuốc diệt ruồi, 126 lít chế phẩm khử mùi và phủ bạt che khoảng 17.000 m2.

Xử lý mùi bãi rác Nam Sơn bằng công nghệ Nhật Bản - Ảnh 6.

Bãi rác Nam Sơn: Ảnh TTXVN

Các đơn vị xử lý nước rỉ rác được yêu cầu vận hành tối đa công suất để khắc phục mùi hôi thối gây ô nhiễm môi trường tại các ô chứa. Công suất trung bình các trạm từ ngày 1/11 - 4/11 đạt khoảng 3.700 - 4.200 m3/ngày.

Cùng với khắc phục ô nhiễm môi trường khu vực bãi rác Nam Sơn, Thành ủy, Thành phố Hà Nội đã thành lập các tổ công tác để giải quyết dứt điểm các tồn tại qua nhiều năm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước