Xưởng may của người cựu chiến binh "tàn nhưng không phế"

Hương Giang, Phạm Hùng-Thứ hai, ngày 01/07/2024 22:06 GMT+7

VTV.vn -Trở về sau cuộc kháng chiến chống Mỹ, cựu chiến binh Nguyễn Hồng Phong dù mang trên mình vết thương chiến tranh nhưng đã luôn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.

Trở về sau cuộc kháng chiến chống Mỹ, cựu chiến binh và thương binh Nguyễn Hồng Phong ở xã Phúc Lâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, dù mang trên mình vết thương chiến tranh nhưng đã luôn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Ông đã trở thành một thương binh "tàn nhưng không phế" và bằng sự kiên trì, ông tự mình học nghề may rồi mở xưởng từ năm 2004. Ông Nguyễn Hồng Phong đã giúp 200 lao động địa phương là người khuyết tật, con em của thương binh và bệnh binh được học nghề miễn phí và có việc làm ổn định. Nhờ vậy, đời sống của nhiều người dân trong xã đã trở nên đầy đủ và ấm no hơn.

Xưởng may của ông Nguyễn Hồng Phong chỉ có vài ba máy nhưng trung bình mỗi tháng, vào cao điểm sản xuất, xưởng có thể sản xuất 3000 bộ trang phục. Đây chỉ là cơ sở chính, còn xưởng may này rải rác nhiều nơi, tại mỗi hộ gia đình.

Xưởng may của ông Nguyễn Hồng Phong không chỉ tạo ra những bộ trang phục mà còn mang lại cơ hội việc làm và ổn định cuộc sống cho nhiều người. Một số người dân cho biết nếu không có nghề may, họ có thể sẽ thất nghiệp, nhưng nhờ nghề này mà họ có thể xây nhà và nuôi con.

Xưởng may của ông Nguyễn Hồng Phong mở ra với mong muốn giúp đỡ con em thương binh và những gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn có thêm việc làm. Với sự hỗ trợ của con dâu là chị Phạm Thị Nga, xưởng may dạy nghề miễn phí cho bất cứ ai muốn học.

Từ xưởng may này, nhiều người đã có tay nghề thành thạo, có người đã mở xưởng riêng, có người vẫn gắn bó với xưởng may của ông Phong và có thu nhập ổn định. Sau 20 năm, từ một xưởng với 30 máy sản xuất tại chỗ, nay xưởng đã giảm chỉ còn vài ba máy, ông Phong và chị Nga cũng hỗ trợ để những người phụ nữ trong xã mang hàng về nhà sản xuất, vừa có thể làm kinh tế, vừa lo cho cuộc sống gia đình.

Ông Nguyễn Hồng Phong và chị Phạm Thị Nga đã giúp nhiều người dân trong xã có được tay nghề và công việc ổn định. Chị Hà Thị Hồng Hạnh và chị Nguyễn Thị Sang, những người thợ may tại xã Phúc Lâm, cũng đã được hỗ trợ và có cuộc sống tốt hơn nhờ xưởng may của ông Phong.

Đối với những người yếu thế trong xã hội, việc có được một nghề nghiệp để tự lo cho bản thân và tạo ra giá trị cho cộng đồng là điều vô cùng trân trọng. Hành động của cựu chiến binh Nguyễn Hồng Phong đã truyền động lực và trở thành tấm gương sáng cho lớp trẻ noi theo về sự cố gắng không ngừng nghỉ và hình ảnh người lính tiếp tục đóng góp cho xã hội trong thời bình.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước