Y tế cơ sở vượt khó

Thùy Dương, Phùng Định-Thứ hai, ngày 27/02/2023 12:20 GMT+7

VTV.vn - Nói về khó khăn của ngành y, trước tiên phải nói tới các tuyến y tế cơ sở.

Hôm nay là ngày 27/2 - ngày Thầy thuốc Việt Nam, ngày mọi người dành những lời chúc tốt đẹp nhất tới các y, bác sỹ và cũng là ngày có lẽ những khó khăn của các cán bộ ngành y sẽ được nhắc tới nhiều hơn để chúng ta cảm thông và trân trọng những nỗ lực ngày đêm của họ. Nói về khó khăn của ngành y, trước tiên phải nói tới các tuyến y tế cơ sở.

Cả nước hiện nay có hơn 11.400 trạm y tế phường, xã, thôn bản… Đây là mạng lưới y tế cơ sở trực tiếp gần người dân nhất và được kỳ vọng với vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe cũng như sàng lọc, phát hiện sớm và kiểm soát bệnh tật. Tuy nhiên, hiện nay mạng lưới y tế cơ sở, đặc biệt là tuyến xã vùng kinh tế khó khăn, chưa thích ứng với sự thay đổi của cơ cấu bệnh tật, sự phát triển của xã hội, cũng như chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.

Trạm y tế xã thiếu và yếu

Khoảng gần 5 tháng nay, trạm y tế xã Trung Sơn, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa vẫn vắng bóng trưởng trạm. Trong khi chờ đợi bác sĩ về, anh Phúc được phân công làm trưởng trạm tạm thời, thế nhưng mọi sự chẳng dễ dàng.

Y tế cơ sở vượt khó - Ảnh 1.

Y sĩ Ngân Văn Phúc chia sẻ: "Phải nhận nhiệm vụ không phải việc của tôi nên tôi rất bỡ ngỡ, một số mặt bệnh cũng như một số trang thiết bị tôi cũng chưa được học".

Bởi thế, chiếc máy siêu âm cũng "đắp chiếu" từ đó đến nay. Không bác sĩ, không máy móc, người dân trong bản cũng chẳng mặn mà đến trạm. Nếu có đến cũng chỉ là lấy thuốc bảo hiểm y tế.

Y tế cơ sở vượt khó - Ảnh 2.

Cũng chỉ vì không có bác sĩ nên một người đàn ông đã mất "thời gian vàng" điều trị đột quỵ dẫn đến liệt nửa người và không đi lại được. Chẳng ai muốn những điều hy hữu xảy ra nhưng khi không có bác sĩ, người dân vùng sâu, vùng xa dần mất đi hy vọng.

Trạm y tế xã Sơn Hà đã 1 năm rưỡi như "rắn mất đầu" vì không bác sĩ. Nhiều đầu việc cũng bị gián đoạn. Tại trạm y tế thị trấn Sơn Lư, đã thiếu lại còn yếu, dù được bàn giao cơ sở mới để làm việc nhưng chẳng ai dám sử dụng vì chất lượng công trình kém. Nhân viên y tế ở đây đành phải ở lại trạm cũ và luôn trong tình trạng bất an.

Y tế cơ sở vượt khó - Ảnh 3.
Y tế cơ sở vượt khó - Ảnh 4.

Đáng lẽ tại nơi chăm sóc sức khỏe ban đầu như các trạm y tế xã ở vùng sâu, vùng xa luôn thu hút bệnh nhân nhưng vì cơ sở vật chất không đảm bảo, thiếu nhân lực, sự vắng vẻ là điều dễ hiểu.

Những thầy thuốc bám bản

Tình trạng nhân viên y tế xin nghỉ việc đã xuất hiện ở hầu khắp các tỉnh, thành trên cả nước trong thời gian vừa qua. Chỉ hơn 1 năm trở lại đây, trên cả nước có 10.000 nhân viên y tế phải xin thôi việc, bỏ việc. Tuy nhiên, trong khó khăn chung ấy vẫn còn những y, bác sĩ tâm huyết với nghề, càng đặc biệt hơn khi ở các vùng khó khăn nhất vẫn có những thầy thuốc như vậy.

Y tế cơ sở vượt khó - Ảnh 5.

Gọi là tới, cần là có, đi từng ngõ, từng nhà để giúp người dân khi đau ốm, 20 năm xa nhà để bám bản, bác sĩ Hới lại càng tạo thêm niềm tin cho bà con xã Nam Xuân, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Rời quê để đến một nơi xa lạ, từ người lạ bỗng hóa người quen, điều dưỡng Ngoàn bám bản đến nay cũng hơn 30 năm. Trạm y tế giờ đây cũng là "mái nhà" của chị.

Khi không phải người địa phương, y bác sĩ lại càng phải nỗ lực quen với dân, hiểu dân để rồi sống cùng dân. Thế nhưng, khi thầy thuốc là chính người bản địa cũng lại gặp khó. 10 năm làm "cô đỡ thôn bản", anh Bình phải mất gần 1 năm để bà con tin tưởng chỉ vì " cỗ đỡ" là đàn ông.

Y tế cơ sở vượt khó - Ảnh 6.

Đều là những người có kinh nghiệm, bám bản lâu năm, được bà con tin yêu nên dù có khó khăn, thậm chí chấp nhận rời xa gia đình nhưng những bước chân vẫn không dừng lại, tiếp tục làm và cống hiến, gắn bó với mảnh đất họ đã chọn.

Bác sĩ trẻ xung phong lên non

Không phải ai cũng đủ kiên trì để bám bản, nhất là với các bác sĩ trẻ. Nhằm thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao làm việc tại các đơn vị y tế công lập, nhiều địa phương đã ban hành chính sách với các mức hỗ trợ ban đầu. Cùng chung nỗ lực lấp đầy cơn khát nhân lực vùng cao, không ít bác sĩ trẻ tình nguyện lên non, sẵn sàng cống hiến tuổi trẻ, nhiệt huyết của mình vì sức khỏe của bà con.

Y tế cơ sở vượt khó - Ảnh 7.

Bác sĩ Lộc Văn Như - Trưởng Trạm y tế xã Hiền Kiệt, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa - chia sẻ: "Người dân ở đây không biết ốm đau lúc nào nhưng bác sĩ phải thường trực 24/24. Ra trường là tôi tình nguyện về vùng miền núi, biên giới này. Có nhiều người nói làm công việc ở dưới xuôi cho tiện, sao phải lên trên này vất vả, khổ sở ra làm gì. Nhưng nghề chọn người, bây giờ gắn bó với bà con rồi thì cũng phải cố gắng hết sức mình".

Y tế cơ sở vượt khó - Ảnh 8.

Bác sĩ Hà Văn Tú - Trưởng trạm y tế xã Trung Thành, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa - cho biết: "Những ca nhẹ còn xử trí được, những trường hợp nặng không có máy móc, đau bụng không có máy siêu âm thì bệnh nhân phải đi xa cách đây 40 - 50 km. Tôi đi làm xa, có khi 2 - 3 tháng mới về nhà một lần nên cũng buồn, cũng chạnh lòng. Được gia đình, vợ con động viên nên tôi cũng an tâm công tác hơn".

Hệ thống y tế Việt Nam có mạng lưới rộng khắp, gần 99% số xã, phường và thị trấn đã có nhà trạm. Tuy nhiên, số lượng y, bác sĩ khám chữa bệnh chỉ chiếm khoảng 80%. Theo Bộ Y tế, hiện 62 huyện nghèo trên cả nước cần hơn 500 bác sĩ chuyên khoa I chuyên sâu. Vì vậy, để thu hút được nhân lực có chất lượng trong ngành y tế về với bà con vùng sâu, vùng xa, cần có những giải pháp kịp thời và cụ thể, như:

- Nâng cao chất lượng đào tạo;

- Xây dựng chế độ tiền lương mới;

- Tạo thêm nguồn kinh phí.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước