Động thái rút vốn khỏi thị trường có tiếp diễn?

Ngọc Diệp-Thứ tư, ngày 03/07/2013 09:00 GMT+7

 Trước thông tin trong tháng 6, Quỹ đầu tư trên thế giới rút mạnh tiền khỏi thị trường chứng khoán các nước mới nổi trong đó có Việt Nam khiến nhiều nhà đầu tư nội lo lắng. Xu thế này liệu có tiếp diễn và điều gì sẽ quyết định biến động của dòng tiền thời gian tới?

Theo công ty chứng khoán Tân Việt, trong 5 tháng đầu năm, khối ngoại mua ròng lượng cổ phiếu trị giá khoảng gần 6.000 tỷ đồng trên sàn chứng khoán Việt Nam; đến tháng 6 năm nay, khối ngoại đã bán ròng gần 1.500 tỷ đồng, mức bán ròng như vậy mạnh nhất trong hơn 1 năm. Không ít chuyên gia cho rằng, lý do đằng sau không chỉ đơn thuần là việc nhà đầu tư ngoại tái cơ cấu danh mục đầu tư trong ngắn hạn.

“Đây không phải là tái cơ cấu tạm thời, vì nếu là tái cơ cấu tạm thời thì dòng mua bán khá cân bằng, nhưng lượng bán ra ở mức độ khá lớn, vì thế theo tôi đây là động thái rút vốn ra khỏi thị trường”, ông Lê Đắc An, Trưởng phòng đầu tư, công ty chứng khoán Tân Việt khẳng định.

Tại Thái Lan, chỉ riêng trong tháng 6 đã có tới 2,15 tỷ USD bị rút ra khỏi thị trường, mức cao chưa từng có trong lịch sử chứng khoán Thái Lan. Các chuyên gia Việt Nam khẳng định, việc rút vốn này không phải là câu chuyện của riêng Thái Lan, Việt Nam, mà còn của nhiều thị trường khác trên thế giới.

‘ Đặc trưng của Quỹ mở là có thể rút vốn ra nhanh trước những biến động bất lợi của thị trường chứng khoán. Ảnh minh họa

“Động thái bán ròng này diễn ra trên hàng loạt thị trường như Thái Lan, Philippines, Indonesia, thậm chí kể cả thị trường phát triển như Hàn Quốc. Việc rút tiền về không phải chỉ diễn ra tại thị trường cổ phiếu, mà còn trên cả thị trường trái phiếu hay thị trường vàng”, ông Phạm Thế Anh, chuyên gia kinh tế trưởng, công ty chứng khoán MB cho biết.

Một câu hỏi được đặt ra là, vậy khi tiền được rút ra khỏi hàng loạt các thị trường tài sản như vậy thì tiền đã đi đâu? Giới chuyên gia khẳng định, các Quỹ bán ra hàng loạt do sức ép từ phía các nhà đầu tư của Quỹ mở do họ thấy diễn biến kinh tế thế giới có nhiểu điểm bất lợi cho hoạt động đầu tư. Hiện tại nhà đầu tư cầm tiền mặt, đánh giá tiếp tình hình rồi mới quyết định đầu tư tiếp. Và quyết định đầu tư của họ vào các thị trường, trong đó có cả thị trường mới nổi như Việt Nam sẽ tùy thuộc vào chính sách đến từ Mỹ và Trung Quốc.

“Từ giờ đến cuối năm còn phụ thuộc vào tín hiệu từ Trung Quốc và Mỹ, nếu Hoa Kỳ siết chương trình nới lỏng định lượng và Trung Quốc thắt chặt tín dụng thì đó là tín hiệu xấu chung cho thị trường”, ông Phạm Đức Thắng, TGĐ công ty chứng khoán FLC nhận định.

Các chuyên gia cũng cho rằng, ngoài việc quan tâm đến động thái của nhà đầu tư ngoại, một yếu tố giúp Việt Nam chuẩn bị tốt nhất cho việc đón đầu dòng vốn đầu tư nếu dòng vốn này trở lại chính là đảm bảo được ổn định kinh tế vĩ mô, nhất quán về chính sách và giữ lạm phát ổn định. Bởi đối với nhà đầu tư ngoại, không có điều gì đáng sợ bằng sự bất ổn.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước