Khủng hoảng năng lượng ngày càng trầm trọng, giá nhiên liệu tăng chóng mặt

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 09/10/2021 11:44 GMT+7

VTV.vn - Năng lượng vẫn đang là chủ đề nóng với các nền kinh tế toàn cầu trong tuần qua. Khi mùa đông đang đến gần, khủng hoảng năng lượng ngày càng trở nên trầm trọng.

Nếu nhìn vào tình hình đang diễn ra trên thế giới, châu Âu đang ở trong tình thế khó khăn nhất. Lượng khí đốt dự trữ ở khu vực này đang ở mức thấp kỷ lục trong vòng 1 thập kỷ qua và việc tìm thêm cũng không dễ khi giá đã lên 600% kể từ đầu năm.

Sức nóng từ giá nhiên liệu tăng cao đang khiến người dân châu Âu phải toát mồ hôi khi nhìn vào hóa đơn tiền điện. Giá năng lượng tại khu vực này tăng với mức chóng mặt. Đức, Pháp, Tây Ban Nha… hay cao nhất là tại vương quốc Anh, giá năng lượng tăng tới gần 300%. Đây là một điều chưa từng có tiền lệ.

Nếu mùa đông năm nay trở nên càng lạnh giá, đồng nghĩa châu Âu càng khổ sở hơn. Chuỗi cung ứng sẽ bị gián đoạn, giá cả sẽ đắt đỏ hơn, lạm phát sẽ tăng cao.

Khủng hoảng năng lượng ngày càng trầm trọng, giá nhiên liệu tăng chóng mặt - Ảnh 1.

Giá khí đốt tại châu Âu tiếp tục lập kỷ lục mới. (Ảnh: Getty Images)

Giới chức EU còn cảnh báo viễn cảnh "mất điện" có thể diễn ra bất cứ lúc nào tại các nhà máy. Điều này cũng đã được minh chứng rõ nhất tại Trung Quốc khi hàng loạt nhà máy buộc phải đóng cửa vì "thiếu điện".

Để đảm bảo nguồn cung điện, nền kinh tế số 2 thế giới buộc phải tìm tới giải pháp là than đá. Tuy nhiên, việc nước này vốn giảm sử dụng than những năm gần đây đã kéo giá loại nhiên liệu này tăng phi mã trên khắp thị trường châu Á.

Một nền kinh tế lớn khác tại châu Á là Ấn Độ cũng đang cảm nhận sức nóng. Hơn một nửa số nhà máy điện của nước này chỉ còn đủ lượng than cho 3 ngày.

Vòng xoáy siết chặt nguồn cung cũng đã lan tới vàng đen. Giá dầu Brent tuần này đã lần đầu tiên vượt ngưỡng 80 USD/thùng trong vòng 3 năm qua, khi khối OPEC+ vẫn không có kế hoạch đẩy nhanh việc tăng sản lượng.

Trong trước mắt, người dân và doanh nghiệp là những đối tượng đầu tiên chịu tác động khi các nguồn năng lượng trở nên khan hiếm.

Người dân, doanh nghiệp châu Á chịu sức nóng từ cơn sốt năng lượng

Giá xăng dầu tại Ấn Độ đang liên tục tăng lên những ngày gần đây, theo AP. Tại thủ đô New Delhi, giá xăng hiện đã chạm ngưỡng khoảng 1,37 USD/lít, tăng gần 1/4 từ dầu năm tới nay.

"Hãy nhìn vào giá xăng mà xem. Lạm phát đã khiến giá tăng gần gấp đôi. Số xăng mà trước đây tôi chỉ tốn khoảng 100 Rupee, giờ đã có giá 200 Rupee", anh Piyush Thakur, người dân New Delhi, Ấn Độ, cho biết.

Ngoài nhiên liệu chạy xe, các mặt hàng năng lượng khác cũng đang là gánh nặng với người dân Ấn Độ. Giá gas sinh hoạt đã tăng khoảng 30%, trong khi điện liên tục thiếu hụt ở nhiều nơi. Dù ít nhiều đi xuống so với các tháng trước, nhưng lạm phát tiêu dùng của nước này vẫn lên tới 5,3% trong tháng 8.

"Giá nhiên liệu tăng cao đã buộc chúng tôi phải bỏ xe và đi bộ nhiều hơn. Chúng tôi cũng phải chuyển sang nấu nướng bằng củi vì giá gas quá đắt", anh Aazad, người dân New Delhi, Ấn Độ, chia sẻ.

Dù không ở mức trầm trọng như Ấn Độ, nhưng nhiều nền kinh tế châu Á khác cũng đang cảm nhận thách thức từ cơn sốt năng lượng.

Tại Hàn Quốc, lần đầu tiên trong vòng 8 năm qua, công ty điện hàng đầu của nước này phải tăng giá điện sinh hoạt, bình quân khoảng 0,9 USD/tháng cho một hộ gia đình 4 người. Có thời điểm công suất điện dự trữ của Hàn Quốc chỉ còn 8,8 gigawatt, tương đương hơn 10% tổng công suất, do giá nhập khẩu khí đốt - vốn chiếm gần 1/5 tổng sản lượng điện nước này, đang tăng chóng mặt.

Tương tự là tại Singapore, nơi giá xăng liên tục đi lên và chạm đỉnh khoảng 1,84 USD/lít trong hồi tháng 8. Nước này cũng đã phải nâng thuế tiêu dùng điện trong quý III, kéo theo một mức tăng đáng kể lên hóa đơn điện hàng tháng của các hộ gia đình.

Trung Quốc đối phó với tình trạng thiếu điện

Trước tình hình khá nghiêm trọng như hiện nay, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc đã ra thông báo thực hiện nhiều giải pháp tăng cường điều chỉnh cung cầu điện, nhưng chưa tiết lộ chi tiết điều chỉnh giá điện.

Hiện nay, giá điện và giá khí bán cho người dân vẫn giữ nguyên khiến cho doanh nghiệp điện càng sản xuất càng khó. Bởi trong 1 tháng gần đây, than dùng để sản xuất điện tiếp tục tăng hơn 40% và chưa có dấu hiệu dừng. Đó là chưa kể do mâu thuẫn với Australia gay gắt - nước cung cấp phần lớn than cho Trung Quốc - càng làm cho tình trạng thiếu than trầm trọng. Cơ quan chức năng nước này đã chỉ đạo tăng cường mua than từ Indonexia, Nga, Mông Cổ, Mỹ, nhưng vẫn chưa đủ bù đắp than thiếu hụt.

Ngân hàng cũng được chỉ đạo tăng cường cho các công ty sản xuất than nội địa vay vốn để tăng sản lượng khai thác than, song song đó là những giải pháp luân phiên cắt điện những ngành công nghiệp nặng, cắt điện sinh hoạt. Những giải pháp này cũng chỉ mang tính tình thế khi nhu cầu điện tăng cao do phục hồi sản xuất và sưởi ấm mùa đông đang đến gần.

Giải pháp ứng phó của các nền kinh tế lớn khác

Không chỉ Trung Quốc, mà các chính phủ khác cũng đã bắt đầu bắt tay hành động, như Ấn Độ vừa chỉ thị cho Coal India - công ty than thuộc chính phủ và là nhà khai thác than lớn nhất thế giới, tăng cường đầu tư khai mỏ và mạng lưới vận chuyển than, để đáp ứng nhu cầu của ngành nhiệt điện, vốn chiếm đến 70% nguồn điện nước này.

Còn với EU, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), bà Ursula Von der Leyen, cũng đã đề xuất kế hoạch thiết lập kho khí đốt chiến lược, cũng như giảm phụ thuộc của ngành điện vào khí đốt, chủ yếu nhập từ các nước như Nga.

Để vừa ngăn khủng hoảng năng lượng, vừa đạt mục tiêu môi trường, hướng đi của Trung Quốc là gì?

Hướng đi dài hạn để giải quyết vấn đề thiếu điện cũng không nằm ngoài mục tiêu chung - nâng cao chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế và cam kết của Trung Quốc với thế giới về nền kinh tế carbon thấp. Giảm nhiệt điện, vốn dùng nhiên liệu hóa thạch không thân thiện môi trường nhưng lại chiếm đến gần 72% tổng lượng sản xuất điện năng. Tăng sản xuất phong điện, quang điện, tăng từ 13,4% lên 24,4% trong 10 năm gần đây. Đẩy mạnh sản xuất điện hạt nhân với nhiều dự án hợp tác với các công ty Nga và Đài Loan (Trung Quốc) từ 1,7 tỷ USD đến 3,8 tỷ USD khởi công năm nay.

Khủng hoảng năng lượng ngày càng trầm trọng, giá nhiên liệu tăng chóng mặt - Ảnh 2.

Nhiều nền kinh tế châu Á đang cảm nhận thách thức từ cơn sốt năng lượng. (Ảnh minh họa - Ảnh: The Guardian)

Với sự ra đời của sàn giao dịch khí thải lớn nhất toàn cầu, trên 2.000 công ty điện tham gia, Trung Quốc khuyến khích doanh nghiệp áp dụng công nghệ cao để sản xuất điện, giảm ô nhiễm môi trường. Doanh nghiệp càng sản xuất điện sạch, càng dư quota khí thải để bán cho doanh nghiệp khác. Ngoài ra, Trung Quốc cũng dành nhiều chính sách ưu đãi cho các công ty công nghệ cao, sử dụng ít năng lượng.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, trước mắt để tránh gây ra tình trạng thiếu điện đột ngột như hiện nay, giải pháp chuyển đổi sang năng lượng sạch phải diễn ra từ từ, phù hợp thực tế của doanh nghiệp.

Từ câu chuyện của Trung Quốc, có thể thấy trong dài hạn, các quốc gia vẫn sẽ ủng hộ mục tiêu về môi trường. Tuy nhiên tốc độ chuyển đổi nền kinh tế như thế nào sẽ là một bài toán họ cần phải tính toán kỹ, để tránh lặp lại vấn đề như là sốt giá năng lượng hiện nay.

Nhóm năng lượng tăng mạnh do nguồn cung sụt giảm ở nhiều khu vực trên thế giới, tạo ra cuộc khủng hoảng năng lượng tại Trung Quốc và châu Âu trong thời gian vừa qua. Tồn kho dầu thô thương mại ở Mỹ giảm 8 tuần liên tiếp kể từ cuối tháng 7 và mới chỉ hồi phục nhẹ trở lại trong 2 tuần gần đây. Trong khi đó, nhóm OPEC+ vẫn giữ nguyên chính sách sản lượng, dù các nhà phân tích kỳ vọng nhóm này sẽ tăng sản lượng khai thác trong cuộc họp hồi đầu tháng 10.

Trong vòng 1 tháng qua, nhóm năng lượng và các mặt hàng liên quan đều có các mức tăng rất mạnh và lên đỉnh của nhiều năm. Ví dụ như dầu thô Brent lên mức cao nhất 3 năm, xăng RBOB và khí tự nhiên lên cao nhất 7 năm.

Các ngân hàng lớn đang kỳ vọng giá dầu có thể lên tới 90 USD/thùng vào cuối năm nay và vượt 100 USD/thùng nếu đại dịch COVID-19 bị đẩy lùi trong năm 2022. Đây sẽ là động lực hỗ trợ giá nhiều thị trường khác cùng đi lên.

Đó là trên thị trường hàng hóa giao ngay thực tế, còn với những nhà đầu tư mua bán các hợp đồng phái sinh có những nhận định như thế nào và họ đã hành động ra sao trong con sóng biến động nhóm ngành năng lượng này, sẽ là động thái mua ồ ạt hay vẫn thận trọng vì vùng giá hiện giờ vẫn là mức đỉnh của nhiều năm?

Thị trường hàng hóa dưới con mắt nhà đầu tư

Các nhà đầu tư quốc tế sẽ không bỏ qua những cơ hội đầu tư trong đợt tăng của giá dầu từ vùng giá 65 USD lên vùng 80 USD/thùng vừa qua. Dữ liệu của Sở Hàng hóa New York (Nymex) cho thấy trong giai đoạn tháng 9 đến nay, khối lượng giao dịch của hợp đồng dầu thô có những phiên chạm 550.000 hợp đồng, cao hơn 20% so với giai đoạn đầu năm.

Giá trị có tăng nhưng không quá đột biến, vì nhà đầu tư quốc tế có độ quản trị rủi ro khá cao. Ở những thị trường hàng hóa có lịch sử phát triển từ thế kỷ 18 như Mỹ, họ hiểu cơ hội kiếm lợi nhuận cao nhưng đồng nghĩa rủi ro "cháy tài khoản" cũng lớn trên thị trường này, nhất là những mặt hàng "thất thường" như dầu thô do giá dầu lên xuống chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố từ kinh tế, địa chính trị cho đến cả thời tiết, nên nhà đầu tư quốc tế dù thấy giá dầu tăng mạnh nhưng họ giải ngân cũng trong chừng mực.

Trái lại ở một thị trường mới có vài năm tuổi đời như Việt Nam, giao dịch hợp đồng dầu lại rất "bùng nổ". Theo số liệu của Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), từ khi mặt hàng dầu được cấp phép vào tháng 5/2020, tháng 9 vừa qua là lần đầu tiên MXV ghi nhận 1 tháng giá trị giao dịch các hợp đồng dầu lên tới sát 5.000 tỷ đồng, tức là cao gấp đôi từ đầu năm. Tuy giá trị giao dịch có phần trầm xuống trong tháng 10, nhưng theo các thành viên thị trường, họ đã chốt lời một phần và kỳ vọng cho một nhịp tăng mới mạnh mẽ không kém.

"Khá bất ngờ vì những phiên tăng cũng như lực bật tăng lớn của các mặt hàng gần đây. Lúc giá 70 mình bắt đầu vào đến 1/3 tài khoản. Hiện mình nắm giữ trạng thái khoảng 4 - 5 lot giao dịch và nó đem lại lợi tức cho tài khoản của mình tăng 30 - 35% trong 1 tháng rưỡi vừa qua, giờ đạt trên 300 triệu", anh Nguyễn Minh Tuấn, nhà đầu tư chia sẻ.

"Ngoài các hợp đồng tiêu chuẩn của WTI, Brent, giới đầu tư trong nước cũng rất quan tâm tới các hợp đồng dầu mini vì ký quỹ rẻ hơn mà lợi nhuận hấp dẫn. Hiện tại xu hướng tăng giá của giá dầu đang rất mạnh, nhưng chưa đạt 90 - 100 USD/ thùng như dự báo. Giới đầu tư đang đặt kỳ vọng nhiều hơn vào việc giá dầu tiếp tục tăng", Phó Giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) Nguyễn Ngọc Quỳnh cho biết.

Sức nóng của cổ phiếu hàng hóa

Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm của các doanh nghiệp than cũng cho thấy kết quả kinh doanh của các công ty ngành than không mấy tích cực, thậm chí nhiều doanh nghiệp đã ghi nhận mức sụt giảm hai chữ số, nhưng thị giá cổ phiếu nhóm ngành này lại tăng trong thời gian vừa qua.

Khủng hoảng năng lượng ngày càng trầm trọng, giá nhiên liệu tăng chóng mặt - Ảnh 3.

Giới đầu tư đang đặt kỳ vọng vào việc giá dầu tiếp tục tăng. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)

Sau hàng năm, giá cổ phiếu chỉ biết đi ngang loanh quanh dưới mệnh giá, thanh khoản kém vài trăm nghìn đơn vị/phiên. Tuy nhiên, bắt đầu từ đầu tháng 8, cổ phiếu TC6 - Than Cọc Sáu tăng gấp 3 lên sát 20.000 đồng/cổ phiếu, giao dịch 1 - 1,5 triệu đơn vị/phiên. Than Đèo Nai (TDN) cũng tăng gấp đôi.

Cùng thời gian, cổ phiếu thép sau giai đoạn đi ngang "rực đỏ" đã bắt đầu một nhịp tăng mới. HPG đã tìm lại vùng đỉnh cũ tại thị giá 56.000 đồng/cổ phiếu, NKG đã lập đỉnh mới, tăng hơn 70% trong 2 tháng.

Cổ phiếu dầu khí cũng đang "sôi sùng sục", GAS và họ dầu khí nhiều phiên vừa qua đang vượt lên cả các nhóm như ngân hàng, bất động sản trong việc dẫn dắt VN-Index.

Đầu tư cổ phiếu hàng hóa đang "ra tiền", nhưng đâu là một câu chuyện đầu tư dài hạn, đâu chỉ là một một "con sóng" đầu cơ ngắn hạn. Để đi được đến kết luận này, chúng ta cần đi vào "gốc rễ" đà tăng của các loại hàng hóa này.

Trong tình hình thế giới hiện nay, giá than vẫn còn dư địa tăng nhưng nhìn vào bản chất kinh doanh của các doanh nghiệp than trên sàn, chủ yếu là thuộc Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV). TKV không cho phép các doanh nghiệp khai thác than xong đi xuất khẩu và áp giá trực tiếp với khách hàng mua, mà các doanh nghiệp này chỉ có đúng chức năng khai thác theo định mức sản lượng được giao hàng năm và định mức tỷ suất lợi nhuận cũng thường được ấn định theo con số dự toán trước, không được điều chỉnh quá nhiều kể cả khi giá than thị trường có tăng mạnh.

Minh chứng cho thấy dòng tiền đầu cơ vào nhóm ngành này là hàng loạt cổ phiếu nhóm than đã giảm mạnh trong những phiên giao dịch vừa rồi. Những cái tên như: Than Vàng Danh, Than Cọc 6, Thanh Mông Dương đều giảm trên dưới 12% sau trong 2 phiên giao dịch cuối tuần qua.

Năng lượng thế giới biến động, tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước ít nhiều cũng bị ảnh hưởng do có sự liên thông. Tuy nhiên, ảnh hưởng tới mỗi doanh nghiệp là một khác, không phải cứ giá dầu tăng là tất cả cổ phiếu có chữ P sẽ tăng, bởi tăng do khai thác dầu khác với khí, doanh nghiệp có tồn kho lớn khác với doanh nghiệp chỉ phụ trách việc thiết kế, thi công công trình khoan lắp. Tương tự như vậy ở các cổ phiếu nhóm ngành năng lượng. Nếu chỉ đầu tư theo thông tin, bài học về dòng tiền đầu cơ vào nhanh và rút ra nhanh như ở nhóm ngành than vẫn còn hiện hữu.

Bức tranh lợi nhuận quý 3 đang dần lộ diện, những kỳ vọng về quý 4 đang mở ra với sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ. Những ngành, những cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt, lợi nhuận tăng trưởng luôn là điểm đến của dòng tiền bền vững.

Khủng hoảng năng lượng tại hàng loạt quốc gia, kinh tế thế giới bị đe dọa Khủng hoảng năng lượng tại hàng loạt quốc gia, kinh tế thế giới bị đe dọa

VTV.vn - Giá khí đốt và giá dầu tăng cao hiện nay cho thấy một thực tế, việc thế giới muốn từ bỏ sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch truyền thống sẽ còn nhiều gian nan.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước