TV& VIDEO
  • vtv Cần Thơ

Gia Lai xử lý 285 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng

TTXVNCập nhật 21:05 ngày 30/05/2018

Tính từ năm 2017 đến nay, lực lượng chức năng tỉnh Gia Lai đã tiến hành xử lý hình sự 32 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. (Ảnh minh họa)

VTV.vn - Ngày 30/5, đoàn công tác của Bộ NN&PTNT đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Gia Lai về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển lâm nghiệp và quản lý, bảo vệ rừng.

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Nhĩ, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai cho biết, từ đầu năm 2018 đến ngày 15/5/2018, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 285 vụ việc vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, giảm 60 vụ so với cùng kỳ năm 2017; trong đó, lực lượng chức năng tỉnh Gia Lai đã xử lý hành chính 277 vụ, xử lý hình sự 8 vụ, thu giữ trên 1.500 m3 gỗ các loại từ nhóm I đến nhóm VIII. Tổng số tiền nộp ngân sách nhà nước trên 1,5 tỷ đồng.

Tính từ năm 2017 đến nay, lực lượng chức năng tỉnh Gia Lai đã tiến hành xử lý hình sự 32 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, khởi tố 51 bị can, đã kết luận điều tra và chuyển Viện Kiểm sát nhân dân truy tố 21 vụ với 42 bị can, đang tiếp tục điều tra đối với 5 vụ việc và tạm đình chỉ điều tra do chưa xác định được bị can đối với 6 vụ việc. Có 24 bị cáo đã được đưa ra xét xử, với mức án từ 9 tháng tù treo đến 40 tháng tù giam.

Tỉnh Gia Lai cũng đã thực hiện kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các đơn vị, cá nhân liên quan đến các vụ việc vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; trong đó, đã kiểm điểm phê bình 25 tập thể, cá nhân của UBND các xã, thị trấn; cách chức 2 lãnh đạo và buộc thôi việc 17 nhân viên của các công ty lâm nghiệp; khiển trách 1 Hạt trưởng và 6 Kiểm lâm địa bàn.

Tại buổi làm việc, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Quốc Trị nhấn mạnh, mặc dù hơn 50% số xã trên địa bàn tỉnh có kiểm lâm địa bàn, song vẫn để xảy ra nhiều vụ việc phá rừng. Do đó, đề nghị tỉnh Gia Lai cần có giải pháp để giảm thiểu tình trạng phá rừng. "Đối với lực lượng kiểm lâm, không thể thực hiện kiểm tra, triển khai nghiệp vụ theo các lối đường mòn mà phải bám dân, bám rừng thì mới giữ được rừng",  ông Nguyễn Quốc Trị nói.

Trên địa bàn tỉnh Gia Lai, dù lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát tình hình quản lý, bảo vệ rừng, song do địa bàn rộng lớn, lực lượng mỏng, nhiều vụ việc vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng đã xảy ra. Nổi cộm trong thời gian gần đây là vụ việc khai thác rừng trái phép tại xã Ia Sao, thị xã Ayun Pa vào ngày 26/4/2018, khi lực lượng chức năng phát hiện trên 35 m3 gỗ các loại; vụ việc cất giữ gỗ trái phép tại Công ty TNHH Duy Nguyên, thị xã Ayun Pa vào ngày 3/5/2018, phát hiện 138 khúc gỗ xẻ với khối lượng hơn 62 m3.

Bên cạnh đó, các đối tượng vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng với tính chất manh động có chiều hướng gia tăng. Cụ thể, ngày 9/4/2018, lực lượng chức năng huyện Chư Păh tiến hành kiểm tra, phát hiện và tạm giữ gần 6 m3 gỗ cùng nhiều phương tiện liên quan. Song đến 10 giờ 30 phút cùng ngày, khoảng 40 đối tượng sử dụng hung khí đe dọa và cướp lại các phương tiện đang bị tạm giữ từ lực lượng chức năng. Đến nay, lực lượng công an tỉnh Gia Lai đã điều tra, xác định được 2 đối tượng có liên quan, tiếp tục thu thập chứng cứ để làm rõ, xác định các đối tượng khác và xử lý theo quy định của pháp luật.

Cũng tại buổi làm việc, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã nghe các ban ngành tỉnh Gia Lai báo cáo về kết quả sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực lâm nghiệp 5 tháng đầu năm. Theo đó, dự kiến 6 tháng đầu năm 2018, giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt 205 tỷ đồng. Trong năm 2018, tỉnh Gia Lai có kế hoạch trồng mới 7.000 ha rừng, cùng với đó, tỉnh cũng sẽ thực hiện tốt việc quản lý, sử dụng quỹ chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Hiện nay, diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp của tỉnh Gia Lai là trên 740.000 ha; trong đó, đất có rừng gần 600.000 ha với trên 540.000 ha rừng tự nhiên, độ che phủ rừng trên 40%.

Nông dân Quảng Ngãi xây dựng thương hiệu nông sản

VTV.vn - Hiện nay, ở nhiều địa phương, nông dân không chỉ dừng lại ở sản xuất nông nghiệp mà chuyển dần sang mô hình kinh tế nông nghiệp.