Không có những ưu thế nổi bật về kinh tế nhưng Trực Nội đã tìm ra những cách làm hay để vượt khó. Cách làm sáng tạo của Trực Nội thực sự sẽ là một kinh nghiệm quý cho mỗi địa phương trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.
‘ Quang cảnh nông thôn mới ở Trực Nội
Bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, điều Trực Nội thiếu hụt là một cơ sở hạ tầng đạt chuẩn. Hầu hết, các công trình hiện có đều chưa đạt yêu cầu, muốn xây mới phải cần tiền tỉ. Nhiều ý kiến còn cho rằng không thể làm được gì nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước.
Không lùi bước trước khó khăn, Trực Nội quyết tâm vượt khó bằng chính nội lực của địa phương chứ không trông chờ ỷ lại. Để huy động được sự đóng góp của người dân, Trực Nội đã có một cách làm linh hoạt để việc đóng góp không ảnh hưởng quá lớn đến cuộc sống của người dân.
Trong khi các hộ giàu, hộ khá và trung bình được khuyến khích đóng ngay một đợt thì những hộ nghèo, cận nghèo và hộ gặp khó khăn đột xuất có thể đóng thành nhiều đợt. Những hộ quá nghèo thì lãnh đạo xã, thôn, lãnh đạo các đoàn thể có ủng hộ kinh phí và vận động họ hàng, người thân đứng ra hỗ trợ một phần.
Người dân không chỉ thấy rõ hiệu quả từ những đóng góp của họ mà còn được trực tiếp giám sát quá trình sử dụng đồng vốn đó. Nhờ làm tốt công tác "dân vận", từ cuối năm 2009 đến nay, Trực Nội đã huy động được hơn hàng chục tỉ đồng từ sự đóng góp của nhân dân.
‘ Cụm đi tích đình chùa làng Sa Đê đã được tôn tạo khang trang
Không chỉ huy động sự đóng góp của nhân dân trong xã, Trực Nội còn có một cách làm rất hay là khai thác và huy động nguồn đóng góp từ những người con của quê hương đang sinh sống và làm việc ở nơi khác.
Hàng chục công trình phúc lợi được hoàn thành hoặc đang thi công do nguồn đầu tư của con em Trực Nội xa quê tài trợ. Tiêu biểu nhất trong số đó có Trường Tiểu học đạt chuẩn quốc gia và Đền liệt sĩ xã (khánh thành giữa năm 2010). Hai công trình đều do doanh nhân Nguyễn Đức Cử, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Bưu điện Liên Việt kết hợp cùng chương trình Về quê đầu tư với tổng số tiền lên tới 12,5 tỉ đồng.
Ngôi trường do doanh nhân Nguyễn Đức Cử xây dựng
Mới đây, doanh nhân này đã tiếp tục đóng góp hơn 8 tỉ đồng để trùng tu và tôn tạo Cụm di tích lịch sử văn hóa Đền – Chùa làng Sa Đê. Đền làng Sa Đê thờ Thành hoàng làng có từ thế kỷ XVII tọa lạc trên khuôn viên rộng hơn 5.287 m2, ngoài việc thờ Thành hoàng làng, đền còn là nơi phối thờ các vị Thủy tổ của các dòng họ Nguyễn Đức, Nguyễn Văn, Vũ, Tô, Phạm, Hoàng, Trần… và thờ các liệt sỹ, các bà mẹ Việt Nam anh hùng có công với đất nước. Thể theo nguyện vọng của nhân dân cùng sự đồng thuận của các dòng họ, sau hơn 24 năm giải hạ (dỡ bỏ), năm 2000 Đền làng Sa đê được phục dựng đúng trên nền đất cũ năm xưa.
Khi được tỉnh Nam Định chọn là một trong 10 xã điểm thực hiện xây dựng nông thôn mới, Trực Nội xác định đây là thời cơ thuận lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng diện mạo mới cho vùng nông thôn… Bên cạnh việc lựa chọn ra những tiêu chí phù hợp nhằm khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của địa phương, lãnh đạo xã đã tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền mọi người dân thấy được vị trí quan trọng của chương trình nhằm huy động tối đa sự tham gia đóng góp của nhân dân.