Tương Dương nay đã chuyển mình

Huyền An-Thứ tư, ngày 21/05/2014 10:05 GMT+7

Nghị quyết 30a của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững được thực hiện ở 61 huyện thuộc 20 tỉnh. Sau 6 năm thực hiện, nhiều địa phương được sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế đã có những khởi sắc rõ rệt. Ghi nhận của nhóm phóng viên Về quê về những hiệu quả từ chương trình 30a.

Là một huyện vùng cao nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Nghệ An, Tương Dương có 18 xã, thị trấn, trong đó có tới 17 xã đặc biệt khó khăn. Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện nghị quyết 30a, nhiều dự án được triển khai tại Tương Dương đã dần có những chuyển mình rõ rệt.

Ông Vi Văn Hợi PCT UBND huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Chúng tôi đã triển khai đồng loạt các hoạt động cho người dân như: Xây cầu 30A, con đường 30A, trại giống 30A, cán bộ tri thức 30A... Và trong đó đào tạo nghề 30A cho thanh niên là một hoạt động rất hiệu quả.

‘ Đại diện chính quyền trao tiền hỗ trợ cho các hộ nghèo

Huyện Tương Dương hôm nay đã có nhiều thay đổi nhờ vào sự giúp đỡ của năm đơn vị đỡ đầu, cùng với những định hướng đúng đắn của lãnh đạo các cấp trong huyện, hệ thống đường xá được nâng cấp, từ các tuyến xã đến huyện bây giờ đã đi lại dễ dàng, mở đường cho sự phát triển kinh tế, xã hội.

Trò chuyện với chị Vi Thị Thu Nga, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Quang chúng tôi được biết, từ khi có chương trình 30A con đường này mới được đầu tư dài 12 km nối với 3 bản vùng trong của xã Tam Quang. Đã có những đổi thay rất tích cực. Con đường đã giúp tiết kiệm chi phi cho bà con, giúp giao thương hàng hóa, đời sống văn hóa tinh thần...

Tới thăm thôn Tân Hương, chúng tôi đã thấy rõ hơn những hiệu quả từ chương trình 30A tại đây. Đi trên các thôn xóm, với con đường bê tông láng sạch sẽ, chúng tôi quên mất mình đang trong một bản ở giữa rừng sâu, bởi đồng bào đã chuyển xuống sống tập trung thành xóm chứ không sống thưa thớt như trước nữa. Cuộc sống đã sung túc ấm no hơn trước nhiều. Kể đến những đổi thay ở Tương Dương từ khi triển khai nghi quyết 30A thì nhiều, nhưng điều đáng nói ở đây nhất có lẽ là định hướng phát triển nguồn nhân lực, gần 100 cán bộ tri thức trẻ được đưa về các thôn bản và hàng nghìn thanh niên được đào tạo nghề mà không phải đóng một khoản học phí nào.

‘ Đời sống bà con nơi đây đã có nhiều thay đổi

Ông Trần Hùng Quang - Giám đốc TT dạy nghề huyện Tương Dương cho biết: "Trung tâm dạy nghề huyện Tương Dương có 6 chuyên ngành dạy. Từ khi được tiếp cận nguồn vốn của chương trình 30A thì nhà trường đã dạy nghề miễn phí cho các em. Số học sinh này, sau khi ra nghề trở về địa phương đều hoàn thành tốt…".

Nghề nghiệp là niềm vui, là nền tảng cho cuộc sống. Dưới mái trường hướng nghiệp dạy nghề đã có hàng nghìn thanh niên Tương Dương tìm được con đường định hướng cho tương lai. Vi Văn Dậu, là người dân tộc Thái vốn quen việc đồng áng truyền đời của cha ông, nhưng nhờ có chương trình dạy nghề miễn phí cho thanh niên, Dậu cố gắng học nghề sửa chữa xe máy và giờ anh đã có được một cái nghề vững chắc, cuộc sống đã đổi thay nhiều so với trước kia.

Dậu cho chúng tôi biết: "Bây giờ người đi xe máy nhiều, em làm không hết việc nên cuộc sống rất tốt, hơn làm ruộng nhiều…". Hoàng Thị Tuyết cũng là một trong số những thanh niên được dạy nghề miễn phí. Cô gái trẻ này đã lựa chọn cho mình một nghề phù hợp với hoàn cảnh, và khả năng. Niềm vui rất lớn khi đã có nghề trong tay, đã giúp cho Tuyết vững tin hơn vào tương lai tươi sáng.

Từ khi được triển khai thực hiện nghị quyết 30A của Chính phủ, lãnh đạo địa phương cũng đã đồng tâm hiệp lực cùng nhân dân khai hoang, phục hóa, cải tạo đất trồng, nâng cao diện tích canh tác và đưa lực lượng tri thức trẻ về hỗ trợ truyền dạy kỹ thuật nuôi trồng cho bà con. Chị Lê Thị Ngà, kĩ sư nông nghiệp huyện cho biết: "Chúng tôi đã triển khai đưa lực lượng kỹ sư nông nghiệp trẻ về để hỗ trợ bà con phát triển mô hình trồng rau sạch này... Các loại giống mới cho hiệu quả kinh tế cao hơn...".

Chúng tôi đã tới thăm một trong những mô hình trồng rau sạch kinh doanh của xã Tam Quang, huyện Tương Dương. Nhìn cánh đồng rau xanh mướt như thế này, ít ai nghĩ rằng chỉ mấy năm trước cả khu vực này cỏ dại mọc cao quá đầu người. Mô hình này khiến người ta liên tưởng tới thời kì hợp tác xã thuở nào. Mọi người cùng làm, cùng chia sẻ, nhưng trên hết là cùng nhau thoát nghèo.

‘Mô hình trồng rau sạch được triển khai hiệu quả

Ông Vi Văn Hợi - PCT UBND huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An: Trong tất cả các định hướng phát triển của huyện, chúng tôi luôn đặt vấn đề giao thông và nhân lực lên hàng đầu. Vì phải có giao thông mới có thể thông thương phát triển kinh tế. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là để phát triển tương lai.

Phát triển một vùng đất cần có thời gian và nguồn kinh phí, nhưng cái tâm và tầm của những nhà lãnh đạo hôm nay sẽ đặt những nấc thang cho thế hệ mai sau bước những bước đầu tiên trên hành trình xây dựng cuộc sống mới. Huyện Tương Dương hôm nay đã khác trước nhiều, và chúng tôi tin rằng, trong tương lai Tương Dương sẽ còn phát triển với nhiều thành tựu hơn nữa.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước