Về quê: Hành trình mang tới những niềm vui về huyện Xín Mần

Hà My-Thứ ba, ngày 13/05/2014 14:57 GMT+7

Huyện Xín Mần nằm ở phía Tây tỉnh Hà Giang, là một trong số 62 huyện chưa thoát nghèo của cả nước. Năm 2009, theo Nghị quyết 30A của Chính phủ, nhiều chương trình ý nghĩa đã và đang được Ngân hàng Bưu điện Liên Việt và Công ty CP Him Lam tích cực triển khai nhằm phát triển kinh tế và cải thiện đời sống của người dân nơi đây.

Mấy năm trước, khi cây cầu Na Lan chưa được xây dựng, giao thông đi lại của người dân nơi đây vô cùng khó khăn, vất vả. Gần 18.000 người nhưng chỉ có một cầu nhỏ vắt qua sông. Mùa cạn thì không nói làm gì nhưng khi mùa mưa đến, nước lũ trên núi đổ về, con suối trở thành hung thần với những người dân mỗi khi phải qua sông.

Sau mỗi trận mưa, hai bên bờ núi, đất đá bị lở từng hố lớn khiến việc đi càng gặp nhiều khó khăn hơn. Biết được điều này, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt và Công ty CP Him Lam - đơn vị nhận đỡ đầu huyện Xín Mần đã quyết định đầu tư xây dựng một cây cầu bê tông mới.

‘ Cây cầu thô sơ cũ bắc qua dòng Na Lan

Cuối năm 2010, cây cầu Na Lan dài 80m, rộng 10m bằng bê tông được xây dựng nhờ nguồn vốn hỗ trợ của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt với số tiền đầu tư là 21 tỉ đồng đã khánh thành. Cây cầu bê tông vĩnh cửu lớn nhất của huyện Xín Mần được đưa vào sử dụng đã phá thế cô lập về giao thông cơ giới cho 6 xã phía đông với 13 xã còn lại của huyện vùng cao này.

Trở lại Xín Mần sau 4 năm, nhóm phóng viên đã tình cờ gặp đôi vợ chồng trẻ đang trên đường về thăm cha mẹ cô dâu sau ngày cưới theo phong tục của đồng bào dân tộc Nùng. Đi trên cây cầu bê tông mới được xây dựng vững chãi, anh chị Thèn Văn Chức và Vùi Thị Chẳm đã không giấu nổi niềm vui vì quãng đường trở lại thăm nhà đã rút ngắn hơn rất nhiều. Ông Vùi Văn Đăng, Thôn Thẩm Giá, xã Tả Nhìu, huyện Xín Mần, Hà Giang nhớ lại: "Ngày xưa khó khăn lắm, yêu nhau muốn tìm hiểu nhau chỉ có đi bộ thôi, phải đi đường rừng, lội qua suối, có khi mất cả ngày trời..." .

‘ Niềm vui của người dân Xín Mần khi cây cầu mới to đẹp được đưa vào sử dụng

Ước tính, từ năm 2010 đến nay, cầu Na Lan đã tiết kiệm cho người dân cả chục tỉ đồng từ tiền vận chuyển hàng hóa. Ông Thèn Khái Mìn, Bí thư Đảng ủy xã Tả Nhìu, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang cho chúng tôi biết thêm: "Nhờ có cây cầu này, bà con của 6 xã đi lại và giao thương thuận tiện hơn rất nhiều. Hàng hóa được giao lưu, nên đời sống bà con cũng được nâng lên rõ rệt".

Những thay đổi của Xín Mần hôm nay có được là nhờ một mô hình làm từ thiện độc đáo. Ngân hàng Bưu điện Liên Việt và Công ty CP Him Lam - hai đơn vị đỡ đầu của huyện đã xây dựng đề án hỗ trợ Xín Mần với nội dung tập trung vào các lĩnh vực: Đào tạo nhân lực, hỗ trợ phát triển y tế, giáo dục, phát triển kinh tế, hỗ trợ xây dựng hạ tầng kết nối giao thông với kinh phí cam kết tài trợ trị giá gần 70 tỉ đồng. Trong đó, y tế và giáo dục được xem là định hướng đầu tư trọng điểm.

Vì vậy, cũng trong dịp khánh thành cầu Na Lan, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt và Công ty cổ phần Him Lam đã cùng chính quyền huyện tổ chức Lễ khởi công xây dựng Trường THCS Cốc Pài, Trường mầm non Cốc Pài, khánh thành xí nghiệp sản xuất gạch không nung công suất 4,5 triệu viên/năm và trao tặng xe cứu thương cho Bệnh viện huyện Xín Mần. Các hoạt động này đều nằm trong khuôn khổ Ðề án hỗ trợ phát triển huyện Xín Mần theo Nghị quyết 30A của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo trong cả nước.

Ông Vi Tuấn Đức, giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Xín Mần, Hà Giang cho biết: "Cách đây ba, bốn năm, riêng việc đi lại của người dân thôi đã vô vàn gian nan chứ nói gì đến chuyện có xe cứu thương tới tận nhà đón bệnh nhân đưa tới bệnh viện đa khoa của huyện".

Trong lời kể của chị Vùi Thị Thanh dường như vẫn còn tràn đầy niềm xúc động khi nhớ lại thời khắc con gái bé bỏng của chị được đưa đi cấp cứu kịp thời, nhờ chiếc xe cứu thương mới của huyện. Nhớ lại khoảnh khắc ấy, chị vẫn không khỏi bồi hồi, xúc động: "Hôm đó cháu bị đau bụng dữ quá mà nhà chỉ có mấy mẹ con, bố cháu đi làm xa... May mà xe cấp cứu tới kịp thời, chứ không thì tính mạng cháu cũng không biết thế nào...".

Ông Dương Việt Hùng, chủ tịch UBND xã Bản Ngò, huyện Xín Mần cho biết thêm: "Từ khi được tăng cường đội ngũ y sĩ và y tế thôn bản, về mặt tuyên truyền y tế cộng đồng đã có nhiều đổi thay rõ rệt. Người dân hiểu biết hơn về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe… ".

‘ Trẻ em vùng cao Xín Mần giờ được học trong những ngôi trường khang trang

Được biết, đề án hỗ trợ giảm nghèo cho Xín Mần được thực hiện theo công thức 5-3-2 tức cứ đầu tư 100 đồng thì 50% chi phí vào con người (giáo dục đào tạo), 30% vào phát triển kinh doanh và 20% vào phát triển hạ tầng. Vì vậy, bên cạnh những đầu tư về cơ sở hạ tầng, những năm qua Xín Mần còn được hỗ trợ đầu tư phát triển yếu tố con người. Đã có gần 100 con em là người dân tộc tại đây được đưa đi học và đào tạo nghề, các em sau khi ra trường, huyện có trách nhiệm bố trí sắp xếp việc làm ổn định.

Xín Mần - huyện biên cương heo hút của tỉnh Hà Giang đã thực sự thay đổi từ khi có chương trình hỗ trợ huyện nghèo theo Nghị quyết 30A của Chính phủ. Mong rằng, lần sau trở lại đây, chúng tôi sẽ được thấy Xín Mần có những bước chuyển tốt đẹp hơn, để mỗi hành trình Về quê đều mang theo niềm vui, niềm hi vọng về sự đầm ấm, no đủ.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước