Hiện nay, Viện Âm nhạc Việt Nam đang lưu giữ một khối lượng tư liệu âm nhạc dân tộc lớn nhất cả nước dưới nhiều định dạng khác nhau như băng cối, băng catset, băng betacam hay các loại đĩa. Nguồn dữ liệu khổng lồ ấy đang dần được in sao trong một thư viện số, giúp lưu lại đầy đủ, an toàn và đồng bộ...
Băng từ, casette, các loại đĩa CD, DVD... là nguồn lưu giữ vô cùng quý giá những di sản âm nhạc, diễn xướng dân gian của 54 dân tộc anh em đang lần lượt được Viện Âm nhạc sao lưu vào một thư viện điện tử. Những dữ liệu đều được mã hóa đồng bộ dưới dạng số thay vì tồn tại trong các phương tiện lưu trữ bằng nhiều chất liệu khác nhau như trước đây.
Tất cả các dữ liệu sau khi số hóa, phân loại sẽ được chuyển vào phần mềm Enterer để phục vụ lưu trữ, tìm kiếm và nghiên cứu. Chỉ phải gõ từ khóa, ngay lập tức, người truy cập sẽ có đúng tư liệu, bài bản mà mình cần. Đây là nguồn tư liệu đã được chọn lọc, thẩm định kỹ lưỡng, đảm bảo độ tin cậy để phục vụ các hoạt động nghiên cứu, quảng bá, phục dựng và xây dựng các hồ sơ khoa học. Trước đây, để có bản ghi âm, ghi hình của một làn điệu quan họ, một canh hát bài chòi, ca Huế, các sử thi Tây Nguyên... hay bất kỳ một tư liệu âm nhạc dân gian, dân tộc nào được lưu tại Viện âm nhạc, sẽ phải mất hàng giờ đồng hồ tìm, lọc tại kho lưu trữ này.
Việc số hóa các tư liệu di sản âm nhạc cổ truyền của các dân tộc không chỉ phù hợp với sự phát triển của công nghệ, giảm thiểu rủi ro trong quá trình bảo quản những chất liệu lưu trữ truyền thống theo thời gian mà còn là giải pháp quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc cho các thế hệ sau. Với lượng dữ liệu đồ sộ, đảm bảo sự tin cậy, chính xác về nội dung, kho lưu trữ số này đã trở thành nguồn quan trọng để chọn lọc, phát hành những sản phẩm âm nhạc dân tộc có chất lượng phục vụ công chúng, các hoạt động nghiên cứu và quảng bá văn hóa phi vật thể của Việt Nam ra thế giới.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!