Mới đây, Việt Nam, chủ nhà SEA Games 31, đã công bố đề án 36 môn thi đấu góp mặt tại đại hội năm 2021, trong đó có bổ sung thêm nhiều môn trong chương trình Olympic và Asian Games so với các kỳ SEA Games trước đó. Một số hiệp hội thể thao của Philippines và Malaysia bày tỏ lo lắng khi việc lựa chọn các môn này có thể khiến họ mất nhiều huy chương.
"Hội đồng Olympic Malaysia (OCM) cho rằng đoàn thể thao của quốc gia mình sẽ mất 18 huy chương vàng tại SEA Games 31 so với kỳ SEA Games trước tại Philippines năm 2019. Và nếu so với SEA Games 29 tại Kuala Lumpur, Malaysia năm 2017, con số này có thể tăng lên đến 40" - Tờ Malaymail đưa tin.
Đoàn thể thao Malaysia đã giành ngôi nhất toàn đoàn tại SEA Games 29 tổ chức trên sân nhà
Dựa trên danh sách các môn thi đấu tại SEA Games 31, Việt Nam loại bỏ các môn thế mạnh của Malaysia như bóng lưới, hockey trong nhà, bóng gỗ, thuyền buồm, bóng quần, lướt ván hay rugby 7.
Trong các kỳ đại hội, việc nước chủ nhà lựa chọn các môn thể thao thế mạnh và thêm một số môn truyền thống là điều phổ biến. Những chủ nhà trước đó như Philippines, Malaysia hay Myanmar cũng không ngoại lệ.
Tuy nhiên, Malaymail lại đặt ra câu hỏi: "Sao phải ồn ào khi Việt Nam chọn môn Olympic cho SEA Games 31? Đây đều là những huy chương mà chúng ta nên hướng tới. Có điều gì tệ khi Việt Nam tổ chức nhiều môn Olympic?"
Bài viết chỉ ra rằng các hiệp hội nên chuẩn bị cho vận động viên những mục tiêu cao hơn, có nghĩa là giành huy chương châu Á hoặc Olympic. Các vận động viên vẫn còn một năm để chuẩn bị cho SEA Games 31, đặc biệt là lứa trẻ, đồng thời hướng tới những bục vinh quang ở cấp độ cao hơn.
ĐT điền kinh Việt Nam tại SEA Games 30
"Hãy học hỏi từ Việt Nam, nền thể thao cho thấy sự tiến bộ ổn định trong những kỳ SEA Games gần đây, đặc biệt tới từ các môn Olympic. Tại kỳ đại hội 2019 trên đất Philippines, Việt Nam đứng thứ 2 với 98 HCV, 85 HCV và 108 HCĐ. Việt Nam không chỉ thể hiện sự tiến bộ ở SEA Games mà còn tạo được dấu ấn ở cấp độ Olympic" - Tờ Malaymail nhận định.
"Malaysia đã góp mặt tại Olympic kể từ Olympic Melbourne năm 1956 và mới giành được huy chương đầu tiên tại Barcelona năm 1992 với tấm huy chương đồng môn cầu lông. Trong khi Việt Nam, sau chiến tranh, mới chỉ trở lại đấu trường Olympic từ năm 1980 nhưng đã giành được những thành tích đáng nể. Trong đó có huy chương bạc môn taekwondo của Trần Hiếu Ngân tại Sydney 2000 và huy chương vàng lịch sử của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh tại Rio 2016.
Hoàng Xuân Vinh giành HCV Olympic Rio 2016
Trong khi Malaysia vẫn đang chờ tấm huy chương vàng Olympic đầu tiên thì các nước láng giềng như Thái Lan (9 HCV), Indonesia (7 HCV) và Singapore (1 HCV) đều đắm mình trong ánh vàng lấp lánh và nghe những bài quốc ca của họ được chơi tại Đại hội thể thao lớn nhất thế giới" - Tờ Malaymail đưa ra các con số dẫn chứng.
"Đã đến lúc các cơ quan quản lý thể thao Malaysia cần thay đổi để thể thao của quốc gia này có thể vươn lên" - Tờ Malaymail kết thúc bài viết.
36 môn thi trong đề án tại SEA Games 31: Điền kinh, thể thao dưới nước, thể dục, rowing, canoeing/kayak, bóng đá, bắn súng, bắn cung, cử tạ, judo, taekwondo, karate, wushu, vật, boxing, kickboxing, đấu kiếm, cầu lông, cầu mây, quần vợt, bóng chuyền, bóng rổ, bóng ném, xe đạp, bóng bàn, billiards & snooker, golf, bi sắt, kurash, vovinam, cờ, pencak silat, muay, thể hình, lặn, khiêu vũ thể thao.
Nguồn: Why the fuss over Olympic sports at Vietnam SEA Games?